ClockThứ Năm, 05/10/2017 06:06

Phun thuốc phòng sốt xuất huyết không ảnh hưởng đến sức khỏe

TTH - Hiện nay, nhiều ý kiến lo ngại việc phun hóa chất diệt muỗi trong khu vực dân cư ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, vấn đề này không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chủ động phun hóa chất dập dịch SXH ở Khe Tre, Nam Đông

Tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đầu năm 2017 đến nay trên địa bàn ghi nhận gần 300 ca mắc sốt xuất huyết (SXH). Bệnh SXH xuất hiện hầu hết các huyện, thị xã, thành phố nhưng chưa trở thành dịch. Trước thực trạng này, Sở Y tế chỉ đạo, giao trung tâm kiểm tra giám sát các địa phương; phối hợp với các ban ngành chức năng tăng cường truyền thông đến người dân về bệnh SXH và các biện pháp phòng ngừa, trong đó đẩy mạnh việc khoanh vùng, phun hóa chất diệt muỗi.

Bác sĩ Võ Văn Trình, Trưởng trạm Y tế thị trấn Khe Tre, Nam Đông thông tin, gần đây công tác phòng ngừa dịch SXH ở địa phương đặt lên hàng đầu. Nơi đây là khu trung tâm đông người, có nhiều công trình xây dựng cơ bản, tập kết thiết bị, phế thải, lốp cao su... tiềm ẩn dịch SXH cao. Tuy nhiên, để phòng ngừa bệnh SXH, việc khoanh vùng phun hóa chất ở khu vực nguy cơ vẫn còn nhiều người quan ngại, nhất là gia đình có người già và trẻ nhỏ. Chị Võ Thị Nhàn, khu vực 4, thị trấn Khe Tre chia sẻ: “Phòng dịch SXH, bà con ở đây hưởng ứng cao nhưng khi phun hóa chất tôi rất ngại. Mùi thuốc khó chịu lan tỏa ở sân vườn, nhà cửa ảnh hưởng đến sức khỏe, trẻ nhỏ dễ viêm nhiễm đường hô hấp phải đi sơ tán nhiều ngày”.

Ông Phan Thế Hùng, ở xã Phong Mỹ (Phong Điền) cho rằng, hàng năm ở các thôn, bản đều triển khai chiến dịch phòng ngừa bệnh SXH. Khi y tế dự phòng đến phun hóa chất ở khu vực dân cư, vườn tược, nhà cửa, bà con e ngại bụi thuốc bay vào nhà. Nhiều nơi phải cửa kín then cài, có lúc lời qua tiếng lại, bất hợp tác với cán bộ y tế vì sợ độc hại.

PGS.TS. Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho rằng, thuốc phun diệt muỗi hiện nay đang được Bộ Y tế sử dụng để phun dập dịch SXH tại các cụm dân cư không gây độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Các sản phẩm diệt côn trùng hiện nay gồm ba nhóm: Nhóm có gốc Clo hữu cơ, nhóm có gốc Phốt pho hữu cơ và nhóm có gốc Pyrethrine. Thuốc phun diệt muỗi hiện nay được Bộ Y tế sử dụng là nhóm Pyrethrine - thuốc thuộc thế hệ mới nhất và qua thử nghiệm ở cả 3 miền của Việt Nam cho kết quả an toàn. Hiện các nước trên thế giới đang sử dụng loại thuốc này. Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Sơn, bệnh SXH hiện chưa có vắc xin phòng và bệnh không lây từ người sang người. Biện pháp duy nhất để phòng bệnh là diệt lăng quăng/bọ gậy và phun thuốc diệt muỗi vằn.

Bác sĩ Cao Thuyết, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế Phong Điền cho biết, phun thuốc phòng chống dịch SXH là phun không gian ở thể tích cực nhỏ với lượng hóa chất cực nhỏ dưới dạng phun sương nhưng có hiệu quả tối đa. Chỉ vài giờ đồng hồ sau phun, lượng hóa chất sẽ khuếch tán trong không khí nên việc lo ngại thuốc ảnh hưởng tới sức khỏe là lo lắng không có cơ sở. Bác sĩ Thuyết giải thích thêm, với đặc tính chỉ vài giờ đồng hồ sau phun, lượng hóa chất này sẽ khuếch tán trong không khí nên thuốc phun chỉ diệt được muỗi vằn trưởng thành nhiễm virut truyền bệnh SXH ở thời điểm đó chứ không duy trì lâu dài. Khi lượng hóa chất đã hết trong không khí, nếu môi trường xung quanh hoặc ở các hộ dân khác vẫn tồn tại muỗi mang mầm bệnh SXH thì muỗi này vẫn có thể tiếp tục bay vào nhà, đốt người và nguy cơ mắc SXH vẫn xảy ra.

“Để an toàn tuyệt đối, khi phun thuốc tại các hộ gia đình, người dân cũng nên ra ngoài khoảng 30 phút chờ cho thuốc khô thoáng sau đó mới vào nhà. Với trẻ nhỏ, người có bệnh về đường hô hấp dễ bị cấp tính nên tránh ra ngoài khoảng 2-3 tiếng đồng hồ sau khi phun", bác sĩ Thuyết nói.

Để phòng chống dịch SXH hiệu quả, PGS.TS. Nguyễn Đình Sơn đề nghị không riêng ngành y tế, mọi cấp ngành và người dân cần chung tay phòng bệnh. Nếu chỉ một nhóm, hộ gia đình phun thuốc, có ý thức diệt lăng quăng/bọ gậy nhưng xóm ngõ vẫn để nhiều phế thải đọng nước, các hộ gia đình khác không có ý thức phòng bệnh thì đàn muỗi mang mầm bệnh vẫn bay từ nhà này sang nhà khác và truyền bệnh.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học Bác về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân

Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, coi nghề y là nghề đặc biệt. Đây là vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề cập. Tư tưởng đó phản ánh chiều sâu nhân văn của chế độ XHCN, dễ hiểu, dễ làm theo.

Học Bác về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân
WHO: Hơn 1 tỷ người trên thế giới đang bị béo phì

Theo ước tính cập nhật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, hơn 1 tỷ người trên toàn cầu - tương đương với 1/8 tổng dân số thế giới, hiện được coi là béo phì - một tình trạng liên quan đến nguy cơ gia tăng nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

WHO Hơn 1 tỷ người trên thế giới đang bị béo phì
Cảnh báo: Nhựa vẫn đang "hiện diện rộng rãi" trong thực phẩm

Theo nghiên cứu mới của Consumer Reports, phthalates và bisphenol - hai thành phần nhựa có liên quan đến nhiều nguy cơ sức khỏe khác nhau như tiểu đường và rối loạn nội tiết tố - vẫn đang hiện diện rộng rãi trong các mặt hàng chủ lực của siêu thị và thức ăn nhanh, bất kể bao bì và thành phần của chúng, cũng như có chứng nhận hữu cơ hay không.

Cảnh báo Nhựa vẫn đang hiện diện rộng rãi trong thực phẩm

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top