ClockThứ Ba, 06/06/2017 09:25

Qatar và các nước láng giềng có thể mất hàng tỷ USD do căng thẳng

Căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh có thể khiến cả hai bên mất hàng tỷ USD do hoạt động thương mại và đầu tư bị kìm hãm, đồng thời đẩy khu vực vào tình cảnh phải đi vay mượn trong khi giá dầu xuống thấp nếu khủng hoảng không được giải quyết sớm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Hiện tại, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Yemen, Libya và Maldives đã "nối gót" Saudi Arabia và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao với quốc gia giàu khí đốt Qatar, sau khi Riyadh cáo buộc Doha ủng hộ chủ nghĩa cực đoan "nhằm mục đích gây mất ổn định trong khu vực."Qatar đã bác bỏ cáo buộc này, cho rằng "đây là lời buộc tội không công bằng và thiếu căn cứ."

Nhưng với khoảng 335 tỷ USD tài sản trong quỹ đầu tư của mình, Qatar có vẻ như có thể tránh được cuộc khủng hoảng kinh tế sau quyết định của các nước láng giềng Arab cắt đứt liên kết hàng không, đường biển và đường bộ với Qatar.

Các cảng biển vừa mới được mở rộng của Qatar có thể giúp quốc gia Trung Đông nhỏ bé về mặt địa lý này tiếp tục xuất khẩu khí thiên nhiên hoá lỏng, vốn mang lại thặng dư thương mại 2,7 tỷ USD vào tháng 4 vừa qua, đồng thời giúp thúc đẩy hoạt động nhập khẩu hàng hóa qua đường biển nhằm thay thế tuyến đường bộ với Saudi Arabia bị phong tỏa do cấm vận.

Tuy nhiên, một phần nền kinh tế của Qatar có thể bị ảnh hưởng xấu nếu căng thẳng ngoại giao với các nước láng giềng đứng đầu là Saudi Arabia kéo dài nhiều tháng. Ngay sau khi có thông tin các nước Arab cắt đứt quan hệ với Qatar, thị trường chứng khoán nước này đã bị tụt dốc hơn 7% trong ngày 5/6.

Hãng hàng không Qatar Airways cũng sẽ phải đối mặt với tổn thất từ một số cấm lệnh cấm bay của các nước láng giềng Trung Đông.

Chính phủ của Qatar đã vay vốn trong và ngoài nước để tài trợ cho khoản chi phí khoảng 200 tỷ USD xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm chuẩn bị tổ chức đăng cai giải bóng đá World Cup vào năm 2022. Giá trái phiếu Qatar giảm vào ngày 5/6 cho thấy khoản vay này sẽ trở nên đắt hơn, có thể làm chậm lại một số dự án.

Trái phiếu của các nước khác trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) hầu như không thay đổi vào ngày 5/6, tuy nhiên một số ngân hàng nước ngoài nói rằng toàn bộ khu vực có thể sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho các khoản vay nếu căng thẳng ngoại giao kéo dài.

Một ngân hàng quốc tế có trụ sở tại Vịnh cho biết: "Nếu cuộc tranh chấp diễn ra một thời gian dài, thì tổn thất của hai bên có thể là rất lớn. Các nhà quản lý tài sản sẽ không phân biệt giữa Qatar và phần còn lại của GCC và họ sẽ không còn dám đầu tư tài chính vào GCC. Nếu Qatar bị xem là nhà tài trợ tài chính hoặc bảo trợ cho khủng bố thì các nhà quản lý tài sản sẽ thận trọng" và chắc chắn sẽ rút vốn ra khỏi thị trường này.

Cấm vận các liên kết vận tải

Bởi vì tất cả các nước GCC đều phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu dầu khí, nên mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa các nước không lớn, điều này sẽ hạn chế những tác động tiêu cực đối với kinh tế do căng thẳng ngoại giao gây ra. UAE là đối tác thương mại lớn nhất của Qatar trong GCC tuy nhiên chỉ đứng thứ 5 nếu xét trên phạm vị các đối tác toàn cầu của Doha.

Ngoài ra, Saudi Arabia và các nước GCC khác theo truyền thống chỉ nắm giữ từ 5 đến 10% giao dịch trên thị trường chứng khoán Qatar. Điều này cho thấy ngay cả khi các đối tác trong GCC của Qatar rút khỏi thị trường thì cũng không gây ra tác động mạnh khiến nó bị chao đảo.

Tuy nhiên, Qatar sẽ phải đối mặt với việc chi phí tăng cao hơn ở một số lĩnh vực, như thực phẩm, xây dựng. Trong năm 2015, Saudi Arabia và UAE đã ứng 309 triệu USD trong tổng số 1,05 tỷ USD tiền nhập khẩu lương thực của Qatar. Hầu hết các mặt hàng này là các sản phẩm sữa được chuyên chở sang Qatar qua tuyến đường bộ nối với Saudi Arabia. 

Chi phí xây dựng ở Qatar cũng có thể tăng lên, đẩy lạm phát trong nền kinh tế gia tăng, bởi vì nhôm và các vật liệu xây dựng khác không còn có thể được nhập khẩu bằng đường bộ.

Một chuyên gia kinh tế GCC nhận định rằng: "Rút kinh nghiệm từ lần cắt đứt quan hệ ngoại giao trước đó vào năm 2014 gây tác động không lớn đối với nền kinh tế và thị trường của Qatar do không quy định lệnh cấm các liên kết vận tải với Doha, các nước Arab vùng Vịnh dẫn đầu bởi Saudi Arabia lần này đã tuyên bố sẽ bắt đầu các thủ tục pháp lý để có được sự đồng thuận ngay lập tức với các quốc gia anh em và các công ty quốc tế để áp dụng các biện pháp trừng phạt càng sớm càng tốt."

Rõ ràng là Saudi Arabia sẽ không thuyết phục được nhiều nước cắt đứt liên kết với Doha, nhưng Riyadh có thể cố buộc các công ty nước ngoài lựa chọn giữa việc kinh doanh với Qatar hay tiếp cận thị trường rộng lớn hơn của mình - nơi có nhiều cơ hội hợp tác trong khuôn khổ của chương trình cải cách kinh tế "Tầm nhìn 2030."

Các ngân hàng tại Cairo cho biết một số ngân hàng Ai Cập đã ngừng các giao dịch với các ngân hàng của Qatar. Hiện vẫn chưa rõ các ngân hàng GCC có làm tương tự như vậy hay không. Các ngân hàng thương mại UAE nói rằng họ đang chờ hướng dẫn từ Ngân hàng trung ương trước khi có quyết định chính thức.

Các thị trường chứng khoán tại Dubai và một số trung tâm khác ở Vùng Vịnh đã giảm vào ngày 5/6 - mặc dù không nhiều bằng thị trường chứng khoán Qatar. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư trong khu vực đang tỏ ra lo lắng trước những diễn biến mới trong tình hình khu vực.

Tổng giám đốc của Công ty Chứng khoán NBAD ở Abu Dhabi Mohammed Ali Yasin cho biết: "Nói chung tình hình không tốt. Tôi không nghĩ rằng khủng hoảng khu vực lại xảy ra. Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người đang suy đoán cho những bước đi tiếp theo sẽ như thế nào? Mọi người đều hy vọng rằng sẽ có sự can thiệp của những người khôn ngoan và mọi thứ sẽ nguội đi, tuy nhiên những gì chúng ta đã thấy là một sự leo thang ngày càng gia tăng."

Việc một loạt nước Arab tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar đang gây ra những tác động tiêu cực đối với thương mại, tài chính, đầu tư tại khu vực Trung Đông, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế toàn cầu khi mà đà tăng trưởng mong manh do những chính sách bảo hộ của các quốc gia.

Các nhà phân tích khu vực Trung Đông cho rằng các nước cần phải kiềm chế, tránh gia tăng căng thẳng, giải quyết bất đồng thông qua đối thoại, "tôn trọng tiếng nói của nhau" mới có thể giúp giải quyết được các vấn đề khu vực./.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đoàn Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc cùng các nhà đầu tư đến thăm, làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2

Ngày 25/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hàn Quốc do Thượng nghị sĩ Quốc hội, thành viên Ủy ban Y tế phúc lợi, Ủy ban Phụ nữ và gia đình Quốc hội Hàn Quốc Choi Younsuk làm trưởng đoàn cùng đại diện Bộ Y tế Phúc lợi Hàn Quốc, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng, nhà đầu tư, giám đốc điều hành các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế Hàn Quốc đến thăm, tìm hiểu cơ chế đầu tư giai đoạn 2 tại Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2.

Đoàn Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc cùng các nhà đầu tư đến thăm, làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2
Nhiều kỳ vọng vào Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế

Dự án Aeon Mall Huế - Trung tâm thương mại thứ 7 của Tập đoàn Aeon Mall tại Việt Nam và là trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp có quy mô lớn nhất miền Trung dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động từ tháng 9/2024 sẽ mang đến những tác động tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế.

Nhiều kỳ vọng vào Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế
EU và Philippines nối lại đàm phán thương mại

Liên minh châu Âu (EU) và Philippines ngày 18/3 cho biết, họ sẽ nối lại các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do, trong bối cảnh EU tìm cách nắm bắt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn của khu vực châu Á và tiếp cận các nguyên liệu thô quan trọng.

EU và Philippines nối lại đàm phán thương mại
Return to top