ClockChủ Nhật, 19/02/2017 12:46

Qua sông

TTH - Dĩ nhiên là chẳng có kịch bản nào như trong câu chuyện của Marguerite Duras.

Con phà xem chừng chệch choạc lắm rồi. Cũng không biết là cái lưng khoang đậu được chừng 1 chiếc ô tô nếu thu xếp kỹ, hoặc dăm ba xe máy, xe đạp ấy đã cõng bao nhiêu người về bên kia sông nhưng khi tôi qua, nó đang trong những ngày vận hành cuối cùng. Có khi bây giờ chỗ ấy đã mọc xong cây cầu bê tông cốt thép vững chãi, mang theo nỗi hân hoan của người dân nơi cuối phố. Mà cái con sông tôi qua, chắc cũng chỉ là một nhánh trước khi đổ vào dòng Sa Đéc.

Hình như đó cũng là chuyến cuối ngày lúc tôi qua sông. Dòng nhỏ mà sao nước cũng dữ. Hay vì tiếng thở già cỗi của con phà tôi cũng không biết nữa. Lúc ấy, không phải sự bề bộn của công trình dang dở mà cái thấp thổm của những ngôi nhà hai bên đã làm tôi mường tượng những ngôi nhà choài ra sông Hương bên bờ Kim Long ngày chưa giải tỏa. Không phải mùi khói, nhưng tôi cứ đoan chắc là có mùi cơm thơm trong ráng chiều nhập nhoạng.

Khi lấy mấy ngàn đồng trả cho chủ phà, tôi nghĩ, ít như vầy người ta có chịu chở mình qua nếu lỡ chuyến? Thì cũng tự hỏi vậy thôi vì trước mặt đã là một tuyến đường dài. Phố yên tĩnh quá chừng dưới những hàng cây đổ bóng, trông hao hao như đường Lê Lợi của Huế. Chỉ khác là đôi ba chỗ có mấy người đàn bà chuyện trò rổn rảng sau chiếc bàn gỗ để dăm chiếc rổ với chút ít hoa trái rau cỏ còn sót lại. Đi thêm một đoạn nữa có thể gặp những quán coffee, quán net và vài tiệm hủ tíu, mì gõ, quán cơm bình dân. Không tìm thấy chiếc taxi nào ở phía này. Xe ôm cũng không. Điều đó mang lại nỗi thất vọng ghê gớm khi nhìn trên Google map, biết nơi mình định trú lại còn khá xa. Lúc ba lô lếch thếch trên vai và người có phần mết mát vì đã qua một đoạn đường dài trên trăm km, cứ nghĩ về việc đã vội vã xuống xe nên thay vì vào trung tâm của Sa Đéc, mình đã đi vào phía ngoài cùng bên trái của thành phố. Nhưng giờ thì tôi biết, đó lại là điều hay chứ dễ gì được thêm chút ngó nghiêng, được chào đón bằng những âm thanh vừa quen lại vừa lạ và dễ chi có một cuốc đi bộ với mùi mồ hôi quen thuộc.

Dĩ nhiên là chẳng có kịch bản nào như trong câu chuyện của Marguerite Duras. Con phà tôi vừa để lại sau lưng chắc cũng không đủ chỗ cho một chiếc Renault đầy bụi khói, cộng với những quang, gánh, heo, gà và những hành khách trong màu áo nâu sồng cũ kỹ, phần vì khoảng cách giữa hai bờ cũng chừng một đỗi, đâu có rộng mênh như lòng sông mà Jane March đã qua trên chuyến phà định mệnh của nhân vật nữ chính. Nhưng điều có thể chắc chắn là vì Người tình mà tôi quyết định rẽ vào và biết thêm một phần Sa Đéc, dù thời gian ở đó không đủ lâu và rất muốn đủ nhiều.

Buổi tối. Phố đêm rộng rênh đến nỗi tôi có thể thoải mái tì tay lên lan can để ngắm sông sau khi đã nhìn khắp lượt những ngôi nhà phía bên kia đường. Cũ và mới ở màu sơn, ở đường nét kiến trúc và ở cả cách mà ánh đèn sáng lên như thế nào trong từng ô cửa.

Hôm ấy sông nhiều gió lắm. Lục bình dạt dạt như đuổi nhau trên mặt nước và có lúc, chúng va vào rồi cuốn nhau trôi đi khi những chiếc thuyền lớn ào qua.

Khi qua sông, tôi đã không biết là mình có thêm những lúc dễ chịu như thế ở một nơi xa ngái, không có trong dự định, với những ngẫu hứng tình cờ…

MỘC TRÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiến thức về thành phố

Điều này chỉ thành chuyện khi cậu bé ấy đã hơn 14 tuổi, sống cùng gia đình trong một khu dân cư ở bờ Nam sông Hương.

Kiến thức về thành phố
Nhớ một nỗi buồn

Chả phải nhớ tình cũ mà là nhớ một người anh mới biết được ít lâu, trong một góc Phú Xuân, ở Daklak.

Nhớ một nỗi buồn
Nếp nhà.

Đồng nghiệp ở xa lắm kể, lần nào về, chỉ vì ưng cái không gian nho nhỏ, gần gụi mà lần nào về quê, anh cũng qua đặt phòng ở khách sạn bên Thành Nội.

Nếp nhà
Với Sophia

Mình thống nhất gọi tên như thế nhé, vì bạn chắc chắn ra đời quá sau tớ, nhưng ở bạn chắc chắn là sự trưởng thành, vượt bậc nữa là đằng khác.

Với Sophia
Return to top