ClockThứ Năm, 15/12/2016 14:21

Quá trình đào sông An Cựu qua Mộc bản triều Nguyễn

TTH - An Cựu là tên một con sông nổi tiếng ở Huế. Sông còn có nhiều tên gọi khác như Lợi Nông, Phủ Cam, Đại Giang…Tuy nhiên, tên sông An Cựu đối với người dân xứ Huế nghe ra vẫn quen thuộc hơn. Toàn bộ dòng sông dài khoảng 30km, bắt đầu lấy nước sông Hương từ đoạn cuối cồn Dã Viên, chảy qua địa phận TP. Huế, TX. Hương Thủy rồi đổ vào phá Hà Trung. Quá trình khơi đào con sông này được ghi chép khá rõ trong Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới.

Sông An Cựu (hay còn gọi là sông Lợi Nông) ngày nay

Theo tư liệu lịch sử thì vào năm Giáp Tuất (1814), vua Gia Long cùng một số quần thần đến xã Thanh Tuyền (tức làng Thanh Thủy ngày nay) để xem xét dân tình vừa bị nạn nước mặn xâm hại. Khi đến nơi, vua quan sát hình thế và cho mời các phụ lão đến dụ bảo về công việc khơi đào dòng sông An Cựu. Các phụ lão thưa rằng: “Đời xưa có ngòi lạch để phòng nắng lụt mà chứa lại tháo đi. Nay khai sông này, thực có lợi cho nông dân lắm”.

Sau khi tỏ rõ ý các bô lão, vua Gia Long lập tức sai dinh thần Quảng Đức khám xét, đo đường sông để khai đào theo ước nguyện của Nhân dân trong vùng. Trong Mộc bản sách Đại Nam thực lục, quyển 48, mặt khắc 14 có chép: “Đào sông An Cựu (tức là sông Lợi Nông ngày nay, ở bờ phía nam sông Lương dọc đến xã Thần Phù giáp phá Hà Trung”. Ngoài ra, Thế tổ Cao hoàng đế còn cho đắp đập Thần Phủ ở phía dưới để lấy nước tưới tiêu, rửa mặn cho hàng vạn mẫu ruộng ở khu vực này.

Mộc bản khắc về việc vua Minh Mạng cho đổi tên sông An Cựu là sông Lợi Nô

Để thực hiện công việc đào sông An Cựu, vua Gia Long đã huy động một lực lượng lớn dân công gồm 1 vạn 3 nghìn quân và dân dinh Quảng Đức ngày đêm ra sức làm việc. Mặt khác, vua Gia Long cũng chi mạnh tay một nguồn ngân sách lớn là 130.400 quan, gạo cũng ngang thế để dòng sông chóng được lưu thông, dân được tiện lợi. Trong khoảng 6 năm, từ lúc khởi công đến một thời gian sau khi vua Minh Mạng lên ngôi (1820), công việc đào sông An Cựu được hoàn thành

Vua Minh Mạng cho xây đắp thêm 24 cống đá ở hai bờ sông An Cựu

Năm Tân Tỵ 1821, nhận thấy dòng sông này đã góp phần giải quyết vấn đề tiêu thủy cho vùng ruộng ô đầm thuộc các xã chung quanh, đồng thời cung cấp nước tưới cho các vùng ruộng cao, vua Minh Mạng đã sắc cho đổi tên sông An Cựu thành sông Lợi Nông. Trong Mộc bản triều Nguyễn, quyển 7, mặt khắc 13 còn khắc: “Cho gọi sông An Cựu là sông Lợi Nông. Vua xem bản đồ Kinh thành, bảo thị thần rằng: “Xưa, tiên đế cho đào con sông ấy, người nông dân được nguồn lợi muôn đời, bèn lấy tên là Lợi Nông mà ban cho, sai dựng bia đá đặt ở phía trên và phía dưới cửa sông để ghi nhớ

Việc đào sông An Cựu đã mang lại sự phát triển kinh tế trông thấy cho mảnh đất này. Ngoài nhiệm vụ “Lợi Nông” như tên gọi, dòng sông An Cựu còn góp phần giúp cho giao thông đường thủy được thuận tiện. Kể từ khi sông được đào xong, thuyền bè chở các thủy, thổ sản cũng như lâm sản địa phương từ các huyện Phú Lộc, Hương Thủy đi, về các chợ An Cựu, Đông Ba tấp nập hẳn lên. Lúc bấy giờ, sông Lợi Nông đã trở thành thủy lộ huyết mạch của Kinh đô.

đến mùa thu, năm 1830, vua Minh Mạng đã cho xây đắp thêm 24 cống đá ở hai bờ sông cho vững chắc.

     Năm 1837, vua Minh Mạng ra lệnh cho khắc hình tượng sông Lợi Nông vào Chương đỉnh cùng với các hình tượng khác như: 5 sao, biển Tây, núi Thương Sơn, sông Linh Giang, con gà, con tê, con rùa, con cá sấu, hoa nhài, quả xoài, cây đậu xanh, cây đậu khấu, cây gỗ thuận, cây kiệu, thuyền đồng mông và súng điểu thương.

Ngày nay, đến với xứ Huế thơ mộng, đứng trên cầu An Cựu du khách sẽ thấy hình dáng một dòng sông uốn lượn, thơ mộng, đôi bờ xanh ngắt cây xanh, khó ai tưởng tượng được con sông đó tốn rất nhiều công sức của quân dân và vua quan triều Nguyễn một thời.

Bài, ảnh: THƠM QUANG


1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, năm 2004;

2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb Thuận Hóa, 2012;

3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mệnh chính yếu, Nxb Thuận Hóa, 1994;

4. Hồ sơ H22/27, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

5. Hồ sơ H22/34, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

6. Hồ sơ H23/52, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

7. Hồ sơ H23/53, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát huy giá trị Thái Y viện triều Nguyễn

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách “Thái Y viện triều Nguyễn: Lịch sử và triển vọng phát triển”, sách dày 440 trang, được NXB Đại học Huế ấn hành.

Phát huy giá trị Thái Y viện triều Nguyễn
Chén vỡ… hóa rồng!

Từ những mảnh sành sứ của chén bát vỡ được thu mua, bàn tay tài hoa của những nghệ nhân khảm sành sứ xứ Huế đã làm hồi sinh dáng vẻ uy nghi của rồng bay, phượng múa trên những di tích Cố đô Huế, đình chùa, miếu vũ…

Chén vỡ… hóa rồng
Lễ Ban Sóc mở màn Festival Huế 2024

Sáng 1/1, tại cửa Ngọ Môn, Ban Tổ chức Festival Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Chương trình công bố Festival Huế 2024 và lễ hội đầu tiên của năm - Sân khấu hóa tái hiện lễ Ban Sóc triều Nguyễn. ​

Lễ Ban Sóc mở màn Festival Huế 2024
Return to top