Thế giới

Quan hệ Mỹ - Cuba khởi sắc: Dịch vụ thư tín trực tiếp được khôi phục

ClockThứ Bảy, 12/12/2015 15:54
TTH.VN - Giới phân tích nhận định, Cuba và Mỹ đang nỗ lực cùng nhau khép lại một chương đen tối trong lịch sử quan hệ song phương

Cuba và Mỹ hôm qua (11/12) thông báo, hai bên đã đạt được thỏa thuận tái thiết lập dịch vụ thư tín trực tiếp vốn bị đình trệ hơn nửa thế kỷ qua. Đây được xem là một trong những tín hiệu tích cực đối với quan hệ hai nước trong bối cảnh Mỹ và Cuba chuẩn bị kỷ niệm 1 năm ngày Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro chính thức thông báo tái thiết lập quan hệ ngoại giao song phương (17/12/2014). 

Thông báo của Bộ Ngoại giao Cuba công bố ngày hôm qua, 11/12 cho biết: quyết định tái thiết lập dịch vụ thư tín trực tiếp giữa Mỹ và Cuba được đưa ra sau cuộc đàm phán gần đây giữa hai nước. Tại cuộc đàm phán, hai bên cũng nhất trí sẽ khởi động một chương trình thí điểm để kiểm nghiệm dịch vụ trực tiếp này. 

Tuy nhiên, cả Mỹ và Cuba đều không cho biết thời điểm khôi phục dịch vụ trên, mà chỉ cho hay các thông số về kỹ thuật, vận hành và an toàn đang trong quá trình thảo luận.

quan he my - cuba khoi sac: dich vu thu tin truc tiep duoc khoi phuc hinh 0
Người dân Cuba lạc quan về triển vọng hợp tác Mỹ- Cuba. Ảnh AP

Quyết định của Mỹ và Cuba đã ngay lập tức nhận được phản hồi tích cực của người dân 2 nước. Theo nhiều người dân Cuba, thỏa thuận vừa đạt được giúp họ tránh được những rắc rối khi gửi thư tới Mỹ phải thông qua nước thứ 3:

“Các cơ chế gửi thư tín giữa Mỹ và Cuba trước đây rõ ràng đã ngăn cản quá trình giao tiếp theo nhiều cách, kể cả việc gửi bưu kiện, gửi thư giữa người dân Mỹ và Cuba. Việc hai nước thiết lập dịch vụ thư tín trực tiếp là một dấu hiệu nữa cho thấy, quan hệ giữa Mỹ và Cuba đang dần được cải thiện.

“Giờ thì ổn rồi, tôi sẽ có thể nhận và gửi thư trực tiếp từ người thân và bạn bè tôi ở Mỹ.”

Với nhiều người dân Mỹ, quyết định trên của nhà chức trách Mỹ và Cuba cũng mang lại những lợi ích tương tự:  
“Tôi thấy thật hoàn hảo. Là một sinh viên, tôi thấy thật khó khăn khi phải liên lạc với gia đình qua dịch vụ thư tín trước đây. Tôi rất vui khi được giao tiếp với mọi người một cách dễ dàng hơn”.

Dịch vụ thư tín trực tiếp giữa Mỹ và Cuba bị đình chỉ từ năm 1963 đến nay. Tuy nhiên, bất chấp lệnh cấm, nhiều thư từ và bưu kiện vẫn được chuyển đi-đến giữa Mỹ và Cuba thông qua các quốc gia khác như: Canada, Mexico và Panama.

Giới phân tích nhận định, Cuba và Mỹ đang nỗ lực cùng nhau khép lại một chương đen tối trong lịch sử quan hệ song phương, tiếp nối những diễn biến tích cực sau khi Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Raul Castro đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào tháng 12/2014. Hai nước đã nhanh chóng triển khai hàng loạt bước đi nhằm đẩy nhanh quá trình này. 

Cho đến thời điểm này, hai bên đã tiến hành 4 vòng đàm phán lần lượt tại thủ đô của mỗi nước và đạt được những tiến triển trong nhiều vấn đề quan trọng. Trung tuần tháng 7 vừa qua, Mỹ và Cuba chính thức mở đại sứ quán tại mỗi nước. Mỹ cũng dần dỡ bỏ các rào cản trong quan hệ thương mại hai nước, như nới lỏng các hạn chế về đi lại và thương mại, giúp mở ra những lĩnh vực hợp tác song phương mới./.

Hồng Nhung/VOV- Trung tâm Tin
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
Return to top