ClockThứ Tư, 28/09/2016 13:51

Quản lý chất thải rắn dựa vào cộng đồng.

TTH - Xây dựng mô hình 3R (hoạt động giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn (CTR)), tỷ lệ chôn lấp CTR đến 2025 đạt 0% là mục tiêu Thừa Thiên Huế hướng đến trong hoạt động quản lý CTR năm 2030.

Hệ thống hồ xử lý nước rỉ rác tại nhà máy xử lý rác Thủy Phương

Quá tải

Trong Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, các chuyên gia JICA thuộc dự án Chất thải rắn Việt Nam đã chỉ rõ: “Hiện trạng quản lý chất thải tại Thừa Thiên Huế có thể được gọi là “khủng hoảng”.”

Theo tính toán, sức chứa còn lại của bãi chôn lấp Thủy Phương chỉ sử dụng được thêm hơn 2 năm. Cơ sở xử lý phân hữu cơ với chức năng làm giảm lượng chất thải mang đến bãi chôn lấp Thủy Phương đã cũ và công suất không đủ đáp ứng. Môi trường xung quanh bãi chôn lấp là vấn đề “nóng” được nhiều người dân phản ánh tại các buổi tiếp dân, tiếp xúc cử tri của lãnh đạo tỉnh, thị xã Hương Thủy.

Tại Quảng Điền tình hình cũng không mấy khả quan. Trước đây, Quảng Điền có 1 bãi rác tạm ở thị trấn Sịa, theo thời gian bãi rác này đã quá tải. Năm 2010, UBND tỉnh thống nhất quy mô công trình bãi chôn lấp rác xã Quảng Lợi, Hiện, UBND tỉnh đã đồng ý cho sử dụng tạm thời bãi chôn lấp rác Quảng Lợi. Tuy nhiên, tình hình ô nhiễm môi trường tại khu vực bãi rác vẫn là nỗi “ám ảnh” đối với cư dân trong vùng.

Không riêng gì CTR sinh hoạt, CTR xây dựng, y tế, công nghiệp, nông nghiệp cũng đang là bài toán khó đối với các địa phương. Theo tính toán, năm 2015, lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh là 422 tấn/ngày, trong đó mới chỉ thu gom, xử lý được 406 tấn/ngày, con số này sẽ tăng lên 677 tấn/ngày vào năm 2030. Tương ứng, lượng CTR công nghiệp nguy hại cũng tăng từ 506 tấn/năm lên 1306 tấn/năm; CTR y tế nguy hại từ 394 lên 453 tấn/năm; CTR xây dựng từ 207 lên 232 tấn/ngày…

Dựa vào cộng đồng

Theo ông Nguyễn Đại Viên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, quy hoạch quản lý CTR tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ hướng đến giảm thiểu phát thải CTR tại nguồn, tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm lượng chất thải chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất, giảm ô nhiễm môi trường. CTR nguy hại được thu gom vận chuyển và xử lý theo quy định đảm bảo không phát tán ra môi trường. Điểm mới của quy hoạch này chính là việc tiến tới không còn bãi chôn lấp CTR, nghĩa là tỷ lệ chôn lấp sẽ đạt 0% vào năm 2025 (trừ 2 huyện Nam Đông, A Lưới). Muốn làm được điều đó, ngoài việc đầu tư hệ thống thu gom, xử lý chất thải đồng bộ, cần tập trung cho công tác giảm lượng phát thải.

Bàn về giải pháp thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch CTR, ông Hideki Wada, Trưởng Đoàn chuyên gia JICA (tại hội thảo “Sự tham gia của cộng đồng trong việc quản lý chất thải”) nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng trong việc thực hiện quy hoạch. Cụ thể, đối với các dự án ưu tiên như: sản xuất phân hữu cơ tại cộng đồng; thúc đẩy 3R thông qua các hoạt động phối hợp với các cơ sở kinh doanh; thí điểm phân loại rác thải tại nguồn, người dân là chủ thể.

Cũng theo ông Hideki Wada, các dự án triển khai phải gắn với lợi ích của người dân, xem xét điều kiện thực tế từng khu vực (nông thôn, đô thị), có như thế mới đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của dự án. Cần thu hút được sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, xã hội trong các hoạt động 3R.

Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quản lý, ứng dụng công nghệ trong phân loại chất thải rắn

Ngày 2/12, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh phối hợp cùng Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) - Đức tổ chức hội thảo “Tham vấn cộng đồng về quản lý và ứng dụng công nghệ trong phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Quản lý, ứng dụng công nghệ trong phân loại chất thải rắn
Truyền thông phân loại, xử lý rác

Hội Nông dân huyện Quảng Điền tổ chức chương trình truyền thông về phân loại và xử lý chất thải rắn, rác thải, thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng cho 55 cán bộ, hội viên, nông dân đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện vào ngày 25/9.

Truyền thông phân loại, xử lý rác
Return to top