ClockThứ Tư, 17/10/2018 15:04

Quản lý đất nông lâm trường chủ yếu là khoán trắng, phát canh thu tô

Theo kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc, sau một thời gian thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW và Nghị quyết số 112/2015/QH13 về quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, một số địa phương vẫn chưa chấp hành nghiêm chỉnh; trong khi đất đai sử dụng chủ yếu là khoán trắng, phát canh thu tô…

Nâng cao hiệu quả giám sát quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trườngTăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanhPhong Điền thống nhất 7 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng về phát triển kinh tế - xã hộiCần lưu tâm bài toán rừng tự nhiênXác định, cắm mốc ranh giới đất cho 4 nông, lâm trường

Người dân lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy tại xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+

Thực trạng trên đã khiến việc tranh chấp, lấn chiếm về đất đai có nguồn gốc từ các nông-lâm trường chưa được giải quyết triệt để. Thậm chí, nhiều vụ việc kéo dài nhưng chưa có biện pháp xử lý, ảnh hưởng đến sản xuất, làm thất thoát nguồn thu.

Thông tin trên vừa được Hội đồng Dân tộc công bố tại hội thảo “Chia sẻ kết quả rà soát đánh giá việc thực hiện các chính sách nâng cao hiệu quả quản lý, đổi mới và sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường,” diễn ra ngày 16/10, tại Hà Nội.

Công ty thua lỗ, tranh chấp kéo dài

Chia sẻ rõ hơn về kết quả thực hiện Nghị quyết số 112, ông Triệu Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội cho biết, thực hiện chương trình giám sát năm 2018, Hội đồng Dân tộc Quốc hội đã tiến hành giám sát ở 9 tỉnh bao gồm: Phú Thọ, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk và Kiên Giang. Cùng với 5 tập đoàn lớn về cao su, càphê, và chè.

Kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc cho thấy, công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh vẫn còn nhiều tồn tại, bất cấp. Một số địa phương, doanh nghiệp chưa nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của Nghị quyết số 112 cũng như Chỉ thị 11/CT-TTg nên chưa ban hành văn bản quán triệt, tổ chức chỉ đạo thực hiện, chưa xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện theo yêu cầu.

Trong khi đó, nhiều công ty thua lỗ, hiệu quả sử dụng đất nông-lâm trường không cao; đất đai chủ yếu là khoán trắng, phát canh thu tô, không quản lý được sản phẩm giao khoán; thu nhập chủ yếu của công ty dựa vào hoạt động dịch vụ nhưng một số địa phương, công ty chưa đề xuất phương án giải thể…

Ngay cả một số công ty nông, lâm nghiệp đã được sắp xếp, đổi mới trước đây từ nông, lâm trường quốc doanh nhưng phần lớn cũng chậm đổi mới cơ chế quản lý, chưa hạch toán sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường; việc thực hiện khoán chủ yếu là giao khoán thuần tuý, chưa kết hợp được giao khoán đất với giao theo phương án sản xuất, kinh doanh của công ty.

Đưa ra dẫn chứng cụ thể tại tỉnh Quảng Ninh, ông Bình cho biết, việc rà soát sắp xếp công ty nông lâm nghiệp tại địa phương này còn chậm, nhất là đối với các công ty chuyển sang cổ phần hóa liên quan đến đất đai và tài sản trên đất; việc rà soát đất đai của các công ty trực thuộc Tổng công ty giấy cũng chưa đồng bộ tại địa phương (Phú Thọ, Quảng Ninh) vì có liên quan đến phương án đổi mới sắp xếp phê duyệt chậm và chưa thống nhất được diện tích cắt trả về cho địa phương.

Công tác phân giới cắm mốc và cấp giấy chứng nhận cũng còn chậm. Đơn cử như tại Quảng Ninh, Ủy ban Nhân dân tỉnh mới chỉ xác định ranh giới, cắm mốc, đo vẽ hiện trạng quản lý sử dụng đất làm cơ sở điều chỉnh và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 9 ban quản lý rừng và 2 công ty lâm nghiệp.

Đặc biệt, nhiều vụ việc tranh chấp, lấn chiếm, xâm canh chưa được giải quyết triệt để. Chỉ riêng tại Quảng Ninh, trước năm 2014, Công ty cổ phần Đường Hoa bị lấn chiếm 197 hécta, tỉnh đã thu hồi 177 hécta giao lại cho địa phương, còn 20 hécta đang rà soát; Các công ty lâm nghiệp có 116,9 hécta còn tranh chấp đang được xem xét giải quyết. Từ 2014 đến nay không có số liệu báo cáo.

Tương tự, tại huyện Kbang, tỉnh Gia lai, việc xử lý diện tích đất rừng bị lấn chiếm ở nhiều nơi đã được triển khai, nhưng với mức còn thấp. Trong tổng số hơn 1.000 hécta đất rừng bị lấn chiếm nhưng hiện nay mới thu hồi được 326,37 hécta.

Đối với các tỉnh đã có rà soát nhu cầu đất ở và đất sản xuất của các hộ gia đình thuộc đối tượng ưu tiên, nhưng cũng chưa thường xuyên, việc giao đất tiến hành còn chậm. Kết quả giám sát tại Quảng Ninh cho thấy, đến năm 2014, toàn tỉnh còn 446 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở và  2.177 hộ thiếu đất sản xuất (từ 2015 đến nay không có số liệu thống kê báo cáo).

Tại Tuyên Quang, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã thu hồi 24.508 hécta đất giao lại cho địa phương quản lý để lập phương án giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến nay, ngoài diện tích đất có rừng, đất sông suối và xây dựng công trình, tỉnh đã giao đất cho 9.833 hộ gia đình và cá nhân với diện tích hơn 5.134 hécta (trong đó có 3.369 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được giao hơn 3.000 hécta).

Tại Gia Lai, tổng số diện tích chuyển về cho địa phương sau khi đo đạc cắm mốc là 16.270 hécta đất. Tỉnh này đã xây dựng đề án hỗ trợ đất ở và đất sản xuất cho 7.717 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề thay thế đất sản xuất cho 6.144 hộ, nhưng đến nay chưa thực hiện được do Trung ương chưa cấp vốn.

Đối với diện tích đất đã giao lại cho các hộ gia đình chủ yếu là hợp thức hóa diện tích đất dân lấn chiếm được cắt trả lại địa phương, diện tích đất giao mới cho hộ có nhu cầu còn hạn chế, thậm chí lúng túng trong việc lập hồ sơ nhu cầu và phân bổ diện tích giao.

Ngoài diện tích đất núi đá, xa xôi hẻo lánh khó giao, có ý kiến cho rằng một phần diện tích đất cắt trả lại đã có chủ nhưng không đúng đối tượng ưu tiên nên danh nghĩa vẫn do xã quản lý chưa giao, một số địa phương không giao vì để lại làm quỹ đất dự phòng hoặc hưởng lợi từ chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Kinh phí đo đạc cắm mốc chưa được quan tâm

Theo báo cáo kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc, để công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh phát huy hiệu quả, tỉnh Quảng Ninh đã bố trí nguồn kinh phí trên 22 tỷ đồng để đo đạc, xác định ranh giới cắm mốc. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, số kinh phí trên chưa đủ cho rà soát đất của các công ty nông, lâm nghiệp, chưa bố trí kinh phí để đo đạc cắm mốc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình đã được giao đất.

“Có thể đánh giá công tác này chưa được tỉnh quan tâm bố trí đủ kinh phí để thực hiện nên tiến độ rất chậm,” báo cáo kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc nêu.

Trong khi đó, tại tỉnh Tuyên Quang, tổng kinh phí dự kiến thực hiện rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc và cấp giấy chứng nhận là hơn 61 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh này đã nhận từ ngân sách Trung ương gần 18 tỷ đồng, ngân sách tỉnh bố trí gần 4 tỷ đồng, các công ty lâm nghiệp góp kinh phí 979 triệu đồng, còn thiếu khoảng hơn 34,7 tỷ đồng đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ.

Tương tự, tại tỉnh Phú Thọ, dự toán kinh phí thực hiện rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc và cấp giấy chứng nhận là hơn 28 tỷ đồng. Đến nay, ngân sách trung ương đã bố trí  hơn  15,2 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 12,6 tỷ đồng; còn thiếu 440 triệu đồng.

Tại Gia Lai, tổng kinh phí để thực hiện việc rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc, đo đạc, lập bản đồ địa chính các công ty thuộc diện sắp xếp đổi mới trên toàn tỉnh là hơn 93,6 tỷ đồng. Hiện, trung ương đã cấp 65,43 tỷ; ngân sách địa phương hơn 28 tỷ, hiện đã thực hiện hơn 25 tỷ đồng.

“Như vậy kinh phí địa phương bố trí chưa đủ, sử dụng chưa đúng theo Quyết định không đúng tinh thần Nghị quyết số 112/2015/QH13 và Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng. Ngoài ra chưa có ngân sách đo đạc, lập bản đồ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình,” báo cáo của Hội đồng Dân tộc nêu.

Bên cạnh khó khăn về ngân sách, các công ty tuy đã thực hiện phương án sản xuất kinh doanh sau sắp xếp, thực hiện công tác khoán, nhưng đối với các công ty lâm nghiệp vẫn khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhất là phải đối phó với tình trạng lẫn chiếm; việc giao khoán vẫn còn vấn đề chưa rõ ràng; công tác quản lý chưa chặt chẽ, thiếu sự kiểm tra giám sát và hỗ trọ của địa phương.

Thực tế trên đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty nông-lâm nghiệp kém hiệu quả, thậm chí còn thua lỗ (Công ty lâm ghiệp Hoành Bồ âm vốn chủ sở hữu hơn 30 tỷ đồng do đầu tư xưởng chế biến không hoạt động được), có công ty lâm nghiệp tại Tuyên Quang sử dụng hàng ngàn ha đất trồng rừng nhưng lợi nhuận hàng năm thu được cũng chỉ trên dưới 100 triệu đồng.

Cần bố trí ngân sách, tăng cường giám sát của người dân

Đề cập tới việc phải nhanh chóng khắc phục tồn tại hạn chế trong quản lý đất đai nông lâm trường hiện nay, ông Phạm Văn Hạnh-Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định, với thực trạng quản lý như hiện nay, việc sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp sẽ còn phải tiếp tục kéo dài thêm một số năm nữa.

Vì thế, ông Bình kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương cần điều chỉnh kế hoạch phù hợp với thực tế để chủ động, kịp thời hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ này.

Trong khi đó, theo ông Trần Ngọc Bình, Liên minh đất rừng (FORLAND), kết quả giám sát mới nhất tại 4 tỉnh là Quảng Ninh, Phú Thọ, Tuyên Quang và Gia Lai cho thấy, phần lớn các vụ việc lấn chiếm, xâm canh, tranh chấp đã được xử lý; ngân sách cho rà soát, phân giới cắm mốc đã được cấp và giải ngân; công tác thanh tra, kiểm tra đã được các tỉnh tiến hành, qua đó phát hiện những vướng mắc, mâu thuẫn, tồn tại để xử lý.

Đồng thời, đa số các công ty được rà soát sắp xếp đã lập phương án sản xuất kinh doanh và triển khai thực hiện phương án. Đất đai và tài sản trên đất được quản lý chặt chẽ hơn, công tác giao khoán và liên kết với hộ gia đình tại chỗ cũng đang được thực hiện.

Vì thế, ông Bình khuyến nghị cần phát huy dân chủ ở cơ sở, tăng cường công tác giám sát của người dân và cộng đồng đối với việc quản lý sử dụng đất của các công ty, các địa phương, việc giao lại đất đai thu hồi đúng đối tượng, đúng chính sách; xử lý dứt điểm diện tích đất giao trùng, tranh chấp, lấn chiếm, xâm canh.

Bố trí đủ ngân sách để hoàn thành việc rà soát, phân giới, cắm mốc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ gia đình được giao; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó chú trọng đối với hoạt động quản lý và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các công ty và ban quản lý rừng và thực hiên nghiêm chế độ báo cáo theo Chỉ thị 11 của Thủ tướng.

Từ thực tiễn giám sát, Hội đồng Dân tộc cũng kiến nghị cần rà soát lại mục tiêu, nội dung của Nghị quyết 112 và Chỉ thị 11 của Thủ tướng, đặc biệt là việc quản lý, sử dụng và giao lại diện tích đất các nông lâm trường đã cắt trả về địa phương. Trong đó, có việc quản lý sử dụng đất của các hộ gia đình, hỗ trợ của địa phương theo chính sách của nhà nước và diện tích các xã quản lý chưa giao.

Đồng thời, xem xét trách nhiệm và xử lý những địa phương chưa thực hiện đúng và chậm tiến độ Nghị quyết 112 và Chỉ thị 11; tiếp tục rà soát việc sắp xếp đổi mới các công ty nông lâm nghiệp, trong đó có trách nhiệm quả lý diện tích đất đai và tài nguyên được nhà nước giao, tổ chức sản xuất kinh doanh và hiệu quả sản xuất kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 30 và Nghị định 118.

Bên cạnh đó, Hội đồng Dân tộc đề nghị rà soát việc thực hiện chính sách ưu tiên giao đất và hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số và hộ kinh nghèo; phát huy dân chủ ở cơ sở, tăng cường công tác giám sát của người dân và cộng đồng đối với việc quản lý sử dụng đất của các công ty, các địa phương, việc giao lại đất đai thu hồi đúng đối tượng, đúng chính sách.

Đặc biệt là xử lý dứt điểm diện tích đất giao trùng, tranh chấp, lấn chiếm, xâm canh. Bố trí đủ ngân sách để hoàn thành việc rà soát, phân giới, cắm mốc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ gia đình được giao.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó chú trọng đối với hoạt động quản lý và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các công ty và ban quản lý rừng. Thực hiên nghiêm chế độ báo cáo theo Chỉ thị 11 của Thủ tướng.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top