ClockThứ Tư, 14/03/2018 14:15

Quản lý nhóm trẻ độc lập tư thục: “Đừng để mất bò mới lo làm chuồng”

TTH - Không có giấy phép hoạt động, người giữ trẻ lại thiếu chuyên môn, các lớp và nhóm mẫu giáo độc lập tư thục (ĐLTT) vẫn phát triển rầm rộ.

A Lưới phát động “Tháng hành động vì trẻ em 2017”Đồng hành cùng trẻ em nghèo

Khó quản lý

Trong vai một phụ huynh đang có nhu cầu gửi trẻ, tôi tìm đến nhóm trẻ ở đường N.T. Nằm sâu trong con hẻm nhưng phụ huynh vẫn tìm đến gửi trẻ nườm nượp. Cô chủ, chừng 40 tuổi, niềm nở đón khách. Thoạt nhìn, cơ sở đúng là sạch sẽ, ngăn nắp, nhưng tôi vẫn thấy sự bất ổn khi mọi sinh hoạt từ ăn, ngủ, học tập, vui chơi của trẻ đều diễn ra trong một phòng học có diện tích chừng 10m2. Lớp học có 15 cháu, đủ các tháng tuổi, cháu ngồi tập tô, cháu lại bò lổm nhổm dưới nhà... không giống như một lớp học bình thường.

Khám sức khỏe cho các bé tại Trường mầm non tư thục Anh Đào, một trong những trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia cấp độ 1 (ảnh minh họa)

Đồ chơi của các em chủ yếu là xe ô tô, đồ lắp ghép, nghèo nàn, cũ kỹ. Bếp ăn gần phòng học, chỗ rửa tay của các bé cũng nằm trong nhà vệ sinh. Nhìn các bé nhón chân vào phòng vệ sinh, ai cũng “thót tim” vì sợ ngã. Khi được hỏi về giấy phép và sổ theo dõi của nhóm trẻ, chị H.T. A quản lý cơ sở cho rằng, phụ huynh gửi con ở đây chủ yếu là tin tưởng, người này giới thiệu người kia, chứ có phải trường lớn đâu mà cần giấy phép hay theo theo dõi sổ sách bài bản (?!).

Hầu hết các nhóm mẫu giáo ĐLTT, kể cả những nhóm không đủ điều kiện cấp giấy phép hoạt động vẫn luôn trong tình trạng quá tải. Với mức học phí dao động từ 1 đến 4 triệu đồng/em/tháng, phụ huynh có thể lựa chọn nhóm trẻ phù hợp từ “bình dân” đến “chất lượng cao”. Đa số thích chọn nhóm trẻ gia đình vì học phí thấp, các cơ sở linh động trong thời gian trông, giữ trẻ. Lớp lại ít cháu, cô chăm chu đáo hơn. Các nhóm, lớp sẵn sàng nhận trẻ từ 5 tháng tuổi trở lên. Phụ huynh tăng ca, bận việc cũng có thể  đón con muộn hoặc gửi con vào những ngày nghỉ cuối tuần. Họ có thể gửi con theo giờ và trả học phí theo ngày nếu quá khó khăn.

Con số mà Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế đưa ra, được xem là lời cảnh báo về nguy cơ mất an toàn cho trẻ khi có đến 131 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập đang hoạt động thì có đến 83 cơ sở (có 27 cơ sở có số trẻ từ 7 trẻ trở xuống) chưa được cấp phép do người dạy không có chuyên môn, cơ sở vật chất không đảm bảo yêu cầu tối thiểu.

Bỏ ngỏ chất lượng

Theo Thông tư 13 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế tổ chức, hoạt động của trường mầm non, nhóm trẻ tư thục quy định: các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục có diện tích phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em bảo đảm tối thiểu 15m2; tổng số trẻ không quá 50 em,  nơi tổ chức ăn cho trẻ phải có bếp ăn riêng, an toàn, bếp phải đặt xa nhóm trẻ; có sổ theo dõi cho trẻ... Điều lệ quy định thì đã rõ, nhưng nhiều cơ sở có số cháu gửi vào rất đông, tận dụng các phòng ở làm phòng học, chật chội, thiếu ánh sáng, bàn ghế cái thấp, cái cao được trưng dụng khiến các bé bất tiện trong sinh hoạt. Có cơ sở có diện tích phòng học nhỏ lại ở sát mặt đường nên người ta tận dụng vỉa hè để làm sân chơi cho các cháu.

Vấn đề an toàn thực phẩm cho trẻ quả đáng lo ngại trước tình hình khó kiểm soát nhóm trẻ ĐLTT. Qua kiểm tra liên ngành của Phòng Giáo dục và Đào tạo (TP. Huế) cho thấy, một số nhóm trẻ ĐLTT ở các phường An Đông, Thuận Lộc, Phước Vĩnh, Xuân Phú, Phú Bình... chưa khám sức khỏe, theo dõi biểu đồ tăng trưởng và xây dựng thực đơn cho trẻ. Chất lượng bữa ăn của trẻ còn thấp, đơn điệu. Nếu chẳng may xảy ra ngộ độc tập thể thì các ngành chức năng không biết đường nào mà lần khi mẫu thức ăn chưa được lưu, chưa có hợp đồng cung ứng thực phẩm và cam kết vệ sinh an toàn thực phẩm với địa phương. Đáng nói, trong số 387 người trực tiếp chăm trẻ ở các nhóm, lớp ĐLTT vẫn còn 114 người không có chuyên môn nghiệp vụ, chưa có kinh nghiệm trong việc quản lý và chăm sóc giáo dục trẻ. Hầu hết các nhóm, lớp mầm non tư thục chưa xây dựng được nội dung chương trình giảng dạy đảm bảo yêu cầu về chuyên môn.

Tăng cường kiểm tra, xử lý

Theo quy chế tổ chức và hoạt động trường MNTT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đã được phân cấp rõ ràng. UBND cấp xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ quản lý, cấp phép hoạt động cho các nhóm trẻ ĐLTT. Trường MN công lập hoạt động trên địa bàn có trách nhiệm quản lý, giám sát, hướng dẫn về chuyên môn. Trong vòng 3 năm, 7 nhóm, lớp ĐLTT ở các phường Thuận Lộc, An Đông, Tây Lộc, Phú Bình và Phú Hòa (TP. Huế)... bị đóng cửa khi không đảm bảo các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, con số ấy vẫn còn khiêm tốn khi nhiều cơ sở chưa cấp phép vẫn ngang nhiên hoạt động. Các ngành mầm non trên địa bàn muốn hỗ trợ chuyên môn cho các nhóm, lớp ĐLTT nhưng khó thực hiện khi giáo viên ở các nhóm này thường xuyên biến động, lại không tham gia sinh hoạt ở các trường...

Bà Hồ Thị Ngọc Như, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (TP. Huế) cho hay: Phòng sẽ chỉ đạo các trường mầm non công lập phối hợp với UBND các phường, xã kiểm tra giúp đỡ các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó, chú trọng đến việc bảo đảm an toàn cho trẻ, phòng tránh tình trạng bạo hành, ngược đãi trẻ. Những nhóm trẻ, lớp mẫu giáo đủ điều kiện nên tư vấn các chủ nhóm làm thủ tục đăng ký thành lập nhóm trẻ theo đúng quy định. Kiên quyết đóng cửa các nhóm, lớp không hội tụ các điều kiện và vi phạm các quy định của điều lệ trường mầm non. Để có một môi trường giáo dục an toàn, nên chăng thu nhỏ các nhóm lớp độc lập để phát triển thành các trường mần non tư thực có chất lượng. 

Hiện, toàn TP.Huế có 14 trường mầm non tư thục có quy mô, được đánh giá tốt về chất lượng.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao 100 Giấy ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Hoàng mai Huế"

Sáng 2/2, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Hội Hoàng mai Huế, Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển thương hiệu AMC Việt Nam tổ chức công bố ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế và tập huấn về các quy định quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế.

Trao 100 Giấy ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế
Tuyên truyền về quản lý, sử dụng vật liệu nổ, pháo trong trường học

Chiều 18/1, tại Trường THCS Nguyễn Chí Diểu, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Công an tỉnh tổ chức chương trình ngoại khóa tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Tuyên truyền về quản lý, sử dụng vật liệu nổ, pháo trong trường học
Nắm chắc tình hình, siết chặt quản lý

Siết chặt quản lý, tăng kiểm tra, giám sát (KTGS); chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên (TCĐ, ĐV)… là những mục tiêu đặt ra của các cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp và Thành ủy Huế năm 2024.

Nắm chắc tình hình, siết chặt quản lý
Xây dựng hệ thống quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Chiều 28/12, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội nghị nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế" do Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh chủ trì thực hiện.

Xây dựng hệ thống quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ

TIN MỚI

Return to top