ClockThứ Năm, 02/06/2016 09:16

Quản lý sử dụng kháng sinh hợp lý trong bệnh viện

TTH - Bộ Y tế ban hành Quyết định số 772/QĐ-BYT “Hướng dẫn thực hiện quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện”. Phóng viên Báo Thừa Thiên Huế đã phỏng vấn TS. Bác sĩ Nguyễn Nam Hùng, Giám đốc Sở Y tế về vấn đề này.

Ông có thể cho biết tóm tắt các nội dung về việc thực hiện quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện theo hướng dẫn của Bộ Y tế?

Việc quản lý sử dụng thuốc kháng sinh ở bệnh viện muốn đạt được những mục đích cần thiết và có hiệu quả, tại cơ sở khám chữa bệnh phải thành lập nhóm quản lý sử dụng kháng sinh, gồm thành phần chính: Dược sĩ lâm sàng, bác sĩ truyền nhiễm hoặc bác sĩ lâm sàng, bác sĩ vi sinh, chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn, đại diện phòng kế hoạch tổng hợp và phòng quản lý chất lượng; đồng thời, có thêm các thành phần khác, như điều dưỡng, chuyên gia công nghệ thông tin, thành viên của ban an toàn người bệnh để triển khai các hoạt động theo đúng quy trình. Việc xây dựng quy định sử dụng kháng sinh tại bệnh viện căn cứ trên mô hình các bệnh nhiễm khuẩn, hướng dẫn sử dụng kháng sinh do Bộ Y tế ban hành, bằng chứng y học và mức độ kháng thuốc của vi khuẩn tại bệnh viện cùng các tài liệu tham khảo quốc tế khác.

Sử dụng kháng sinh trong bệnh viện cần chú ý đến các nội dung cơ bản, như: Lựa chọn kháng sinh, tối ưu hóa liều điều trị, chuyển kháng sinh từ đường tiêm hoặc truyền sang đường uống, sử dụng kháng sinh dự phòng. Lựa chọn kháng sinh phải theo đặc điểm của tác nhân gây bệnh, người bệnh, vị trí nhiễm khuẩn, dược động học, dược lực học và mô hình kháng thuốc. Tối ưu hóa liều điều trị với liều dùng theo mức độ của bệnh, tuổi tác, cân nặng, chức năng gan, thận.... Chuyển kháng sinh từ đường tiêm hoặc truyền sang đường uống được xem xét thực hiện theo đối tượng từng người bệnh để áp dụng phù hợp. Việc sử dụng kháng sinh dự phòng cũng tùy theo điều kiện cụ thể của từng chuyên khoa tại bệnh viện.

Tiêu chí để đánh giá trong việc quản lý phải thực hiện những nội dung gì để bảo đảm các yêu cầu cần thiết?  

Trong quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện, việc đánh giá phải căn cứ vào các tiêu chí về sử dụng kháng sinh, nhiễm khuẩn bệnh viện, mức độ kháng thuốc...

Về sử dụng kháng sinh: cần ghi nhận số lượng và tỷ lệ phần trăm nội dung liên quan: Người bệnh được kê đơn thuốc kháng sinh, kháng sinh được kê phù hợp với hướng dẫn, ca phẫu thuật được chỉ định dùng kháng sinh dự phòng, người bệnh được kê đơn dùng một loại kháng sinh, người bệnh được kê đơn dùng kháng sinh phối hợp, người bệnh được kê đơn dùng kháng sinh đường tiêm; đồng thời cũng ghi nhận thêm số ngày điều trị kháng sinh trung bình, liều dùng một ngày với từng kháng sinh cụ thể, số lượng và tỷ lệ % trường hợp ngừng kháng sinh, chuyển kháng sinh từ đường tiêm hoặc truyền sang đường uống trong những trường hợp có thể.

Về nhiễm khuẩn bệnh viện, cần ghi nhận tỷ lệ % nội dung liên quan, như: Người bệnh bị nhiễm khuẩn bệnh viện trên tổng số người bệnh nằm điều trị, ca phẫu thuật bị nhiễm khuẩn vết mổ trên tổng số ca phẫu thuật, người bệnh bị viêm phổi do thở máy trên tổng số bệnh nhân được thở máy, người bệnh bị nhiễm trùng máu liên quan đến việc đặt đường truyền trung tâm trên tổng số bệnh nhân được đặt đường truyền trung tâm, người bệnh bị nhiễm khuẩn tiết niệu trên tổng số bệnh nhân được đặt ống thông tiểu, dung dịch vệ sinh tay sử dụng trên tổng số giường bệnh, các trường hợp nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc được cách ly. 

Về mức độ kháng thuốc, cần ghi nhận số lượng và tỷ lệ phần trăm nội dung liên quan như: vi khuẩn kháng thuốc đối với từng loại kháng sinh, từng loại bệnh phẩm, khoa lâm sàng hoặc khối lâm sàng; chủng vi khuẩn sinh beta-lactamase phổ rộng, chủng tụ cầu vàng kháng methicillin, chủng tụ cầu vàng giảm tính nhạy cảm với vancomycin, chủng cầu khuẩn đường ruột kháng vancomycin, chủng vi khuẩn kháng carbapenem, chủng vi khuẩn kháng colistin, chủng vi khuẩn clostridium difficile kháng kháng sinh. 

Ngoài ra, cũng ghi nhận thêm các tiêu chí khác gồm số lượng, tỷ lệ phần trăm cán bộ, nhân viên y tế tuân thủ các hướng dẫn quy định, như: Hướng dẫn điều trị, hướng dẫn sử dụng kháng sinh, hướng dẫn về vi sinh, hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn... Đồng thời thông qua thực trạng sử dụng kháng sinh, mức độ kháng thuốc của vi khuẩn để xác định vấn đề cần can thiệp...

Để thực hiện quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện đạt hiệu quả tốt, cơ sở khám chữa bệnh cần quan tâm đến vấn đề gì ?

Để thực hiện tốt và hiệu quả việc quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện, hội đồng thuốc và điều trị tư vấn cho giám đốc thành lập nhóm quản lý sử dụng kháng sinh và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, quy định vai trò và sự hỗ trợ qua lại của các thành viên trong nhóm quản lý sử dụng kháng sinh. Nhóm thường xuyên triển khai hoạt động đào tạo, tập huấn liên tục cho bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế có liên quan... về chương trình quản lý sử dụng kháng sinh bao gồm việc tuân thủ hướng dẫn, quy định, phương pháp làm việc nhằm nâng cao hiệu quả công tác với những nội dung cần thiết như: cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, sử dụng kháng sinh; chẩn đoán và điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, kê đơn kháng sinh hợp lý; kỹ thuật lấy mẫu bệnh phẩm, kỹ thuật nuôi cấy, phân lập, định danh vi khuẩn...

Bệnh viện cần ban hành danh mục kháng sinh hạn chế sử dụng tại đơn vị. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về sử dụng thuốc kháng sinh an toàn, hợp lý và hiệu quả đồng thời triển khai ký cam kết về sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Đây là vấn đề cần được các bệnh viện ở các tuyến quan tâm thực hiện để sớm khắc phục những tồn tại, khó khăn về mặt chuyên môn kỹ thuật trong điều trị những bệnh nhiễm khuẩn thời gian qua. 

Đinh Hoàng Xuân Hồng (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp
Căng da chỉ vàng tại Bệnh Viện Thẩm Mỹ Á Âu: Bí quyết kéo dài tuổi xuân

Bí quyết của mỗi người phụ nữ không chỉ là giữ cho tâm hồn luôn trẻ trung và năng động mà còn là duy trì vẻ đẹp tự nhiên, rạng rỡ của làn da. Tuy nhiên, với thời gian lão hóa da là điều không thể tránh khỏi. Để đối phó với nỗi lo lão này, phương pháp căng chỉ da mặt bằng chỉ vàng 24K tại Bệnh Viện Thẩm Mỹ Á Âu là trợ thủ đắc lực. Đây chính là bí quyết giúp chị em kéo dài tuổi xuân hiệu quả.

Căng da chỉ vàng tại Bệnh Viện Thẩm Mỹ Á Âu Bí quyết kéo dài tuổi xuân

TIN MỚI

Return to top