ClockThứ Sáu, 21/07/2017 05:56

Quan tâm để lăng Chiêu Nghi thoát nguy cơ bị “bao vây”

TTH - Lăng Chiêu Nghi (Thủy Xuân - TP. Huế) được biết đến như là khu lăng mộ duy nhất thời các chúa Nguyễn còn giữ được nguyên vẹn, kể cả còn nguyên hài cốt chứ chưa bị đập phá, khai quật như các lăng mộ khác thời Chín chúa của vương triều Nguyễn.

Lăng Chiêu Nghi

Bà Chiêu Nghi người xã Trung Quân, huyện Khang Lộc, thời Minh Mạng được đổi là huyện Quảng Ninh, thuộc tỉnh Quảng Bình. Bà tên thật là Trần Thị Xạ, sinh năm Bính Thân (1716). Do có nhan sắc, đức hạnh, 20 tuổi bà được chọn vào Thanh cung hầu Tiềm để. Rồi cũng nhờ dung hạnh, thận trọng lời ăn tiếng nói, hành động có phép tắc, biết chiều chuộng nên bà rất được sủng ái. Khi Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi, bà được tấn phong Quý nhân. Bà sinh hạ được 4 hoàng tử và 2 hoàng nữ, “thảy đều tư chất rỡ ràng như ngọc đúc, thiên hương ngọt ngào tựa gấm thêu”. Ngày 22/7 Canh ngọ, năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750), bà bệnh nặng và qua đời khi mới 35 tuổi. Chúa rất thương tiếc, sắc phong Chiêu Nghi Liệt Phu Nhân, thụy Từ Mẫn.

Lăng của bà được táng tại làng Dương Xuân (Hương Thủy, Thừa Thiên - nay thuộc phường Thủy Xuân, TP. Huế). Võ Vương cho dựng bia lớn trước lăng, ghi lại công hạnh và niềm tiếc thương của Chúa đối với bà. Tấm bia bằng đá, dựng trên bệ, cao 3m10, rộng 1m40, có nhà bia nay đã sập, tấm bia trơ gan cùng tuế nguyệt đã gần 300 năm nhưng nét chữ, các hoa văn chạm khắc nay vẫn còn rất rõ. Trên đầu bia có dòng chữ Hán đề “Việt cố Quý tần tặng Chiêu Nghi Từ Mẫn Trần liệt phu nhân chi mộ” (Mộ bà phu nhân họ Trần, Quý tần cũ nước Việt, tặng Chiêu Nghi thụy Từ Mẫn). Cả bài văn bia được đánh giá "là một áng văn hay, thể hiện được tấm lòng của đấng tôn quân dành cho vợ; nội dung trên văn bia còn mang giá trị văn học, giá trị nhân văn to lớn, thể hiện đạo lý vợ chồng và nhân cách sống của con người của thời đại trước cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị".

Khu lăng mộ được bao bọc bởi 2 vòng thành bằng gạch, vòng thành ngoài của lăng có kích thước 39x33m, cao 1m79; vòng thành trong 16x9m80, cao 1m68; cổng vòm ra vào cao 1m90, rộng 1m31. Nhà bia dựng cách vòng thành ngoài 8m27 (theo số liệu điền dã của Hồ Vĩnh). Chiếm phần lớn diện tích bên trong, hơi dịch về phía sau là một nền vôi, đắp cao chừng 0,6m, trên nền ở trung tâm là nấm mộ nhỏ 2 tầng hình chữ nhật được xây bằng gạch, trát vôi. Lớp vôi bong lộ cho thấy tầng dưới được xây bởi 3 lớp gạch, đặt nằm, tầng trên nhỏ và thấp hơn.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, lăng mộ bà Chiêu Nghi là khu lăng mộ duy nhất thời các chúa Nguyễn còn giữ được nguyên vẹn tại Huế sau những biến cố với nhà Trịnh, đặc biệt là với nhà Tây Sơn ở cuối thế kỷ 18. Sau khi Gia Long Nguyễn Ánh hoàn thành đế nghiệp, kiến trúc lăng mộ Chiêu Nghi Phu nhân chính là hình mẫu để triều đình tham khảo, phục chế lăng tẩm các tiền nhân thời chúa Nguyễn đã bị hủy hoại.

 Lối dẫn vào và tường rào "KQH" rất gần với la thành của lăng Chiêu Nghi

Những lý do trên cho thấy đây là một di tích cần được quan tâm quản lý, gìn giữ như một “tiêu bản” kiến trúc quý hiếm thời chúa Nguyễn để phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn về sau.

Kiến nghị trên từng được báo Thừa Thiên Huế đề cập. Tuy nhiên, rất nhiều lần quay lại khu lăng này chúng tôi nhận thấy tình hình không có gì được cải thiện. Khu lăng mộ dường như vẫn không có người quản lý, tiếp tục bị xuống cấp; trở thành chỗ để người dân trong vùng tập kết đủ loại "rác tâm linh" như tranh, tượng, bát nhang... bị phế bỏ; vẫn là nơi tụ tập chích choác của các đối tượng xã hội; vẫn là nơi tận dụng canh tác rau màu của một số người dân sở tại...

Đáng quan ngại hơn, gần đây, khu đất bên phải gần sát lăng được sang nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng hay sao đó mà thấy người ta san ủi, xây tường rào, mở đường nội bộ dáng chừng sẽ phân lô bán để xây nhà. "Khu quy hoạch" này (tạm gọi là như thế) tường rào có chỗ chỉ cách lăng mộ Chiêu Nghi chừng chục mét. Hãy thử tưởng tượng, sau này, ở đây mọc lên cả một cụm dân cư với những ngôi nhà cao tầng. Dần dà, thêm những khu đất xung quanh làm theo, lăng mộ Chiêu Nghi Phu nhân sẽ bị "bao vây" giữa ngột ngạt bê tông, nhà cửa như thân phận của lăng mộ Tuy Lý Vương mà mãi đến nay vẫn chưa "giải cứu" được.

Lăng Chiêu Nghi như đã đề cập, là một khu lăng mộ có tính "tiêu bản" quý hiếm. Giá trị kiến trúc, giá trị lịch sử tự thân nó hoàn toàn xứng đáng là một di tích cần xếp hạng. Tuy nhiên, có thể do đất Huế có mật độ di tích dày đặc, cơ quan chức năng chưa đủ thời gian và điều kiện để "quan tâm" đến những di tích có quy mô như lăng Chiêu Nghi. Điều này là hoàn toàn hiểu được và nên thông cảm. Tuy nhiên, rất nên có một tầm nhìn dài hạn đối với những di tích như vậy để có sự khoanh vùng bảo vệ phù hợp, để sau này đến lúc xếp hạng, quản lý sẽ không phải giải quyết những "hậu quả lịch sử" của hôm nay, gây ra sự phiền lụy, tốn kém không cần thiết mà cũng chưa chắc thu được kết quả rốt ráo.

Vụ việc lăng mộ "Cửu giai tài nhân" ở vùng Vạn Niên Cơ có lẽ là một bài học. Nếu so với lăng Chiêu Nghi thì lăng của bà "Cửu giai tài nhân" là vô cùng "đơn giản", vậy mà "đụng" vào lại không giản đơn chút nào. Lăng mộ bà Chiêu Nghi vì những giá trị như đã đề cập, rất nên và rất cần được sự quan tâm trước khi mọi chuyện trở nên phức tạp, muộn màng.

Bài, ảnh: Diên Thống

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần phương án đảm bảo an toàn trên tuyến cao tốc và quốc lộ

Mới đây, Cục Đường bộ Việt Nam thông tin, từ ngày 4/4 tới, các đơn vị liên quan triển khai phương án điều tiết xe tải lớn hơn 6 trục (30 tấn), xe sơmi-rơ moóc (xe container), xe khách trên 30 chỗ không đi vào cao tốc Cam Lộ-La Sơn mà được phân luồng đi trên QL1A.

Cần phương án đảm bảo an toàn trên tuyến cao tốc và quốc lộ
Sốt xuất huyết ở Trung và Nam Mỹ có nguy cơ thành đợt bùng phát nghiêm trọng nhất

Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) đang cảnh báo nguy cơ về một đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất từ trước đến nay ở Trung và Nam Mỹ khi số ca nhiễm sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay ở khu vực này đã vượt quá 3,5 triệu người, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có hơn 1.000 ca tử vong.

Sốt xuất huyết ở Trung và Nam Mỹ có nguy cơ thành đợt bùng phát nghiêm trọng nhất
Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Return to top