ClockThứ Sáu, 24/02/2017 13:46

Quản thì cần để mắt

TTH - Ấy là ý kiến nhưng cũng đồng thời là lời phàn nàn của không ít người khi phải qua về những đoạn đường khiến xe chạy... như ngựa chỉ sau ít ngày mưa.

Mới ít hôm trước thôi, để đổi hướng về nhà cho nó đỡ đơn điệu, cha con tôi chọn hướng Nguyễn Trường Tộ- Đặng Huy Trứ. Lối này có một đoạn từ ngã tư Trần Phú - Đặng Huy Trứ lên phía trên, trước tết khó đi do bị đào xới để thi công hệ thống thoát nước. Nhưng phục vụ tết, đơn vị thi công đã hoàn trả mặt bằng, tạm thời lu lèn, đi cũng ổn. Cứ tưởng vậy nên yên tâm rồ ga thẳng tiến, không dè..."ổ gà, ổ gà, lại ổ gà...". Ổ gà dày đặc như rải thảm khiến chiếc xe máy và 2 cha con tôi xóc nảy bần bật. May thằng con bám chặt, không thì văng xuống đường, lãnh đủ. Thật hú hồn! Thì ra do Huế vừa trải qua mấy ngày mưa, xe cộ lại qua, mặt đường lại bị cày xới nên ra vậy.

Một đoạn ổ gà trên đường Đặng Huy Trứ. Ảnh: Lê Thọ

Nước là kẻ thù của đường sá - Một cán bộ công tác trong ngành giao thông từng chia sẻ kinh nghiệm với tôi như vậy. Và đúng là quả không ngoa, đường nào ngâm nước, đường ấy hỏng. Huế vừa qua một đợt mưa quá dài ngày, kết cấu mặt đường, nền đường vốn đã bị tổn thương do đào xới, nay chỉ được "giải lao" vài ngày tết, lại mưa. Đường hỏng là điều không lạ. Tuy nhiên, điều lạ là có những chỗ quá tệ, không an toàn cho người đi đường lại hầu như không được quan tâm khắc phục, dù là tạm. Chẳng hạn như vị trí ở Đặng Huy Trứ mà chúng tôi vừa đề cập, nếu tôn trọng, nếu thương người đi đường, chỉ cần tạnh mưa, cho một xe đá dăm vào rồi gạt và nén. Vậy là ổn. Hay vị trí tiếp giáp đường sắt ở dốc Bến Ngự, có những chỗ mặt đường bong tróc, tạo hố, xe thả dốc xuống, xóc phải có thể tai nạn, cũng rất chậm được quan tâm. Một hố ga của điện lực hay viễn thông gì đó trên đường Điện Biên Phủ, khu vực trước số nhà 325, mảng bê tông tiếp giáp giữa hố ga với mặt đường đã bong vỡ, tạo thành một rãnh khá sâu chạy dọc giữa mặt đường. Người đi xe máy, không may bánh trước xỉa vào, tay lái chỉ cần lơi tí thì "hàng tiền đạo" đi chơi là cầm chắc. Vậy mà rất rất lâu rồi, vẫn không ai lấp. Những đường khác như Hàm Nghi, một vài đoạn của Trần Thái Tông cũng rất tệ. Ngay cả đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, ổ gà cũng hiện hữu rải rác đó đây...

Có thể có người "hoài cổ" sẽ bảo: Gì mà khó tính, trước đây đường hỏng toàn tuyến chưa hề gì, nay có mấy cái ổ gà, làm rộn. Nói thế cũng có phần đúng, nhưng nghĩ lại, thà rằng... "hỏng toàn tuyến" như trước (mong là không bao giờ phải như vậy nữa), người đi đường lại lo "cảnh giác toàn tuyến", nên nhiều khi không sao. Bây giờ đường đang ngon, vập cái, ổ gà! Nguy hiểm là ở chỗ đó.

Bởi vậy, những người tham gia giao thông rất mong cơ quan quản lý thương tình tích cực để mắt. Đôi ba bữa cho người chạy quanh một vòng, thấy chỗ nào quá tệ, quá mất an toàn thì khắc phục giúp. Ai cũng mừng khi thành phố chuẩn bị có hệ thống thoát nước quy mô, hiện đại, do vậy ai cũng thông cảm với việc nhiều tuyến đường bị "mổ xẻ" để phục vụ thi công. Tuy nhiên, sẽ là phi lý khi người dân không trực tiếp là "nhân viên công trình" mà bị tổn hại sức khỏe, tính mạng; càng phi lý và không sòng phẳng hơn nữa khi họ là người đóng thuế, đóng phí để trả lương, trả tiền bảo trì đường sá mà lại thọ nạn vì đường sá mất an toàn do sự thiếu chu toàn của những người hữu trách.

Hy Khả

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đoạn đường đau khổ...

Chỉ một đoạn đường rất ngắn chưa đến 200m, nhưng việc đi lại thì quả là gian nan, vất vả.

Đoạn đường đau khổ
Return to top