ClockThứ Sáu, 13/05/2016 18:45
HỖ TRỢ CHO NGƯỜI DÂN VÙNG VEN BIỂN:

Quan trọng là chuyển đổi sinh kế, khôi phục sản xuất

TTH - Cuộc họp giữa lãnh đạo Sở Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và lãnh đạo các huyện, địa phương chịu nhiều ảnh hưởng do cá chết diễn ra sáng 13/5, đã đi đến thống nhất, ngoài khẩn trương rà soát để hỗ trợ gạo, tiền kịp thời, còn tìm các phương án để khôi phục sản xuất, chuyển đổi sinh kế cho ngư dân.

Tàu, thuyền có công suất dưới 90CV được hỗ trợ một lần từ 3-5 triệu đồng/chiếc

Khẩn trương đưa chính sách đến người dân

Giám đốc Sở Tài chính Huỳnh Ngọc Sơn, trong phát biểu mở đầu tại cuộc họp, ngoài yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát đối tượng, đảm bảo tính chính xác, công bằng, còn đốc thúc các huyện, thị xã liên quan ngay sau buổi họp, cần triển khai nhanh chóng về các xã, thôn để chính sách hỗ trợ sớm đến với những người bị thiệt hại do cá chết, giúp người dân ổn định cuộc sống, tránh tâm lý hoang mang, lo lắng.

Danh sách, số lượng hộ được hỗ trợ dựa trên kê khai của người dân và có xác nhận của thôn, xã để đảm bảo tính khách quan, tránh tình trạng người đáng được hỗ trợ không được hưởng các chính sách của Nhà nước và ngược lại.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Lê Nguyên Hùng cho hay, ngay sau khi xảy ra hiện tượng cá chết, Sở đã nắm tình hình và thường xuyên có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương. Với chính sách hỗ trợ này, sở cũng kịp thời tham mưu để UBND tỉnh ban hành sớm nhất trong 4 tỉnh chịu thiệt hại do cá chết ở khu vực miền Trung. Nhờ thế, mức hỗ trợ cụ thể hơn và chia theo từng đối tượng để người dân được hưởng hỗ trợ sát với thiệt hại, tránh tình trạng chung chung, người thiệt hại nhiều được hỗ trợ như người thiệt hại ít.

Những hộ trực tiếp làm dịch vụ hậu cần nghề cá mới được hỗ trợ theo Quyết định 937 của UBND tỉnh

Ông Trần Lê Nguyên Hùng khẳng định, hỗ trợ khẩn cấp chỉ là giải pháp tạm thời và trước mắt, quan trọng vẫn là giải pháp lâu dài chuyển đổi sinh kế, khôi phục sản xuất cho người dân. Sở NN&PTNT đã hướng dẫn các địa phương nghiên cứu đề xuất giải pháp chuyển đổi sinh kế sản xuất cho người dân. Trước tiên, tập trung vào 3 khu vực chịu ảnh hưởng nhiều do cá chết, gồm: Hải Dương, Thuận An và Lăng Cô. Mỗi địa phương lập phương án phù hợp với tình hình, đặc điểm của vùng đất, khí hậu thời tiết. Trên cơ sở đó, Sở sẽ thành lập, thống nhất phương án chung để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khi thực hiện chuyển đổi phương án sản xuất. Giải pháp mà sở này ưu tiên là phát triển nuôi cá nước ngọt, khi loài cá này hiện có giá trị kinh tế cao và nhiều lợi thế khác.

Còn nhiều vướng mắc

Ông La Phúc Thành, Chủ tịch UBND huyện Phú Vang cho biết, Phú Vang hiện có khoảng 1.500 phương tiện đánh bắt hải sản, trong đó, có khoảng 20 chiếc tàu, thuyền đánh bắt xa bờ hiện không ra khơi. Ông La Phúc Thành thắc mắc, liệu những chủ tàu, thuyền này có thuộc diện được hỗ trợ khẩn cấp theo quyết định của UBND tỉnh.

Quyết định 937 của UBND tỉnh quy định: Hỗ trợ khẩn cấp cho người dân các xã, phường, thị trấn ven biển bị ảnh hưởng do hải sản chết bất thường, với mức hỗ trợ 15kg gạo/tháng/người trong thời gian 1,5 tháng đối với các nhân khẩu thuộc hộ gia đình, chủ tàu và hộ gia đình của lao động trên tàu khai thác vùng ven bờ, vùng lộng không lắp máy hoặc lắp máy có công suất dưới 90 CV và các hộ hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng trực tiếp. Hỗ trợ một lần 3,5 triệu đồng/chiếc đối với ghe, thuyền không lắp máy và 5 triệu đồng/chiếc, đối với ghe, thuyền lắp máy có công suất dưới 90 CV và một số hỗ trợ khác theo quyết định này.

Lãnh đạo huyện Phong Điền nêu ý kiến, về việc có nên điều tra, lập danh sách, đưa vào hỗ trợ những hộ làm dịch vụ hậu cần nghề cá, buôn bán hải sản ở các chợ vùng ven biển, khi những hộ này vì cá chết, người dân còn e dè trong tiêu thụ hải sản và tàu thuyền ngừng ra khơi nên nghỉ buôn bán, ảnh hưởng đến cuộc sống, thu nhập…

Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà Nguyễn Thị Thu Hương đề nghị nên hỗ trợ đối với những hộ nuôi cá lồng bị chết cách đây không lâu, do ô nhiễm nguồn nước và thiếu ô xy, khi con số về thiệt hại khá lớn với 98 lồng, khoảng 8,5 tạ cá của 30 hộ dân.

Ông Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, việc hỗ trợ dựa trên quyết định của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh, do thế đối tượng hỗ trợ phải là những người ở các vùng ven biển, chịu ảnh hưởng trực tiếp, kể cả đánh bắt, nuôi trồng và hậu cần nghề cá. Đối với hộ gián tiếp sẽ có những hỗ trợ khác, như vay vốn, ưu đãi lãi suất…

Ông Trần Lê Nguyên Hùng cho biết thêm, sắp tới, UBMTTQVN sẽ có chương trình kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân cho những hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp do hiện tượng thủy hải sản chết. Nguồn kinh phí này sẽ được cân đối phân bổ cho các địa phương để hỗ trợ người dân phù hợp. Trước mắt, chỉ tập trung cho các hộ dân ở vùng ven biển và ảnh hưởng trực tiếp. Các nguyên nhân khác, như dịch bệnh, thiếu ô xy… chờ các đợt hỗ trợ tiếp theo.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Vững bến neo

“Vững bến neo” là tâm nguyện, là sự mong ngóng của bao thế hệ ngư dân vươn khơi bám biển và chính quyền các cấp của Thừa Thiên Huế trong nỗ lực đáp ứng tốt nhất có thể các nhu cầu phát triển nghề cá của bà con ngư dân. Và dự án cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão được xây dựng với kinh phí 220 tỷ đồng đã được triển khai và hoàn thành sau hơn ba năm xây dựng. Nằm trước cửa biển Thuận An, cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão trở thành một điểm kết nối, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Vững bến neo
Return to top