ClockThứ Tư, 11/07/2018 16:00

Quảng Công cán đích nông thôn mới

TTH - Là xã bãi ngang ven biển xuất phát điểm kinh tế thấp, nhưng nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, Quảng Công đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM).

Gắn xây dựng nông thôn mới với giảm nghèo bền vữngGóp sức xây dựng nông thôn mới

Thay đổi tư duy đào tạo nghề

Năm 2011, xã Quảng Công bắt tay xây dựng NTM với mức thu nhập bình quân 12,4 triệu đồng/người, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao; nông nghiệp chủ yếu trồng trọt 1 vụ. Thời điểm này, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Công Nguyễn Đính đang giữ chức Chủ tịch UBND xã không ít lần trăn trở: Xuất phát điểm của Quảng Công quá thấp. Đời sống người dân chủ yếu dựa vào nghề biển và trồng lúa nhưng chịu tác động mạnh của xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu nên vô cùng bấp bênh, người dân còn lạ lẫm với xây dựng NTM.

Sau 6 năm, Quảng Công đã hoàn thành 19 tiêu chí NTM và đang hoàn thiện các thủ tục công nhận đạt chuẩn NTM. Bí thư Đảng ủy xã Quảng Công Nguyễn Đính cho biết: Xây dựng NTM, Quảng Công xác định tập trung phát triển kinh tế, tạo động lực trong thực hiện các tiêu chí. Trong đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và đổi mới đào tạo nghề, việc làm là 2 giải pháp quan trọng. Nếu trước đây, người dân không mấy mặn mà với việc tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) thì 2 năm trở lại đây tư tưởng ấy đang dần thay đổi. Đến nay, toàn xã có hơn 350 thanh niên XKLĐ sang Nhật và một số nước khác. Cuối năm, dòng tiền từ nguồn XKLĐ chuyển về khá cao, nhờ đó, nhiều gia đình có điều kiện cải tạo nhà ở, đầu tư phát triển sản xuất.

Vừa nói ông Đính vừa liệt kê một danh sách khá dài những gia đình có con đi XKLĐ, trong đó có những gia đình có tới 2, 3, thậm chí 4 thành viên cùng tham gia XKLĐ. Việc kêu gọi thành công Công ty may xuất khẩu Huy Long về đầu tư tại xã góp phần tích cực giải quyết việc làm cho gần 200 lao động địa phương với mức thu nhập khởi điểm 3,5 - 4 triệu đồng/tháng.

Các hội, đoàn thể đẩy mạnh phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn...; nhiều thanh niên, phụ nữ có thêm thu nhập. Việc xây dựng và phát triển nghề nước mắm góp phần tạo việc làm cho người lao động. Chỉ tính riêng hai cơ sở sản xuất mắm, nước mắm bà Duệ, bà Giang thôn Tân Thành đã giải quyết việc làm cho gần 70 lao động với thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng/lao động.

Duy trì bền vững các tiêu chí

Ông Lê Công Lợi, Giám đốc HTX Thành Công tính toán, vùng trồng lúa địa phương cho năng suất thấp, 1ha trồng lúa (1 vụ) thu được cao nhất khoảng 15 triệu đồng nhưng khi chuyển sang nuôi trồng thủy sản lợi nhuận đạt 60-80 triệu đồng/ha/năm; trồng khoai, ớt cho thu nhập 80 triệu đồng/ha/năm. Với 125 ha đất sản xuất nông nghiệp, xã đã chuyển đổi hơn 35 ha lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản, trồng khoai... Đến cuối năm 2017, thu nhập bình quân đầu người trên đơn vị diện tích toàn xã đạt 26,5 triệu đồng/người/năm.

Đời sống, thu nhập người dân tăng cao, các hoạt động đồng hành cùng chính quyền xây dựng NTM được người dân tham gia tích cực. Sáu năm qua, Nhân dân đã hiến 37.675 m2 đất, 2.680m tường rào, hàng ngàn cây các loại, đóng góp hơn 5.216 ngày công để xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh. Tổng kinh phí người dân đóng góp lên đến 65 tỷ đồng, chiếm gần 48% số vốn huy động xây dựng NTM toàn xã.

Theo ông Lê Duận, Chủ tịch UBND xã Quảng Công, dù đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, nhưng chặng đường phía trước vẫn rất gian nan, bởi xây dựng đã khó, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí lại càng khó hơn. Sau khi được công nhận NTM, Quảng Công sẽ tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được. Trong đó, ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ cho việc phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, như cứng hóa đường trục chính nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, cơ giới hóa nông nghiệp, xây dựng trường đạt chuẩn, nhà văn hóa tạo sự phát triển đồng bộ, toàn diện. Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, chú trọng cải thiện cảnh quan, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa nông thôn. Cùng với đó, xã sẽ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch các nguồn đầu tư; trao quyền tự chủ cho cộng đồng, người dân được trực tiếp tham gia, bàn bạc, lựa chọn công trình, hạng mục triển khai trên địa bàn thôn, xóm của mình; quyết định mức đóng góp, tổ chức thực hiện, đảm bảo người dân chủ động, tự giác trong quá trình xây dựng NTM.

Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng đến xã nông thôn mới thông minh

Xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) là 1 trong 6 xã của cả nước và là xã duy nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế được chọn tham gia mô hình thí điểm “Xã nông thôn mới thông minh” của toàn quốc trong Chương trình Chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới (NTM) thông minh.

Hướng đến xã nông thôn mới thông minh
Return to top