ClockThứ Sáu, 18/10/2019 14:29

Quảng Điền gỡ khó tín dụng chính sách xã hội

TTH - Quá trình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Chỉ thị 40) ở huyện Quảng Điền tuy đạt những kết quả bước đầu, nhưng vẫn bộc lộ những hạn chế cần tháo gỡ.

Tập trung các nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hộiChất lượng tín dụng chính sách xã hội của Thừa Thiên Huế đứng đầu toàn quốcKiến nghị bổ sung vốn tín dụng 3.000 tỷ đồng để cho vay mua nhà xã hội

Mô hình nuôi gà thả vườn của chị Trần Thị Thuyên mang lại hiệu quả, thu nhập 30 triệu đồng/lứa

Thiết thực

Năm 2014 trở về trước, gia đình anh Nguyễn Văn Nam ở thôn Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ thuộc hộ nghèo của huyện Quảng Điền. Từ nguồn vốn vay 30 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quảng Điền cùng với tích lũy, anh Nam đã đầu tư xây dựng chuồng trại, chăn nuôi trâu sinh sản. Từ 5 con trâu sinh sản ban đầu, đến nay, đàn trâu của gia đình anh Nam phát triển lên 11 con. Hai năm nay, bình quân mỗi năm gia đình anh thu nhập trên 100 triệu đồng. Vốn vay cũng đã trả xong, gia đình anh còn xây dựng được nhà kiên cố, có điều kiện nuôi con ăn học.

Cũng từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng của NHCSXH, chị Trần Thị Thuyên ở thôn Đông Hồ, xã Quảng Thái đầu tư mô hình gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, kết hợp buôn bán thức ăn gia súc, làm dịch vụ dàn rạp đám cưới. Sau hơn 3 năm triển khai phát triển mô hình, hiện gia đình chị đã có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền đánh giá, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn đạt được những kết quả thiết thực. Hoạt động cho vay vốn ưu đãi góp phần quan trọng vào việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới của huyện.

Hiệu quả nguồn vốn tín dụng từ NHCSXH mang lại thấy rõ, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế nhất định. Số hộ nghèo, hộ gia đình chính sách có nhu cầu vay vốn tại các địa phương còn rất nhiều, nhưng nguồn vốn tại ngân hàng có hạn nên chưa được tiếp cận, vay vốn. Trong khi đó, một số hộ vay vốn làm ăn hiệu quả nhưng vẫn chây ỳ trả nợ, ảnh hưởng đến hoạt động quay vòng vốn…

Giám đốc NHCSXH huyện Quảng Điền, ông Lê Vinh lý giải, những khó khăn, tồn tại chủ yếu tập trung tại một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý nguồn vốn tín dụng trên địa bàn, chưa có các giải pháp tích cực để cải thiện chất lượng tín dụng. Sự phối hợp, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn tại một số nơi chưa tích cực nên vòng quay đồng vốn còn thấp, hiệu quả chưa cao. Một bộ phận người dân chưa thấy rõ trách nhiệm trả nợ, còn biểu hiện chây ỳ, ỷ lại chính sách ưu đãi của nguồn vốn Nhà nước.

Một số địa phương chưa quan tâm công tác xử lý nợ quá hạn, số người vay đã đi khỏi địa phương… Có nơi chưa quan tâm rà soát, bổ sung kịp thời các đối tượng hộ nghèo mới phát sinh, hoặc hộ tái nghèo do mất mùa, thiên tai, dịch bệnh, ốm đau, hộ không hoạt động quá 3 tháng… để được vay vốn ưu đãi.

Nguồn vốn từ ngân sách huyện chuyển cho ngân hàng còn nhiều hạn chế (tính từ khi thực hiện Chỉ thị 40 đến nay chỉ đạt 1,7 tỷ đồng), thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung toàn tỉnh. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo trên địa bàn huyện còn khá nhiều, nhất là vốn vay giải quyết việc làm…

Gỡ khó

Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, ông Hoàng Công Phong nêu quan điểm: Trong điều kiện nguồn vốn hiện nay có hạn, các địa phương cần rà soát, chọn lọc những đối tượng thật sự khó khăn, có nhu cầu vay vốn để ưu tiên cho vay trước. Các tổ chức đoàn thể có sự giám sát, theo dõi, hướng dẫn người dân sử dụng nguồn vốn thật sự hiệu quả. Các tổ phụ trách thu hồi vốn thường xuyên bám cơ sở, người dân để nắm bắt tình hình, đốc thúc trả nợ đúng hạn nhằm tạo điều kiện "tái nguồn vốn" cho các hộ khác vay.

Quá trình giải ngân, cán bộ ngân hàng phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền những mô hình sử dụng vốn vay hiệu quả để người dân nắm bắt, tham khảo, ứng dụng vào thực tiễn sau khi được vay vốn. Với các hộ nghèo ở huyện Quảng Điền hiện nay, nguồn vốn vay từ 30-50 triệu đồng phù hợp với việc đầu tư các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô gia trại; nuôi cá lồng, ao hồ, hoặc các dịch vụ kinh doanh mặt hàng tạp hóa, xay xát lúa gạo...

Theo ông Lê Vinh, UBND huyện ưu tiên cân đối dành một phần nguồn vốn từ ngân sách (gấp 2-3 lần so với trước), kịp thời bổ sung vào nguồn vốn của NHCSXH huyện cho các hộ nghèo, hộ chính sách vay. NHCSXH tỉnh cần phân bổ, bố trí thêm nguồn vốn cho NHCSXH huyện (gấp rưỡi, gấp đôi so với trước) đảm bảo hầu hết các hộ có nhu cầu, điều kiện phát triển kinh tế được vay.

Các cấp uỷ cần tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng các chuyên mục, chuyên đề về tín dụng CSXH với các nội dung thiết thực như quy trình, đối tượng, điều kiện vay vốn, lợi ích khi tham gia vay vốn, hướng dẫn sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. Các tổ chức chính trị, xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức tự vươn lên, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng CSXH và trả nợ đúng kỳ hạn...

5 năm qua, huyện Quảng Điền có hơn 23 ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH; từ đó có hơn 1.000 lao động được tạo thêm việc làm mới, gần 2.000 hộ đã thoát nghèo… Đến nay, tổng dư nợ toàn huyện hơn 280 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so cuối năm 2014. Trên địa bàn huyện hiện đang thực hiện 13 chương trình tín dụng chính sách cho 9.755 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ văn nghệ sĩ

Tại buổi gặp các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu, trình HĐND tỉnh ban hành sớm cơ chế, chính sách cho đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh để động viên, khuyến khích cho những công hiến, tài năng của các nghệ sĩ.

Cần có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ văn nghệ sĩ
HƯỚNG DÒNG VỐN VÀO LĨNH VỰC ƯU TIÊN:
Nhiều cơ chế, chính sách cho vay được mở rộng

Vấn đề này đã được ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chia sẻ cùng Thừa Thiên Huế Cuối tuần khi trao đổi về hoạt động tín dụng năm 2024, trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế đang tác động tiêu cực đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Nhiều cơ chế, chính sách cho vay được mở rộng
Đề xuất giải pháp hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội

Tại hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội diễn ra ngày 16/3, Bộ Xây dựng đã kiến nghị nhiều giải pháp để đảm bảo mục tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024.

Đề xuất giải pháp hoàn thành 130 000 căn nhà ở xã hội

TIN MỚI

Return to top