ClockThứ Sáu, 17/11/2017 16:10

Quảng Điền: Khi hộ nghèo được trao "cần câu"

TTH - Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện Quảng Điền đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo thông qua tập huấn, mở các lớp đào tạo việc làm, hỗ trợ con giống có thu hồi vốn…, phát huy tính độc lập trong từng hộ cụ thể.

Hỗ trợ người nghèo ngư cụ sản xuất đang là hướng đi hiệu quả

Từ tinh thần tự thoát nghèo

Gia cảnh khó khăn, vợ bị tai biến nằm liệt giường, hai con đều đang theo học đại học, một mình ông Hồ Nga (Quảng Công) bươn chải với 5 sào ruộng nuôi con ăn học. Ngồi nhớ lại lúc vợ đau ốm chạy vạy khắp nơi, hai người con tưởng chừng không còn được đến trường, ông Nga như trút được gánh nặng.

“Năm 2014, gia đình được xã hỗ trợ 7 triệu đồng phát triển mô hình chăn nuôi, tôi mạnh dạn vay mượn thêm đầu tư mua 2 con bò cái sinh sản làm vốn. Được tập huấn kỹ thuật nuôi, phòng trừ dịch bệnh, số lượng đàn tăng lên theo từng năm. Đến nay, gia đình chính thức thoát nghèo”,  ông Nga tâm sự. Đàn bò hiện đã tăng lên 5 con, mỗi năm bò sinh sản ông lại có thêm vốn quay vòng. Cùng với chăn nuôi, ông tập trung cải tạo vườn tạp, trồng các loại hoa màu… thu nhập mỗi năm trên 50 triệu đồng, cuộc sống đỡ vất vả hơn.

Theo ông Lê Duận, Chủ tịch UBND xã Quảng Công, vấn đề quan trọng nhất trong việc hỗ trợ hộ nghèo chính là chọn lựa các hộ có ý chí muốn thoát nghèo, tuyên truyền người dân không ỷ lại vào chính sách hỗ trợ. Làm tốt khâu này cộng với việc theo sát, giải quyết ngay những khó khăn của các hộ trong quá trình đầu tư thì hiệu quả hỗ trợ sẽ rất cao. Đa số các hộ nhận hỗ trợ đều đã thoát nghèo.

Năm 2017, xã Quảng Công đã hỗ trợ thêm cho 20 hộ với 3 mô hình chính là nuôi bò, nuôi lợn F1 và đầu tư ngư lưới cụ, mức hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, các chương trình, dự án khác như vay vốn phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở… cũng tạo điều kiện rất lớn cho các hộ nghèo trên địa bàn thoát nghèo.

Tạo điều kiện cho hộ nghèo và cận nghèo vay vốn từ Ngân hàng Chính sách – xã hội giúp các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh cũng được xem là điểm sáng. Hơn 10 năm trở lại đây, NHCSXH Quảng Điền đã cho hơn 20 ngàn lượt hộ nghèo vay vốn sản xuất kinh doanh, nhờ đó gần 7,7 ngàn hộ  đã thoát nghèo. Bình quân hàng năm cho hơn 1,3 ngàn lượt hộ nghèo vay vốn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 23,46% xuống còn 11,21% năm 2016 (theo chuẩn mới).

Xã hội hóa

Bà Phan Thị Hóa, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Quảng Điền thông tin, để xóa nghèo, lâu nay huyện đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhưng hiệu quả chưa cao. Một số hộ đã xóa được nghèo nhưng vẫn tái nghèo. Đổi mới trong hoạt động hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo đang được huyện đặt ra.

Chủ trương xã hội hóa chương trình hỗ trợ người nghèo thông qua huy động vốn trong dân và vốn đối ứng của Nhà nước để hộ nghèo đầu tư phát triển sản xuất là một ví dụ. Khi được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng để mua bò thì hộ nghèo phải bỏ thêm 10 triệu đồng vốn đầu tư thêm bò giống và trồng cỏ, làm chuồng nuôi bò. Quá trình hộ nghèo phát triển sản xuất sẽ phân công cán bộ thôn, xã theo dõi giám sát, nếu phát sinh khó khăn sẽ hỗ trợ khắc phục ngay. Cách làm này đã gắn trách nhiệm của hộ nghèo với đồng vốn bỏ ra, nên việc đầu tư phát triển mô hình có nhiều chuyển biến.

Hiện, Quảng Điền đang tiến hành điều tra rà soát lại hộ nghèo, dự kiến năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện sẽ giảm xuống còn 9,2%. Trong năm, huyện tập trung thực hiện tiểu dự án 3 của Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. Cụ thể, đã triển khai 24 mô hình phù hợp với điều kiện địa phương. Các mô hình được lựa chọn triển khai như: nuôi bò nhốt chuồng và trồng cỏ; nuôi lợn nái F1 ở xã Quảng Thành; cải tạo đất trồng rau màu ở xã Quảng Lợi; hỗ trợ ngư lưới cụ để chuyển đổi khai thác từ tầng đáy sang tầng nổi ở xã Quảng Công... với tổng kinh phí hỗ trợ là 2,4 tỷ đồng.

Bà Phan Thị Hóa, thông tin: Hướng đến giảm nghèo bền vững huyện tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cùng với đó là đầu tư phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, huyện đã tiến hành quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp phù hợp với từng vùng theo hướng tập trung sản xuất cây trồng chủ lực và tăng năng suất các loại cây mũi nhọn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020.

Hiện nay, huyện Quảng Điền còn 2.823 hộ nghèo và 1.994 hộ cận nghèo, trong đó có 217 hộ có nhà ở xuống cấp, dột nát cần được hỗ trợ sửa chữa, xây dựng.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi công xây nhà cho hộ nghèo ở Quảng Điền

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quảng Điền phối hợp Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quảng Phú tổ chức khởi công nhà tình thương cho bà Nguyễn Thị Mong ở thôn Phú Lễ, xã Quảng Phú.

Khởi công xây nhà cho hộ nghèo ở Quảng Điền
Quảng Điền: 85,4% trường đạt chuẩn quốc gia

Ngày 11/4, Trường THCS Nguyễn Hữu Dật (huyện Quảng Điền) tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và chứng nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2.

Quảng Điền 
85,4 trường đạt chuẩn quốc gia
Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận

Sáng 5/4, Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị nhằm tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình số 12 gắn với sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 20 của Huyện ủy về tiếp tực thực hiện Nghị quyết số 25 của Trung ương về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận
Return to top