ClockThứ Ba, 03/02/2015 16:29

Quảng Thái vươn lên từ gian khó

TTH - Không chỉ quả cảm trong chiến tranh, người dân Quảng Thái (Quảng Điền) còn cần cù lao động sản xuất, từng bước đẩy lùi nghèo khó, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no.

Nuôi cá lồng cho thu nhập khá tại Quảng Thái

 

Đẩy lùi nghèo khó

Đến cuối năm 2014, tổng giá trị thu nhập toàn xã Quảng Thái đạt gần 100 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người 20 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng so với năm trước. Kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi trên địa bàn cơ bản hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu sản xuất. Tỷ lệ trẻ em đến lớp các cấp đạt 98%...
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Quảng Thái là vùng căn cứ cách mạng của huyện Quảng Điền. Nhiều cuộc giao tranh ác liệt giữa ta và địch, đáng nhớ nhất là trận đánh năm 1968, quân Mỹ từ Phong Chương (Phong Điền) đổ bộ vào địa bàn, ta đã tiêu diệt 12 xe tăng và nhiều tên địch, buộc quân Mỹ phải rút lui khỏi địa phương. Ông Lê Xuân lúc đó chỉ mới 13 tuổi đã tiêu diệt nhiều quân lính và 1 cấp tá. Hai lần Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân là phần thưởng xứng đáng mà Đảng, Nhà nước đã dành cho cán bộ và nhân dân xã Quảng Thái...
Chiến tranh đi qua để lại hậu quả nặng nề trên vùng đất anh hùng Quảng Thái. Rồi các dự án cũng về đến địa phương. Công tác rà phá bom mìn được triển khai tích cực. Những vùng cát trắng dần hồi sinh. Tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, cộng với nguồn lực của Nhân dân, Quảng Tháo từng bước đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi. Hồ chứa nước Nam Giảng và nhiều hệ thống kênh mương được xây dựng. Hệ thống thủy lợi chưa hoàn thiện nhưng cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu. Giao thông dần hoàn thiện, tạo thuận lợi trong việc đi lại và sản xuất của người dân...
Chủ tịch UBND xã Quảng Thái - Trần Hải - chia sẻ: nhờ kỹ thuật từng bước nâng lên thông qua các đợt tuyên truyền, tập huấn của cán bộ khuyến nông, đồng thời đưa các giống mới vào sản xuất nên năng suất, chất lượng nông sản ngày càng tăng... Đời sống người dân từng bước đi vào ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm. “Gần cả đời người chỉ biết toàn chiến tranh, gian khổ, nghèo đói. Giờ đây chứng kiến quê hương ngày càng khởi sắc, nghèo khó từng bước đẩy lùi”, ông Hồ Thúc Khánh, 68 tuổi tâm sự. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đến nay chỉ còn khoảng 10%, thu nhập bình quân đầu người 20 triệu đồng/năm cho thấy đời sống người dân nhiều đổi thay.
Hướng phát triển bền vững
Toàn xã Quảng Thái có 32 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 35 mẹ đang đề nghị phong tặng; 438 liệt sĩ, 79 thương binh, 8 bệnh binh; 220 người có công cách mạng; 21 người được hưởng chế độ chất độc da cam; 16 người hưởng chế độ tù đày; 86 người hưởng tuất có công cách mạng...
Tìm hướng phát triển kinh tế bền vững cho người dân là trăn trở lớn nhất của chính quyền địa phương. Theo ông Trần Hải, nếu chỉ loay hoay trồng lúa, rau, đậu, khoai lang thì khó có cơ hội vươn lên khá. Trong khi nhiều vùng đất, mặt nước đầm phá rộng lớn là tiềm năng, lợi thế lớn trong phát triển kinh tế, xã hội. Việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi là hướng đi phù hợp được lãnh đạo xã Quảng Thái lựa chọn. Từ những suy nghĩ, trăn trở đó, cách đây 5 năm, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho cán bộ, người dân đến tham quan nhiều mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi, trồng trọt trong và ngoài tỉnh. Từ đó, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi theo mô hình gia trại.
Trên địa bàn xã đến nay đã có hàng trăm hộ chăn nuôi lợn quy mô từ vài chục con đến trên 100 con. Điển hình như hộ Trần Thị Bé ở thôn Trung Làng nuôi đến 120 con mỗi lứa, lãi trên dưới 100 triệu đồng. Chị Bé tâm sự: “Điều kiện môi trường, vùng đất Quảng Thái rất thuận lợi cho việc chăn nuôi lợn, gà. Nhiều năm qua chưa có lứa nào xảy ra dịch bệnh. Hầu như năm nào cũng lãi khá cao, có điều kiện nuôi con ăn học, xây nhà kiên cố”. Các hộ nuôi quy mô vài chục con lợn dù lãi không cao, nhưng mỗi năm cũng từ 20-30 triệu đồng, trang trải chi phí sinh hoạt gia đình, ổn định cuộc sống. Hàng trăm hộ nuôi gia cầm từ vài trăm đến cả ngàn con cũng mang lại nguồn thu khá lớn.
Quảng Thái còn có nhiều mô hình trồng trọt, nuôi trồng thủy sản mang lại thu nhập khá cao. Trên địa bàn còn có 20 hộ trồng nấm rơm, bình quân mỗi hộ lãi 60 triệu đồng/năm. Mô hình trồng mướp trái vụ hàng chục ha, bình quân mỗi ha lãi trên 70 triệu đồng... Nuôi cá lồng trên phá Tam Giang trở thành hướng đi thích hợp với điều kiện sản xuất của người dân địa phương. Mấy năm gần đây, số lượng lồng cá toàn xã tăng nhanh lên đến 500 lồng, chủ yếu nuôi cá trắm cỏ, mè, chép, dìa, hồng..., doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng/năm. Hộ ông Trần Hiệu nuôi đến 6 lồng, mỗi năm lãi từ 60-70 triệu đồng. Theo tính toán của ông Hiệu, bình quân mỗi lồng thả nuôi khoảng 300 con, thu nhập trên 20 triệu đồng, lãi trên 10 triệu đồng. “Nhờ chăn nuôi, trồng trọt, kết hợp với nuôi cá lồng, gia đình tôi xây được nhà khang trang”, ông Hiệu khoe.
Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân
Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào đắt đỏ và đầu ra vẫn còn chưa phổ dụng thì cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao
Return to top