ClockThứ Năm, 02/09/2010 05:04

Quảng trường của Huế

TTH - Cuộc sống vẫn thường có những bất ngờ thú vị. Ví như, khi xây dựng Kinh thành và Hoàng thành Huế vào đầu thế kỷ XIX, các nhà kiến trúc triều Nguyễn đã thiết lập một khoảnh trống, nằm giữa Ngọ Môn và Kỳ Đài để tạo nên một không gian thích hợp, một điểm nhấn cần có, để có nơi tổ chức một số đại lễ hoặc làm một số công việc cần thiết. Thế nhưng, điều chắc chắn họ chưa bao giờ tính đến là chính ở nơi đây lại là nơi vào chiều 30/8/1945, diễn ra lễ thoái vị chính thức của vua Bảo Đại, vị quân vương cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam.

Trong hồi ký của mình, nhà thơ Cù Huy Cận, thành viên trong phái đoàn Chính phủ lâm thời vào Huế lúc bấy giờ kể lại: Lễ thoái vị chính thức với sự có mặt của năm, sáu vạn người dân Huế đứng tràn ngập trước Ngọ Môn. Nhà vua bận triều phục đại lễ, áo hoàng bào, khăn vàng, đi giày cườm vàng. Theo nguyện vọng của nhà vua, lá cờ vàng của triều đình được kéo lên một lần cuối cùng, sau khi nhà vua đọc xong tuyên bố thoái vị thì kéo xuống để kéo lá cờ đỏ sao vàng của cách mạng lên đỉnh Ngọ Môn.


Quảng trường Ngọ Môn trong những ngày Festival Huế

Tôi vẫn thường xuyên qua lại và đặc biệt có ấn tượng về khoảnh không gian mang dáng dấp và hơi thở của hồn thiêng sông núi này, được giới hạn bởi đường 23 tháng 8 ở phía bắc, chân tường Kinh thành ở phía nam, con đường ngắn sau cửa Thể Nhân (thường gọi là cửa Ngăn) ở phía đông và con đường ngắn sau cửa Quảng Đức ở phía tây. Chiều bắc nam rộng gần 125m và chiều đông tây dài khoảng 360m. Tôi đọc sách, được biết, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, không thấy triều đình bấy giờ đặt tên riêng chính thức cho quảng trường này. Dân chúng thì gọi một cách nôm na, gần gũi mà dễ hiểu: Sân Cột Cờ. “Sân” bởi dùng làm nơi đá bóng. “Cột Cờ” là do nằm sát chân Kỳ Đài Huế. Gần đây là tên gọi Quảng trường Ngọ Môn xuất hiện trong nhiều văn bản.
 
Người dân thủ đô Matxcơva rất tự hào về Quảng trường Đỏ cũng như thủ đô Bắc Kinh vẫn đang xem Quảng trường Thiên An Môn là biểu tượng cho sức mạnh của nước Trung Hoa mới. Ở Việt Nam, Quảng trường Ba Đình là trái tim của thủ đô. Vị thế hôm nay của Huế là cố đô và người Huế có Quảng trường Ngọ Môn để tự hào. Lịch sử triều Nguyễn ghi rõ về nhiều lễ lớn mang tính quốc gia, như Lễ truyền lô (đọc tên các tiến sĩ tân khoa), Lễ Ban sóc (phát lịch) hay Lễ Duyệt binh hằng năm. Còn những người dân Huế hôm nay không quên Quảng trường Ngọ Môn trong buổi lễ kỷ niệm 5 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận Di sản Văn hoá thế giới. Quảng trường Ngọ Môn cũng là nơi diễn ra lễ khai mạc Festival Huế, một biểu tượng cho sự hội nhập và phát triển của vùng đất hay các dịp kỷ niệm lớn, mừng Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng.
 
Tròn 65 năm rồi, kể từ ngày 30-8 năm ấy. Thế hệ tôi sinh ra trong chiến tranh tao loạn và trưởng thành trong thanh bình, luôn có những hoài niệm đẹp về lịch sử. Tôi như lại bắt gặp vào buổi chiều nay, trong ánh nắng nhạt vàng của một ngày thu một không gian đẹp, trầm mặc và linh thiêng gắn liền với bối cảnh của Ngọ Môn Huế. Tôi cũng đã bắt gặp ở đây những con người, là những người dân Huế trong phút giây thư giãn và cũng là rất nhiều người nữa đến từ phương xa trong hành trình khám phá một thời Huế xưa “lầu son gác tía”, ngập ngừng và bỡ ngờ trước khi bước qua Ngọ Môn, từng in trong tâm trí bắt đầu từ những trang sách tuổi học trò. 
 
Đan Duy
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top