ClockThứ Năm, 14/04/2016 10:03

Quỹ bình ổn giá điện: Còn nhiều băn khoăn

Khó có thể giám sát cũng như công khai minh bạch nguồn hình thành, mức trích lập, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá điện.


Về bản chất chính người dân phải góp tiền vào quỹ bình ổn giá điện vì quỹ trích từ giá thành bán điện. (Ảnh minh họa: KT)

Dự thảo Quỹ Bình ổn giá điện do Bộ Công Thương xây dựng  nhằm giảm tác động bất lợi của các yếu tố thị trường tới giá điện. Mục đích thì có vẻ như sẽ có lợi cho người tiêu dùng, bởi bấy lâu nay giá điện chỉ có tăng chứ không giảm. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc thành lập quỹ này dựa trên nguồn nào, quản lý điều hành ra sao để đảm bảo minh bạch.

Theo dự thảo Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân do Bộ Công Thương xây dựng, quỹ bình ổn giá điện được thành lập để bình ổn giá điện. Trong trường hợp cần thiết, nhà nước sẽ sử dụng quỹ này để bình ổn giá bán điện, nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Khoa học về giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, hoạt động kinh doanh không tránh khỏi rủi ro, trong đó có rủi ro về giá. Mặt hàng điện cũng nên có quỹ bình ổn, góp phần làm giảm những rủi ro này.

“Thị trường hoạt động thì có rủi ro, rủi ro hay gặp phải là giá. Yếu tố đầu vào thay đổi thì làm giá thay đổi cho nên trong bối cảnh đó xây dựng quỹ bình ổn giá là cần thiết cho ngành điện nhưng vấn đề là phải tạo ra nguồn hợp lý và phải quản lý sao cho có hiệu quả, đấy là vấn đề then chốt”, PGS. TS Ngô Trí Long nhận xét.

Câu hỏi đặt ra là lấy nguồn nào để lập quỹ bình ổn giá điện? Theo dự thảo, nguồn hình thành quỹ bình ổn giá điện được trích từ giá bán điện và được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện. Quỹ Bình ổn giá điện được trích lập khi các yếu tố đầu vào hình thành giá bán điện giảm so với hiện hành và chi phí sản xuất kinh doanh điện bị treo (chưa được tính hết vào giá bán điện) đã được xử lý hết.

 

Như vậy, về bản chất, chính người dân phải góp tiền vào quỹ bình ổn, vì quỹ trích từ giá thành bán điện. Do đó, việc hình thành quỹ này liệu có làm tăng gánh nặng cho người dân, nhất là khi Tập đoàn Điện lực kêu thua lỗ?

Theo các chuyên gia, nguồn hình thành quỹ phải từ cả hai phía, người tiêu dùng và doanh nghiệp (phải trích một phần lợi nhuận), chứ không thể bắt người tiêu dùng ứng trước như quỹ bình ổn xăng dầu.

Ngoài ra, theo ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cần phải làm rõ tỷ lệ trích bao nhiêu từ giá điện, bình ổn trong biên độ nào là hợp lý: “Phải tính toán cụ thể mức huy động bao nhiêu, bình ổn trong biên độ nào. Chu kỳ bình ổn cũng cần được nghiên cứu. Với quỹ bình ổn này thì chu kỳ thay đổi giá điện xét trong vòng 3 tháng hay bao lâu thì giá có thể bình ổn hơn. Quỹ này phải không làm thiệt cho người tiêu dùng nhưng không làm lợi cho ngành điện. Nếu không nghiên cứu kỹ hoặc chi tiết thì không rõ ràng hoặc hiệu quả không như mong muốn”.

Một vấn đề nữa là quản lý quỹ bình ổn giá điện. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cần phải làm rõ khi nào được huy động quỹ để bù lỗ cho giá điện, khi nào thì ngừng trích lập từ quỹ, nếu không sẽ khiến việc lập, quản lý quỹ thiếu minh bạch. Dự thảo dự kiến giao Tập đoàn Điện lực quyền thực hiện việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá điện. Điều này cũng đặt ra vấn đề giám sát việc quản lý, sử dụng quỹ bình ổn.

“Nếu lập thêm quỹ này lấy từ tiền của dân thì quỹ này được quản lý như thế nào. Người dân nộp tiền thì có đại diện của dân cùng quản lý quỹ đó hay không. Việc kiểm toán giá điện lỗ lãi ra sao. Phải có cơ quan quản lý được. Thủy điện thì lãi nhưng điện chạy dầu, khí điều chỉnh theo giá thế giới có khi lỗ. Nên phải tính toán cẩn thận. Người tiêu dùng mong muốn những vấn đề đó cần được giải đáp rõ hơn”, ông Lê Đăng Doanh nói.

Nhiều năm qua, quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn gây nhiều tranh cãi về tính hiệu quả. Mới đây, liên Bộ Công Thương – Tài chính cho biết tới đây, giá xăng dầu có thể được điều chỉnh hằng ngày, khi đó sẽ không cần đến quỹ bình ổn nữa.

Do đó, nhiều chuyên gia khuyến cáo việc xây dựng quỹ bình ổn giá điện cần được nghiên cứu, tính toán thận trọng về tính hiệu quả và minh bạch trong quản lý, giám sát để không tác động tiêu cực đến thị trường cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Việt Hà (Theo VOV)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiểm tra, giám sát để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

Một trong những giải pháp quan trọng mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) để ngăn ngừa, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) ngay từ sớm, từ xa, tránh bị động...

Kiểm tra, giám sát để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực
Nâng cấp mở rộng lên 4 làn xe mới đảm bảo khai thác tuyến cao tốc Cam Lộ- La Sơn

Ngày 16/3, Đoàn giám sát của Quốc hội về chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” do Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn đã đi khảo sát tình hình thực hiện dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan (cao tốc đi qua Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng).

Nâng cấp mở rộng lên 4 làn xe mới đảm bảo khai thác tuyến cao tốc Cam Lộ- La Sơn
Gắn việc sắp xếp, tổ chức bộ máy với tinh giản biên chế

Ngày 1/3, Đoàn ĐBQH tỉnh do Phó trưởng đoàn Nguyễn Thị Sửu làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát, làm việc với Sở Nội vụ về Nghị quyết 19 thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) giai đoạn 2018 - 2023.

Gắn việc sắp xếp, tổ chức bộ máy với tinh giản biên chế
Đảm bảo mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét trong cả nước vào năm 2030

Ngày 23/2, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương tổng kết công tác phòng, chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng năm 2023; triển khai kế hoạch năm 2024 và thúc đẩy loại trừ sốt rét ở Việt Nam”. Đầu cầu Thừa Thiên Huế có đại diện Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, TTYT Phong Điền, Nam Đông, A Lưới.

Đảm bảo mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét trong cả nước vào năm 2030

TIN MỚI

Return to top