ClockThứ Tư, 15/11/2017 13:31

Quy hoạch nhà văn hóa

TTH - Thành phố Huế đang tiến hành xây dựng quy hoạch hệ thống các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng ở các phường trên địa bàn, tiến tới hoàn thiện hệ thống này.

 Nhà văn hóa phường Phú Hội được xây dựng hợp lý vừa là nơi sinh hoạt vừa làm điểm giữ xe

Khó về quỹ đất

Thành phố Huế hiện có 27 phường, 163 khu vực dân cư và 461 tổ dân phố. Qua khảo sát của Viện Quy hoạch xây dựng Thừa Thiên Huế, trên địa bàn có 103 công trình nhà văn hóa, trong đó có 12 trung tâm văn hóa và trung tâm học tập cộng đồng cấp phường, chiếm tỷ lệ 44%(12/27); 60 nhà văn hóa khu vực cụm dân cư, chiếm tỷ lệ 30,8% (60/163) và 31 nhà sinh hoạt cộng đồng tổ dân phố, chiếm tỷ lệ 6,7% (31/461).

Số lượng nhà văn hóa tại các khu dân cư của thành phố còn rất thấp so với nhu cầu thực tế cũng như định hướng của Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu sẽ có 70% số tổ dân phố có nhà văn hóa, 80% số phường có trung tâm văn hóa.

Khó nhất trong quy hoạch và xây dựng nhà văn hóa ở các phường là quỹ đất và nguồn lực để đầu tư. Theo KTS.Trần Quang Hiếu (Viện Quy hoạch xây dựng Thừa Thiên Huế), quá trình điều tra, khảo sát hiện trạng và tìm quỹ đất để quy hoạch bố trí xây dựng các nhà văn hóa tại phường cho thấy, có nhiều phường quỹ đất cho các công trình này còn rất khan hiếm, nhất là các phường trung tâm, như Vĩnh Ninh, Phú Hội, Phú Nhuận, Phú Cát, Thuận Thành... gần như đã hết quỹ đất.

Ngay cả các phường đất đai còn nhiều như Thủy Xuân, An Cựu thì việc tìm quỹ đất phù hợp cũng không hề đơn giản khi khá nhiều vị trí hiện tại hoặc trong dự tính buộc phải đưa ra ngoài do nằm trong quy hoạch khác. Trước thực tế đó, đơn vị thiết kế đã cân nhắc trên cơ sở hiện trạng nhà văn hóa sẵn có và từ đề xuất của các phường để nghiên cứu xác định quy mô của từng loại, đề xuất các vị trí xây dựng nhằm bảo đảm xây dựng các thiết chế văn hóa tại các phường hợp lý, cân bằng, phục vụ nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa của người dân. Với trường hợp bất khả kháng không còn quỹ đất ở các phường trung tâm, sẽ đề xuất sử dụng các quỹ đất công trình công cộng, như: nhà văn hóa, trường học, công viên... để sử dụng làm điểm sinh hoạt văn hóa cần thiết.

Phân kỳ đầu tư

Sau khi quy hoạch, số lượng nhà văn hóa của các phường cả ba cấp sẽ từ 103 công trình hiện tại lên 170 công trình. Các nhà văn hóa cũ xuống cấp phải sửa chữa để bảo đảm hoạt động và nhiều công trình phải xây dựng mới hoàn toàn. Trong điều kiện nguồn lực hạn chế, việc Nhà nước sử dụng hoàn toàn kinh phí từ ngân sách để xây dựng một số lượng lớn các nhà văn hóa là khó khả thi. Việc huy động nguồn lực để cụ thể hóa quy hoạch và xây dựng các nhà văn hóa là vấn đề đang được quan tâm.

Theo đề xuất của Viện Quy hoạch xây dựng Thừa Thiên Huế, để đầu tư hệ thống nhà văn hóa này phải có sự phân kỳ và lộ trình thích hợp. Nhà nước chỉ đầu tư một số công trình trọng điểm cấp phường, còn lại có thể xây dựng theo các hình thức khác nhau như từ nguồn tài trợ, nguồn xã hội hóa hay từ hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm, nhất là trong việc khai thác hiệu quả các trung tâm văn hóa sau này. Vấn đề quan trọng hơn, muốn thực hiện tốt chương trình này còn phụ thuộc rất lớn vào vai trò của chính quyền các phường trong việc đề ra kế hoạch cụ thể để xây dựng cũng như công tác vận động Nhân dân chung tay xây dựng nhà văn hóa ở  địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố Huế, việc quy hoạch xây dựng hệ thống nhà văn hóa các tổ dân phố, khu vực và phường được đặt ra từ nhiều năm nay và đến thời điểm này là rất cấp thiết. Công tác này nếu không thực hiện sớm thì chỉ đôi ba năm nữa, nhiều phường sẽ không còn quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa. Theo ông Thành, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người dân cũng cần có nơi để sinh hoạt và phục vụ các hoạt động văn hóa tinh thần. Thành phố quyết tâm đề ra mục tiêu xây dựng, phát triển hệ thống trung tâm văn hóa phường, nhà văn hóa cộng đồng, tổ dân phố trên địa bàn đồng bộ, khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của Nhân dân ở các khu vực.

Bà Phạm Thị Quỳnh Giao, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thành phố Huế cho biết, việc xây dựng chương trình quy hoạch trung tâm văn hóa, nhà văn hóa ở các phường được lãnh đạo thành phố rất quan tâm, bởi làm tốt quy hoạch này sẽ giúp thành phố dự báo nhu cầu sử dụng thiết chế văn hóa của các cấp dân cư theo từng giai đoạn, làm cơ sở lập kế hoạch phát triển xây dựng các thiết chế văn hóa phù hợp.

Theo bà Giao, với mục tiêu đến năm 2030, hệ thống trung tâm văn hóa phường, nhà văn hóa cộng đồng tổ dân phố trên địa bàn phát triển đạt các tiêu chí quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chương trình quy hoạch hệ thống nhà văn hóa đang được Viện Quy hoạch xây dựng Thừa Thiên Huế triển khai với các bước điều tra khảo sát thực địa rất kỹ. Hiện, viện này đang trong quá trình hoàn chỉnh dự án trên cơ sở thống nhất với các đề xuất của các phường, sự tham vấn từ các phòng ban chuyên môn, như Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất... để sớm thông qua Hội đồng Nhân dân thành phố vào cuối năm 2017.

Bài, ảnh: Quang Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sứ mệnh của Huế

Kết thúc bài phát biểu tại hội nghị công bố quy hoạch vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng Thừa Thiên Huế sẽ phát huy bản sắc, đặc trưng để hướng đến các giá trị mới, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước.

Sứ mệnh của Huế
Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

Chiều 8/4, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị để nghe Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 và thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền
Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top