ClockChủ Nhật, 14/05/2017 12:06

Quy hoạch & thực tế

TTH - Có lẽ chúng ta không quá khó khăn để thống nhất với nhau một điều: quy hoạch nghĩa là định hướng thực hiện trong tương lai, có thể trung hạn, dài hạn.

Vì là cái sẽ thực hiện trong tương lai nên nó cũng bao gồm cả sự không chắc chắn. Có khi nó không còn phù hợp nữa cho nên mới sinh ra chuyện điều chỉnh quy hoạch, thậm chí là bỏ quy hoạch.

Đô thị phát triển bài bản, thuận lợi là điều luôn được mọi người mong muốn (Ảnh minh họa)

Như vậy, bản thân quy hoạch không phải là vấn đề mà vấn đề chính là ở việc thực hiện quy hoạch.

Để thực hiện cho được quy hoạch đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó nguồn lực vật chất là quan trọng nhất. Ví dụ như chỗ này sẽ xây một cây cầu, chỗ kia sẽ dành cho không gian công cộng, chỗ nọ là một công trình phục vụ cho một nhiệm vụ gì đó của nhà nước… Có tiền, quy hoạch này sẽ thực hiện ngay, chưa có tiền thì nó vẫn cứ nằm đấy.

Có nhiều quy hoạch là bình thường, nhưng cũng có những quy hoạch gây không ít bất lợi cho người dân. Đó là khi quy hoạch bao trùm lên các khu dân cư đã định hình và xây dựng trước đó.

Một khi quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì nhất nhất phải tuân thủ theo quy hoạch. Vậy là nhiều hoạt động của người dân bị ảnh hưởng, có khi là nghiêm trọng. Người dân có đất đấy, khi đã “dính” quy hoạch, muốn xây dựng nhà cũng không xây dựng được, tách thửa đất cho con cũng không tách được. Mọi chuyện sang nhượng quyền sử dụng đất rất khó giao dịch.

Sống trong những vùng quy hoạch như thế này rất khổ.

Nhìn ở nhiều góc độ, quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng, đó là quyền sử dụng, quyền chuyển nhượng. Những quyền cơ bản này về tài sản đã không có thì quyền định đoạt có khi cũng không có.

Ở góc độ xã hội, một nguồn lực không hề nhỏ đã bị hạn chế. Đất đai cũng là một yếu tố vốn, có khi có giá trị rất lớn (thời gian gần đây trên thị trường đất nền, có nơi chúng ta thấy rao bán mười mấy triệu đồng một m2). Đất ở đây không chuyển hóa thành vốn để tham gia vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được. Nếu nó chiếm một diện tích rộng lớn thì chúng ta thấy xã hội đã bị lãng phí một nguồn vốn lớn như thế nào.

Trước đây, việc công bố quy hoạch còn “tù mù”, những người nắm được thông tin quy hoạch sớm thì có khi như “nắm được vàng”. Ví dụ quy hoạch ở vị trí này là đường. Nhờ nắm được thông tin nên họ đi mua gom đất. Đường mở ra tất nhiên là đất lên giá, cứ thế mà hưởng lợi.

Nay quy hoạch được công bố rộng rãi, công khai nên tình trạng nêu trên không còn hoặc được hạn chế rất nhiều.

Quy hoạch do Nhà nước làm nhưng thực hiện quy hoạch không chỉ có Nhà nước, trong đó có những nhà đầu tư kinh doanh bất động sản. Có khi họ “vẽ” nên một dự án rất hoành tráng và “tác động” để được thông qua, sau đó họ thực hiện những phần có khả năng sinh lợi nhiều nhất trước, chỗ nào khó khăn, ví dụ như phải đền bù giải tỏa, họ làm từ từ hoặc không làm.

Cái khổ nhất là quy hoạch nhưng không biết bao giờ thực hiện. Ai “dính” vào loại quy hoạch này rất mệt. Nó cứ… lơ lửng, lửng lơ.

Như đã nói, những nhà quy hoạch họ có đầy đủ lý lẽ để biện minh cho quy hoạch. Đã nói đến quy hoạch là nói đến tầm nhìn, nói đến tương lai. Và như vậy quy hoạch là định hướng. Người dân không thể cãi được với lý lẽ này, chỉ còn biết cách âm thầm chịu đựng.

Để hạn chế tình trạng trên chỉ còn cách là quy định chặt chẽ thời gian thực hiện quy hoạch. Làm tốt điều này ít nhất sẽ làm cho các nhà làm quy hoạch thực tế hơn và có trách nhiệm hơn.

Nghĩa là đã quy hoạch thì gắn với giải pháp thực hiện.

Ai cũng muốn sống trong một không gian đẹp và nề nếp. Ai chẳng muốn đô thị phát triển một cách quy củ bài bản, đẹp, thuận lợi. Nhưng tất cả những điều này trở thành hiện thực phụ thuộc vào điều kiện, nguồn lực. Một khi nhìn rõ thực tế để quy hoạch thì quy hoạch sẽ trở nên thực tế.

Bài: NGUYỄN LÊ - Ảnh: LÊ TẤN THANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top