ClockChủ Nhật, 30/10/2016 18:31

Quyền được báo hiếu

TTH - Ba mẹ là nông dân thứ thiệt. Sinh một “dây” 5 đứa con và đưa hết chúng đến đoạn có vợ có chồng thì kiệt sức. Ba ôm một mớ bệnh trong người, mà nặng nhất là 2 quả thận gần như hết chức năng.

Vậy nên, dù chưa đến tuổi lão, ba đã mất sức lao động và cơ thể trở thành “máy dự báo thời tiết cực chuẩn”. Mẹ đỡ hơn, nhưng thêm tuổi cũng thêm những đêm dài khó ngủ, lúc thì do nhức xương, lúc thì do rối loạn tiền đình, rồi lại thêm cao huyết áp… Cảnh nhà sẽ thường như bao gia đình khác thôi, nếu ba mẹ cứ để cho các con thơm thảo được hiếu thuận. 

Đằng này, càng già ba mẹ càng trở tính. Bất cứ đồ ăn thức uống nào con cái mua về đều bị từ chối. Từ quà bánh cho ba uống trà, đến đồ ăn trữ trong tủ lạnh. Có khi còn “để cho hết hạn sử dụng, lần sau tụi bay khỏi mua về”…  Đến áo quần, khăn mũ mấy o con gái đã tỉ mỉ chọn lựa theo tâm lý của mẹ để tặng, về không nhận được cái mỉm cười còn bị la vì tội lãng phí. Cũng chính vì vậy nên nhiều thứ mua về tặng ba mẹ, con phải nói dối là mua rẻ hoặc lấy lý do người ni cho, người khác tặng. Đến chuyện lắp cái mái hiên che nửa sân cho nhà bớt hanh mùa nắng, bớt lạnh mùa đông, ba mẹ cũng giãy nảy không chịu. Xưa, ba mẹ cần sân rộng để phơi lúa phơi khoai, giờ sức già không còn, ruộng cũng trả hết, nhưng khi nghe mấy đứa con bàn đến thì ba mẹ chẳng tiếc lời mà la chúng vì tội “dám về đây làm quyền”.

Trời trở, khớp tay khớp chân của ba sưng ú ụ, đi lại quá khó khăn nhưng ba vẫn đi tìm rượu. Đến bữa ba bỏ cơm, mẹ dỗ dành kiểu chi cũng không chịu, còn gắt gỏng, nói lời nặng nhẹ. Mẹ tủi thân, kêu đứa con gái lớn về làm chứng, hòa giải. Con mẹ về, thấy cảnh nhà vậy thì hết sụt sùi nhà trên lại xuống nhà dưới thút thít. “Ba mẹ nói thương tụi con mà có thấy thương chi mô nà. Cả đời không dám ăn, không dám mặc, dồn hết cho con, rứa răng ba mẹ lại nói với nhau nặng lời rứa. Tụi con buồn ghê”. Rồi mẹ cũng khóc. Ba bật dậy đập giường cái rầm: “Tau đã chết mô mà mạ con bay khóc như nhà có đám rứa? Trẻ tau làm nuôi bay lớn, chừ tra rồi tau ưa làm chi thì làm chơ. Quyền chi bay”. Nghe ba nói, chị khóc to hơn. “Đụng chi ba cũng nói “quyền chi bay”. Tụi con thì có làm quyền chi mô. Đến việc lo cho ba mạ mà cũng bị la nữa nờ. Sướng thì sướng rồi, cực cũng cực rồi, răng chị em con muốn báo hiếu ba mạ mà khó rứa. Ba cứ như ri rồi chết sớm, có mô nữa cho chị em con trả hiếu...”. Chị vừa nói vừa khóc, cứ như đứa trẻ bị chia quà không công bằng và nói hết nỗi tủi thân trong lòng mình, trong lòng các em khi những thể hiện yêu thương đối với ba mẹ bị chối từ – chỉ vì lý do, con mình còn cực quá.

Ba yên lặng, mẹ cũng thôi khóc. Lúc lâu thì ba ngồi dậy, nhẹ nhàng với mẹ: “Mạ mi lấy cho tui bát cơm”. Mẹ bưng mâm lên, vừa đơm cơm cho ba vừa thủ thỉ: “Ba mi hí, cái mái hiên nớ, bữa ni cứ để chị em hắn ưa tính răng thì tính. Bữa ni, con có đưa chi về mình cũng nhận hết hí. Mình lo cho tụi hắn mà tụi hắn không biết thì thôi hí…”. Sau mỗi nhịp mẹ “hí”, chị thấy ba “ừ” nhè nhẹ.

Vậy thôi cũng đủ để chị hiểu, “quyền được báo hiếu” mà mấy chị em “đòi” lâu nay, đã thành công.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công dân

Công tác tiếp công dân (TCD), giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN, TC) trên địa bàn toàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực; qua đó, góp phần giải quyết, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công dân, đảm bảo an ninh, chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công dân
Người nông dân có quyền làm giàu trên mảnh đất của mình

5 năm qua, công tác hội và phong trào nông dân toàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận. Nhiệm kỳ mới, Hội Nông dân (HND) tỉnh đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng và nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhằm góp phần cùng với toàn tỉnh đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Về những kết quả nổi bật của công tác hội và phong trào nông dân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đánh giá:

Người nông dân có quyền làm giàu trên mảnh đất của mình
“Vòng tay yêu thương”

Là tên chương trình ý nghĩa, nhân văn và thiết thực do Hội Bảo vệ quyền trẻ em (BVQTE) Việt Nam tổ chức tại Trường tiểu học Kim Long 1 (phường Kim Long, TP. Huế) vào sáng 16/9.

“Vòng tay yêu thương”
Return to top