ClockChủ Nhật, 25/06/2017 11:06

Ra đảo Cồn Cỏ

TTH - Tôi đã vinh dự được cùng với các cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân đến huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) và Lý Sơn (Quảng Ngãi) vào một ngày gần Tết Đinh Dậu. Đã 5 tháng trôi qua, nhưng kỷ niệm của chuyến đi vẫn còn đọng mãi …

Trên boong tàu KN 363

Dù đã xác định tư tưởng, mục tiêu, nhiệm vụ của mình, nhưng chúng tôi ai cũng háo hức, hồi hộp, nhất là các phóng viên báo chí vùng Tây Nguyên. Và rồi, tiếng còi tàu mang số hiệu KN 363 cất lên xé tan màn đêm yên tĩnh, chúng tôi rời cảng Đà Nẵng để đến với cán bộ, chiến sĩ quân và dân hai huyện đảo. Chuyến đi lần này, tàu 363 không chỉ mang tết sớm đến với các đảo, mà còn kết hợp tuần tra trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Đêm đầu tiên trên tàu, tôi cũng như các đồng nghiệp khác không sao ngủ được. Vì chuyến hành trình diễn ra khi thời tiết không mấy thuận lợi. Biển động, từng con sóng lớn làm con tàu chao đảo. Nhiều đồng nghiệp đã say sóng. Một số phóng viên trước đó đã từng đi Trường Sa như Lê Huy (Đài Phát thanh – Truyền hình Thừa Thiên Huế), Quang Tiến (Báo Nhân dân)… cũng không thể vượt qua được những cơn say sóng. Ba phóng viên nữ duy nhất trong đoàn đến từ Báo Thanh Niên, Báo Đà Nẵng và Truyền hình Điện ảnh Quân đội cũng đều lắc lư, dù đã được bác sĩ trên tàu hướng dẫn và cho uống thuốc chống say.

Đại tá Huỳnh Trọng Thủy, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân an ủi: “Những ngày đầu chưa quen, các bạn mới bị say sóng. Quen rồi, các bạn sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn này”. Được động viên, anh em ai cũng chợt thấy yên lòng. Đúng như lời Đại tá Thủy, những ngày sau đó, nét mặt mọi người dân tươi trở lại. Nhiều phóng viên trong đó có tôi bước lên boong tàu, vào thẳng buồng lái để được phóng tầm mắt ra xa. Biển cả mênh mông và thật đẹp. Trong từng câu chuyện, mới hiểu được sự vất vả của các chiến sĩ trên tàu. Hầu hết họ xuất thân từ vùng biển miền Trung, “bén duyên” rồi được biên chế vào tàu KN 363. Có người quê Quảng Bình, đồng hương với tôi.

Theo kinh nghiệm của những cán bộ, chiến sĩ tàu KN 363: “Đi biển, thường phải chia ăn nhiều bữa. Sóng càng to, anh em phải ăn nhiều, nếu không sẽ không đủ sức để làm việc”. Đó là lý do vì sao ngoài ăn các bữa chính, cánh phóng viên chúng tôi bao giờ cũng được “ưu tiên” ăn thêm vào buổi tối. 21 giờ tối hàng đêm, tiếng chuông trên tàu vang lên, đánh thức chúng tôi dậy ăn tối. Khoang ăn ở tầng 3 của con tàu với đầy đủ bàn ghế, quạt máy, ti vi như một phòng ăn trên đất liền. Nhưng những đợt sóng xô đã làm mọi người khó để ngồi yên trên ghế. Có không ít lần tôi phải đứng lên, ngồi xuống ghế theo từng đợt sóng biển. Một số đồng nghiệp bỏ bữa vì không thể ngồi yên.

Cán bộ, chiến sĩ đưa hàng và giúp phóng viên xuống tàu cá vào đảo

Sau những ngày đêm lênh đênh trên biển, cuối cùng huyện đảo Cồn Cỏ cũng hiện ra trước mắt. Bầu trời âm u, mặt biển dậy sóng, cũng là lúc tàu KN 363 thả neo. Tiếng loa “Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu” vang vọng. Tôi và các đồng nghiệp bật dậy, xách máy quay phim, máy ảnh khẩn trương lên boong tàu để quay và chụp cảnh tàu cập bờ. Vì thời tiết không thuận lợi, thay vì hạ xuồng để đưa chúng tôi vào đảo, tàu KN 363 phải nhờ đến tàu cá của ngư dân. Được trang bị áo phao, từ tàu 363, chúng tôi lần lượt nghe khẩu lệnh để xuống tàu cá vào đảo. Những cánh tay của những cán bộ, chiến sĩ lần lượt đưa chúng tôi xuống tàu. Kiểm tra quân số đủ, tàu cá mới rẽ sóng thẳng tiến đến đảo Cồn Cỏ.

Hoạt động đầu tiên của đoàn  là vào dâng hoa, thắp hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đảo Cồn Cỏ - nơi ghi danh 103 Anh hùng liệt sĩ trên mọi miền đất nước đã hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Những món quà chứa chan niềm tin yêu từ đất liền được trao tận tay cán bộ, chiến sĩ, quân và dân trên đảo…

Sau bữa cơm chiều với cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ, chúng tôi tiếp tục lên tàu KN 363 xuyên đêm giữa biển khơi để đến với đảo Lý Sơn. Thuyền trưởng, Đại úy Trương Mạnh Dũng chia sẻ: “Tàu KN 363 có nhiệm vụ đặc biệt là tuần tra trên vùng biển, nhằm ngăn chặn sự xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam của các tàu, thuyền nước ngoài. Quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ trên tàu là góp phần  giữ vững bình yên biển, đảo”.

Gần 18 giờ, với quãng đường hơn 180 hải lý, tàu chúng tôi mới đến với cán bộ, chiến sĩ, quân và dân đảo Lý Sơn. Đặt chân lên đảo, tôi và nhiều phóng viên khác thực sự cảm động khi nghe câu chuyện tình đẹp giữa chị Mai Hương và Trung úy Lê Thành Chung, Đội ra đa 550. Càng về khuya, câu chuyện càng sôi nổi và tôi biết, không những vợ chồng anh Chung - chị Hương mà có không ít “cô dâu” của những người lính đảo là người ở đảo.

Chia tay với quân và dân huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn và cán bộ, chiến sĩ tàu KN 363, tôi và các đồng nghiệp luôn đặt niềm tin và lòng luôn nhủ rằng: “Các anh hãy vững tin. Ở trong kia, đất liền vẫn luôn hướng về các anh”.

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ghi ở đảo Cồn Cỏ

Trên hòn đảo anh hùng Cồn Cỏ, những chiến sĩ hải quân Vùng 3 đang ngày đêm giữ cho ngọn hải đăng không bao giờ tắt, khẳng định cột mốc chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Ghi ở đảo Cồn Cỏ
Đoàn công tác của tỉnh thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn

Ngày 5/1, Đoàn công tác tỉnh Thừa Thiên Huế, do ông Đặng Phước Bình, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cử làm trưởng đoàn, có mặt tại Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân (TP. Đà Nẵng) để cùng Đoàn công tác của Vùng thăm, chúc tết, động viên cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân đang sinh sống, công tác tại 2 huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) và Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi).

Đoàn công tác của tỉnh thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn
Return to top