ClockThứ Bảy, 30/01/2016 06:08

Ra ngõ gặp hàng Trung Quốc

TTH - Tết Nguyên đán Bính Thân đang cận kề, song người tiêu dùng đang hoang mang lo lắng không biết lựa chọn các loại hàng hóa như thế nào khi nhiều sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc không có nhãn mác được các hộ kinh doanh “đội lốt” hàng “made in Việt Nam” xuất hiện tràn lan.

Tốt - xấu lẫn lộn

Không chỉ có trái cây, rau củ quả, thực phẩm mà nhiều mặt hàng thông dụng như áo quần, giày dép, chăn, đồ gia dụng, dụng cụ học tập, đồ chơi trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc xuất hiện tràn lan tại các chợ truyền thống và cửa hàng bán lẻ khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.

Số lượng hàng Trung Quốc không có hóa đơn chứng từ bị lực lượng QLTT tịch thu ngày càng nhiều

Tại Shop áo quần nằm trên đường Phan Bội Châu, trong số các sản phẩm nhập về từ Hàn Quốc, Đài Loan và hàng “made in Việt Nam” thì đến 60% là hàng do TQ sản xuất. Chị Trà My, chủ shop cho biết: “Áo quần Trung Quốc có nhiều loại chứ không thể đánh đồng như nhau. Hàng bán ở đây là hàng chính hãng do các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc sản xuất, shop phải đặt hàng qua mạng và có giá khá cao, từ 300 nghìn đồng đến 3 triệu đồng/sản phẩm chứ không phải hàng nhập lậu thông qua các cửa khẩu với giá vài chục ngàn”.

Theo lời chị My, tôi đến chợ Tây Lộc và tha hồ nhìn ngắm hàng trăm sản phẩm “Made in China” có mẫu mã đẹp, nhưng giá “rẻ như bèo”. Chăn nhung, một trong những sản phẩm thông dụng mà gia đình nào cũng cần đến, song dường như đến 99% là hàng TQ với đủ loại mẫu mã, giày mỏng và giá cả cũng tùy thuộc vào chất lượng. Tiếp đến là áo quần, túi xách, giày dép và đồ lót, tất cả đều có các hàng chữ “tàu”, song không hề có tên nhà sản xuất. Các sản phẩm này có mẫu mã đẹp, song giá rẻ, chỉ dao động từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/sản phẩm, thấp hơn hàng do các DN trong nước sản xuất từ 5-30% nên nhiều khách hàng lựa chọn. “Ra chợ bây giờ gặp toàn đồ Trung Quốc, nhưng do giá rẻ, mẫu mã đẹp nên nhà nhà sắm, người người đổ xô lựa chọn. Mà người dân chỉ biết quan sát bằng mắt, còn chất lượng và xuất xứ thì mấy ai để ý”, chị Thùy Dương nói.

Chị Nguyễn Thị Thúy, kinh doanh ngành hàng áo quần chợ Tây Lộc lý giải: “Chị em ngồi ở đây cả ngày, không có thời gian đi lấy hàng nên các đại lý bỏ hàng gì, bán hàng đó, miễn sao thu hút khách là được.”

Tại chợ đầu mối Phú Hậu, mới hơn 3h sáng, hàng loạt xe trái cây ùn ùn đổ về bãi tập kết. Dưới ánh điện, hàng trăm tư thương ở khắp nơi trong tỉnh đổ về lấy hàng theo mối. Nếu là hàng trong nước người mua có quyền lựa chọn và trả giá; còn trái cây nhập từ TQ như lựu, lê, táo, hồng, nho… chỉ việc bốc thùng và trả tiền cho chủ vì chúng được đóng và dán kỹ. Chị Hoàng Thị Nhi, kinh doanh trái cây ở chợ gần 20 năm cho biết: “Hàng trái cây TQ về rất nhiều, mỗi đêm cũng vài xe tải lớn từ các tỉnh Lạng Sơn, TP Hà Nội ghé xả hàng xong rồi đi tiếp các tỉnh miền Trung. So với trái cây nội thì trái cây TQ tiêu thụ khá mạnh, những ngày giáp tết số lượng tăng lên gấp đôi, có khi gấp 3 lần”.

Trợ lực cho hàng Việt

 Qua tìm hiểu, hàng hóa xuất xứ TQ có mặt ở thị trường Việt Nam theo hai hình thức, đó là nhập khẩu theo đường chính ngạch có hóa đơn chứng từ, nhãn mác ghi tên nhà sản xuất, các sản phẩm này được phép tiêu thụ trên thị trường. Còn các sản phẩm không có hóa đơn chứng từ, nhãn mác và tên nhà sản xuất chủ yếu là hàng nhập lậu, không được phép lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, một thực tế là lâu nay do người tiêu dùng ít ai quan tâm đến nhãn mác hay nguồn gốc xuất xứ, mà chỉ chú trọng đến mẫu mã, giá cả để chọn hàng nên hàng hóa do các DN Trung Quốc sản xuất càng có “đất sống” ngay trên sân nhà.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, ông Dương Đắc Hoan cho biết: “Do nhận thức cũng như mốt chuộng “hàng đẹp, giá rẻ” của đại bộ phận người dân nên các đối tượng kinh doanh và vận chuyển hàng nhập lậu vẫn ngang nhiên hoạt động. Thời gian qua, lực lượng QLTT tăng cường phối hợp với các ban ngành chức năng kiểm tra kiểm soát và tịch thu nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ. Từ nay đến Tết Nguyên đán 2016, chi cục chỉ đạo các đội QLTT đóng tại các huyện, thị xã và TP Huế tích cực kiểm tra các điểm đổ hàng tập kết, chợ, siêu thị theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389/TTH; tịch thu tất cả các mặt hàng lậu không có hóa đơn chứng từ minh chứng nguồn gốc xuất xứ”.

Ông Nguyễn Thanh, TUV, Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, sở triển khai nhiều giải pháp phát triển hàng Việt, trong đó hỗ trợ vốn cho các DN và cơ sở sản xuất đầu tư trang thiết máy móc hiện đại để sản xuất sản phẩm mới, giá thành thấp và tổ chức các khóa đào tạo nghề, tập huấn cải tiến mẫu mã cho các cơ sở làng nghề trên địa bàn tỉnh thông qua các nguồn vốn khuyến công và khôi phục nghề truyền thống. Mặt khác, tăng cường tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn và các vùng sâu vùng xa để người dân có nhiều lựa chọn và hạn chế sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng Trung Quốc nhằm chung tay thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị”.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top