ClockThứ Tư, 30/11/2016 13:41

Rạp phim Nhà nước khó cạnh tranh

TTH - Trang thiết bị lỗi thời, rạp chiếu phim Đông Ba - rạp phim Nhà nước còn lại ở Huế đang gặp nhiều khó khăn, phải hoạt động cầm chừng.

Hồi ức đẹp

Trong ký ức của ông Nguyễn Lương Tuấn, một người Huế xa quê, rạp chiếu phim vào thập niên 60-70 thế kỷ trước chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của ông và những người cùng thế hệ. Ông kể: “Hồi ấy, phong trào xem xi-nê rất sôi nổi. Thành phố Huế nhỏ, dân ghiền xi-nê có thể nhớ mặt nhau. Thích nhất là chiều thứ bảy hay chủ nhật đứng chờ đến xuất vào xem, trai thanh, gái lịch tha hồ, ngắm người mình thích, ngưỡng mộ. Khi vào mua vé, người ta phát cho một tờ tóm lược chương trình chiếu phim, giới thiệu các diễn viên, sơ lược cốt chuyện... rất thú vị. Các tờ giới thiệu đủ màu sắc, tôi xem phim xong cất thành bộ sưu tập rất đẹp”.

Cảnh khán giả xếp hàng chờ mua vé như thế này là niềm ao ước của rạp Đông Ba (tại rạp Lotte Cinema)

Với thế hệ ông Phạm Hữu Thu, Chi hội trưởng Điện ảnh Việt Nam tại Huế, ngoài sách báo, được đến các rạp chiếu bóng xem phim hầu như là niềm mong ước của hầu hết thanh, thiếu niên. Nhờ thế mà những bộ phim lừng danh của thế giới, những vai diễn xuất sắc của tài tử thời đó còn ấn tượng trong ông cho đến tận bây giờ. “Thời đó, Huế có 4 rạp: Hưng Đạo, Tân Tân (nay là rạp Đông Ba), Châu Tinh và Lido (Hoàn Mỹ). Mặc dù một ngày chiếu nhiều suất nhưng mỗi khi có phim hay, nếu không mua vé “chợ đen” thì phải chen, phải lấn. Chưa biết hay, dở thế nào nhưng qua nét vẽ hào hoa của các họa sĩ ở tấm bảng quảng cáo đã thấy hào hứng”, ông Thu nhớ lại.

Thế nhưng đến nay, chỉ có rạp Đông Ba là vẫn còn hoạt động, các rạp khác thì đóng cửa hoặc chuyển đổi sang lĩnh vực khác (như rạp Hoàn Mỹ đóng cửa, rạp Gia Hội cho thuê mở nhà hàng kinh doanh đám cưới, rạp Hưng Đạo trở thành nhà văn hóa thành phố). Dạo về Huế, ông Nguyễn Lương Tuấn ngồi uống cà phê với bạn ở đường Chi Lăng, nhìn rạp Hoàn Mỹ nay tồi tàn, xập xệ mà ngậm ngùi, nhớ tiếc. Nhưng đó là sự tiếc nuối, hoài niệm về một thời vàng son của rạp, chứ ai nấy đều hiểu sự đóng cửa này là tất yếu.

Hoạt động cầm chừng

Bây giờ, rạp Đông Ba cũng đang hoạt động cầm chừng. Chuyện rạp cũ, cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị máy móc lạc hậu không phù hợp chiếu phim hiện đại và thiếu nguồn phim, kéo theo khán giả ngày một thờ ơ không còn là chuyện mới. Nhất là khi rạp Lotte Cinema ra đời với hệ thống phòng chiếu hiện đại cùng những bộ phim “bom tấn” chiếm áp đảo thị phần khán giả. Trong khi doanh thu hàng năm của Lotte Cinema lên đến hàng chục tỷ đồng thì rạp Đông Ba chỉ thu được vài trăm triệu đồng.

Ông Hồ Xuân Đài, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Thừa Thiên Huế cho biết: “Năm 2013 trở về trước, khi còn chiếu phim nhựa và chưa có rạp Lotte Cinema ở siêu thị Big C, tình hình kinh doanh của rạp Đông Ba rất khả quan. Tuy nhiên, sau 2013, khi các nhà sản xuất trong nước và thế giới không sản xuất phim nhựa nữa mà chuyển sang kỹ thuật số, trong khi công nghệ máy chiếu phim HD của rạp đã quá lỗi thời nên nguồn phim khan hiếm, không kịp thời thỏa mãn nhu cầu của khán giả, số lượng người xem giảm đến 50%”.

Năm 2015, rạp Đông Ba được đầu tư 1 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo, nhưng chưa khởi sắc. Vừa qua, tỉnh phê duyệt đề án đầu tư mới một máy chiếu phim kỹ thuật số với kinh phí 2,5 tỷ đồng, song đến nay vẫn chưa được bố trí vốn. Vì không có máy chiếu hiện đại, không chiếu được các phim mới, nên không thu hút được khán giả. Mà không có khán giả thì không có nguồn thu để cải tạo cơ sở vật chất. Đó là vòng luẩn quẩn mà rạp Đông Ba đang gặp phải. Cũng theo ông Đài, năm 2009, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án xây dựng Trung tâm giải trí điện ảnh tại 25 Hai Bà Trưng. Ngoài 3-4 phòng chiếu phim hiện đại, trung tâm còn có các dịch vụ văn hóa kèm theo. Song do nhiều khó khăn, dự án vẫn chưa được triển khai.

Cần sự thay đổi

Liệu sau khi được đầu tư máy chiếu phim kỹ thuật số, rạp Đông Ba có tấp nập khán giả? Đặt câu hỏi này với Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng, Giám đốc Hồ Xuân Đài tự tin: “Cho dù phương tiện truyền thông giải trí bùng nổ nhưng xem phim ở rạp vẫn là sinh hoạt văn hóa cộng đồng được khán giả yêu thích. Tôi tin, nếu sớm được đầu tư mua máy chiếu phim kỹ thuật số, những bộ phim bom tấn đáp ứng thị hiếu khán giả, chúng tôi sẽ khai thác tốt, đem lại nguồn thu, đồng thời phục vụ các sự kiện chính trị”. Tuy nhiên, theo chúng tôi, đó mới chỉ là ý kiến chủ quan của ông giám đốc. Còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn rạp có khán giả.

Nhiều ý kiến cho rằng, rạp Đông Ba cần chủ động kêu gọi các nhà đầu tư nhằm thay đổi tình trạng “xập xệ” hiện nay, song song việc được Nhà nước xem xét hỗ trợ; đồng thời, đổi mới tư duy để bắt kịp xu thế thị trường. Cùng với những lợi thế: gần trung tâm, có thương hiệu từ lâu và giá vé mềm, để cạnh tranh với rạp phim tư nhân, rạp Đông Ba cũng cần được trang bị hạ tầng khang trang, phòng chiếu hiện đại, không gian vui chơi giải trí, cách thức quảng bá, phục vụ cũng phải chuyên nghiệp.

Kinh nghiệm thành công của các rạp chiếu phim cho thấy, sự khôn khéo trong việc đánh vào tâm lý của người xem, như: nhà vệ sinh sạch sẽ, không gian đẹp… cũng là những yếu tố mà rạp Nhà nước như Đông Ba cần phải lưu tâm.

Ông Phạm Hữu Thu cho rằng: “Để rạp Nhà nước có thể cạnh tranh với rạp tư nhân, đội ngũ làm công ăn lương phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. Trước hết, họ phải xem khán giả là thượng đế, xét cho cùng chiếu phim thuộc về lĩnh vực dịch vụ văn hóa, giải trí. Cụ thể là nhân viên của rạp từ người bán vé, kiểm soát vé đến người hướng dẫn ở trong rạp phải nhã nhặn, chu đáo và tận tình. Đội ngũ quản lý, khai thác phải năng nổ, niềm nở khi giao dịch. Mỗi khi có phim mới, ngoài quảng bá thông qua trang web, phải tranh thủ giới thiệu, thậm chí tổ chức giao lưu trực tuyến để nắm bắt nhu cầu, đo độ hài lòng của khán giả…”.

Điều quan trọng nữa là phải tạo được cho công chúng văn hóa xem phim, thưởng thức phim. Đây không còn là vấn đề của các rạp mà vấn đề là chính sách Nhà nước nâng cao dân trí về điện ảnh. Một ý kiến đề xuất: “Trong trường phổ thông dạy học sinh về văn học, hội họa, âm nhạc nhưng chưa hề dạy điện ảnh. Giáo dục cộng đồng là một việc làm tốt để tạo nền tảng xã hội giúp cho các rạp chiếu phim tồn tại”.

Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi chợ Đông Ba có cả tên đường

Chợ Đông Ba đã có một bước tiến chưa từng có trong lịch sử hơn 120 năm của mình với việc lần đầu tiên có tên đường.

Khi chợ Đông Ba có cả tên đường
An ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ ở chợ Đông Ba: Mô hình cần được nhân rộng

Nhờ thường xuyên chú trọng và luôn đổi mới cách làm, nên tình hình an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ (ANTT, PCCN) ở chợ Đông Ba luôn được đảm bảo. Nhiều vụ việc liên quan đến ANTT, trộm cắp tại chợ đã được ngăn chặn kịp thời. ANTT, PCCN ở chợ Đông Ba là mô hình hay cần nhân rộng ra các chợ truyền thống khác trên địa bàn toàn tỉnh.

An ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ ở chợ Đông Ba Mô hình cần được nhân rộng
Giá vé máy bay tăng, doanh nghiệp lo khó làm tour nội địa

Nhiều doanh nghiệp lữ hành đang lo ngại về thị trường tour nội địa, khi trần giá vé máy bay nội địa điều chỉnh tăng từ ngày 1/3/2024. Nỗi lo lớn nhất là lượng khách nội địa sẽ sụt giảm khi sắp vào mùa du lịch và doanh nghiệp cũng dè dặt hơn trong việc “ôm” vé giá rẻ như mọi năm.

Giá vé máy bay tăng, doanh nghiệp lo khó làm tour nội địa
Trồng lúa hữu cơ dễ mà khó

Trên lý thuyết thì trồng lúa hữu cơ (LHC) nghe có vẻ dễ, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn thì muôn vàn khó khăn.

Trồng lúa hữu cơ dễ mà khó
Return to top