ClockThứ Hai, 11/11/2019 05:30

Rà soát chuẩn đầu ra phù hợp với doanh nghiệp

TTH - Trong khi đầu ra ngoại ngữ chưa đáp ứng tốt nhu cầu nhà tuyển dụng thì các kỹ năng mềm vẫn đang còn thiếu quy định chuẩn đầu ra. Rà soát, xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp với doanh nghiệp (DN) là yêu cầu cần được các trường nhanh chóng tìm giải pháp.

Nghề nghiệp cho sinh viên: Chú trọng từ kỹ năng mềmTrường ĐH Khoa học đón 630 tân sinh viên khai giảng năm học mớiGần 1.700 chỉ tiêu tuyển dụng việc làm cho sinh viên

Ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên cần được đào tạo nhiều kỹ năng

Chưa đạt yêu cầu

Vấn đề sinh viên (SV) hạn chế về khả năng ngoại ngữ, kỹ năng đã được nhắc đến từ lâu nhưng đến hiện tại, DN vẫn lắc đầu với không ít SV mới ra trường. Trong một lần nói chuyện với SV, anh Trương Thanh Hùng, đồng sáng lập/CEO của FiNNO Group, Cố vấn chiến lược Công ty Dịch vụ & Công nghệ HomePlus chỉ ra, ngoài một số hạn chế về ngoại ngữ, đến viết một email chỉn chu, nhiều SV ra trường vẫn còn thiếu kỹ năng.

Vấn đề trên đặt ra câu hỏi về chuẩn đầu ra. PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế thừa nhận, chuẩn đầu ra ngành nghề các trường đã làm được nhưng về kỹ năng mềm, ngoại ngữ vẫn còn trăn trở. Đối với ngoại ngữ, dù đã áp dụng chuẩn B1 nhưng trên thực tế mới chỉ giao tiếp cơ bản, chưa đáp ứng được yêu cầu DN cần, nhất là tiếng Anh chuyên ngành. “Vừa qua, một trường ĐH tại Hà Nội tổ chức hội nghị với DN và cựu SV, có thông tin tiếng Anh IELTS 5.0 mà DN vẫn chê. Điều này cho thấy áp lực từ DN rất lớn, trong khi tâm lý SV càng dễ lại càng thích”, PGS.TS. Huỳnh Văn Chương nêu thực tế.

ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ, phụ trách ngoại ngữ không chuyên ĐH Huế cho biết, xuất phát điểm của SV về ngoại ngữ thấp, nhiều trường hợp ngang trình độ A0 (phải đào tạo lại từ đầu). Mặc dù ĐH Huế và các trường nỗ lực trong việc đào tạo ngoại ngữ cho SV, nhưng thời lượng đào tạo ít và đầu vào không cao nên rất khó. Nhiều em đạt điểm để vượt qua B1, nhưng không ít trường hợp chỉ đạt mức tối thiểu, nhất là hai kỹ năng nghe - nói.

Theo PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế, dù là một trong những đơn vị sớm đưa kỹ năng mềm vào đào tạo nhưng đến nay vẫn chưa có chuẩn đầu ra về kỹ năng.

“Tụi em học và chỉ có các bài kiểm tra về các môn học, quy định đầu ra chuyên môn, ngoại ngữ, thể chất, quốc phòng an ninh… thì có, nhưng chưa có quy định nào bắt buộc không thuyết trình tốt, giao tiếp tốt hay kỹ năng khác không đạt là không được tốt nghiệp”, Gia Huy, SV ĐH Huế kể.

Lãnh đạo ĐH Huế thừa nhận, DN phàn nàn về kỹ năng của SV là thực tế chung. Tại các trường, vẫn có một số SV có kỹ năng tốt nhưng nếu xét đại trà cho hàng chục ngàn SV toàn ĐH Huế thì vẫn chưa chuẩn về kỹ năng.

Rà soát chuẩn đầu ra

Chuẩn đầu ra được xem là tiêu chí “gác cổng” để đo lường khả năng, trình độ chuyên môn, kiến thức, kỹ năng của SV đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng. Khi DN chưa hài lòng, tất yếu cơ sở đào tạo phải rà soát, có giải pháp hợp lý.

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương khẳng định, cần nhanh chóng tìm giải pháp cho vấn đề này và đơn vị giáo dục cùng người học đều cần có trách nhiệm. Theo ông Chương, đối với ngoại ngữ, ĐH Huế phải nâng lên một tầm, từ cơ bản phải tiếp tục hỗ trợ SV để có tiếng Anh chuyên ngành. Đặc biệt, phải gắn một môn tiếng Anh chuyên ngành vào từng chương trình học. Đồng thời, nên giải quyết phần tiếng Anh cơ bản trong 1 – 2 năm đầu, không để kéo dài như hiện nay là đến năm thứ 4, thậm chí hoàn thành chương trình học vẫn còn nợ ngoại ngữ.

Theo lãnh đạo ĐH Huế, ý thức học ngoại ngữ của SV chưa tốt là nguyên nhân tác động không nhỏ. Nhiều trường hợp chỉ suy nghĩ làm sao để qua môn, mà không tìm giải pháp để học tốt ngoại ngữ. Vì vậy, cần tạo áp lực mạnh cho SV bằng cách tăng chỉ tiêu thi đua, đưa điều kiện, yêu cầu của DN để các em thấy được tầm quan trọng của ngoại ngữ, nhất là những thông tin thực tế như phải có ngoại ngữ mới dễ dàng tiếp cận công việc, môi trường làm việc tốt, công việc cho thu nhập cao… nhằm tác động vào tâm lý SV.

Trong đào tạo kỹ năng, các trường cũng phải soát xét lại những kỹ năng cần thiết, bao gồm cả nhóm kỹ năng chung (giao tiếp, làm việc nhóm, xử lý tình huống…) và những kỹ năng liên quan trực tiếp chuyên ngành, công việc của từng ngành học. Đại diện Khoa Chăn nuôi – Thú y, Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế cho rằng, có thể phối hợp với DN để đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra cho SV, bởi DN hiểu rất rõ về những yêu cầu của từng công việc.

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương cho biết, tháng 11 tới, ĐH Huế sẽ có hội thảo rà soát lại chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học, kỹ năng cho SV. Đó là nhiệm vụ rất cần thiết, tuy nhiên để hiệu quả, cần bàn sâu và chú trọng đến giải pháp, tính toán ngay đến việc xây dựng lại chuẩn đầu ra phù hợp với DN. Các trường cũng cần "ngồi lại" với DN để thảo luận, qua đó thống nhất về việc xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững

Ngày 15/3, UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp... liên quan trên địa bàn tổ chức hội nghị "Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm bền vững".

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai

Sáng 14/3, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức hội thảo phổ biến hướng dẫn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Nghị định 80/2021/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn thi hành.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai
Những sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp

Đam mê công việc, gắn bó trực tiếp với sản xuất, nhiều người lao động đã cho ra đời những sáng kiến mang lại giá trị thực cho đơn vị, doanh nghiệp (DN).

Những sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp
Cần mục tiêu cụ thể để giảm lượng khí thải từ hoạt động bay của doanh nghiệp

Tạp chí Bloomberg ngày 12/3 trích dẫn một báo cáo mới từ tổ chức phi lợi nhuận Giao thông & Môi trường (T&E) cho hay, hầu hết các doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới đều không đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng, nhằm làm giảm lượng khí thải từ hoạt động bay của các nhân viên trong doanh nghiệp.

Cần mục tiêu cụ thể để giảm lượng khí thải từ hoạt động bay của doanh nghiệp

TIN MỚI

Return to top