ClockThứ Năm, 05/12/2013 05:17

Rạng danh tiếng trống o Thương

TTH - Tôi đi tìm “o Thương trống” mà trong lòng có cảm giác như một đứa con đi xa lâu ngày trở về với mẹ để được nghe mẹ kể chuyện đời, chuyện nghề. Nét duyên của những chiếc trống đại nằm ngăn nắp trong “phòng trưng bày”cùng với hình ảnh cần mẫn, tỉ mỉ của một người con gái gốc gác làng vật Thủ Lễ, càng thức tỉnh trí tò mò trong tôi muốn tìm hiểu về người phụ nữ mà đôi lúc đấng nam nhi “sành điệu” trong nghề trống phải thốt lên những lời thán phục.
 
Buồn vui cùng nghề
 
Dành trọn cuộc đời cho những chiếc trống, đến nay, o Thương vẫn sống tâm huyết với nghề. Hơn 40 năm gầy dựng, dù không bảng hiệu rộn ràng, thế nhưng qua truyền miệng, mọi người vẫn biết và tìm đến với thương hiệu trống này. Nghỉ tay bào mấy tấm da trâu làm mặt trống, o Thương tâm sự: “Nghề làm trống là nghề gia truyền của mấy đời gia đình tui. Nghề này do mẹ tui truyền lại. Mẹ mất nên chỉ còn lại mình tui làm nghề trống, mấy người hay nói rằng tui là người phụ nữ duy nhất ở Huế làm trống là rứa đó. Dù làm trống, thu nhập kiếm thêm chỉ vừa đủ để trang trải cuộc sống gia đình, thế nhưng tui vẫn thấy vui, cố bám trụ để giữ nghề cho mấy đứa con sau này”.
 
Trống o Thương làm được rất nhiều người trong Nam và ngoài Bắc đặt mua
 
Để làm ra được một cái trống dù to hay nhỏ cũng đều mất nhiều thời gian và trải qua những công đoạn cầu kì. Trống hay không chỉ nhờ người gõ mà trước hết là do người làm. Việc chọn da là công đoạn quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng cũng như âm thanh của trống, da làm trống phải là da trâu còn tươi, đẹp, được đem phơi ngay sau khi mổ, da không được ươn, không được dầm qua hóa chất vì nếu da ươn thì tiếng trống sẽ không hay; làm trống người ta ít chọn da bò, vì da bò không bền, căng giãn nhiều lần thì âm thanh  chiếc trống làm ra sẽ không hay và trống mau thủng. Đặc biệt hơn, âm thanh của trống cũng phụ thuộc vào độ dày mỏng của da. Do vậy, tùy theo nhu cầu của khách hàng sử dụng trống mà người thợ sẽ khéo léo làm ra những chiếc trống mang những âm thanh phù hợp khác nhau. Cách làm thân trống cũng khá phức tạp, các mảng gỗ mít được bào mỏng theo hình vòm cung với độ dày mỏng của tang trống phải phù hợp với mỗi loại trống đại, trung, tiểu. Sau đó, người thợ sẽ đem trống đi trội rồi đem đi đóng đinh. O Thương cho biết, trống của gia đình o phần lớn được khách hàng đặt làm để sử dụng trong các ngày lễ lớn. Việc làm trống lân là dễ nhất vì chỉ đánh một mùa, tiếp theo là trống lễ, trống hội, trống làng và trống Nhã Nhạc. Khó làm nhất là trống chiến. Bởi lẽ, người nhạc công cần đến những mặt trống mỏng, phát ra âm thanh như mong muốn: Khi đánh vào thân trống sẽ phát ra tiếng c’rắc; đánh vào tang trống phát ra tiếng t’rang tang và phát ra tiếng t’ròn tòn khi đánh vào giữa trống.
 
Đang “hứng khởi” kể cho tôi nghe những bí quyết để làm nên thương hiệu trống, o Thương lại buột miệng thổ lộ: “Học nghề làm trống khổ cực lắm. Lúc nhỏ tui thường phụ giúp cha mẹ làm những công việc lặt vặt khi làm trống. Thế rồi niềm đam mê tiếng trống da trâu đã gắn cuộc đời tui với cái nghiệp làm trống từ lúc nào không hay. “Ban đầu ba mạ tui không cho tui nối nghiệp làm trống mô, công việc nặng nhọc, mình là phận gái chân yếu tay mềm mà chú. Nhưng tui cương quyết học cho bằng được, đến năm 25 tuổi, khi thuần thục công đoạn khó nhất là bào da trâu thì tui chính thức bước vào nghề và gìn giữ nghề gia truyền cho đến bây giờ”. Theo o Thương, “Nghề mô cũng phải có cái tâm cả. Có khi mình làm năm ni nhưng hai ba năm sau mới bán được trống”.
 
Mong cháu con giữ nghề
 
Mang tiếng nhà ở mặt tiền đường Lê Thánh Tôn nhưng khi vào nhà o Thương tôi mới thật sự bỡ ngỡ. Có cảm giác “kho trống” của nhà o như cơ thể có phần “thiếu máu” kéo dài. O Thương cười buồn, thú nhận: “Chục năm trước thì không đến nỗi chi. Nhưng dạo ni, trống ngoài Bắc vô nhiều quá nên bị ảnh hưởng”.
 
Dẫn tôi vào nhà xem mấy cái trống phần lớn đang làm dở, o Thương nói tiếp: “Hằng năm, trống bán được đắt nhất là mùa Trung thu. Còn lại chỉ làm lai rai, sửa chữa mấy cái trống kinh (trống dùng trong chùa), trống đại (trống dùng trong các dịp lễ tế của các nhà thờ họ, trống làng)... nên cũng chỉ đủ cơm cháo qua ngày”.
 
Để giữ được nghề làm trống đứng vững như ngày hôm nay, trong câu chuyện o kể với chúng tôi, hình ảnh người ba yêu quý của o là nghệ nhân Hồ Khách - quê gốc ở làng Thủ Lễ, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền có tầm ảnh hưởng quan trọng, o Thương giãi bày: “Đôi lúc cả tháng không ai tới mua trống cũng buồn nhưng phải quyết tâm giữ nghề. Ba tui học nghề trống từ ông nội tui. Thời ông nội răng, tui không rõ. Chỉ biết hồi đó người trong nghề không ai không biết ba tui. Ông làm được tất cả các loại trống, từ trống kinh, trống chiến (dùng cho nhã nhạc cung đình), trống đại, trống hội (như trống phục vụ Trung thu, đua ghe...).
 

O Thương khoe: “Hồi nớ ba tui quanh năm sống trong nội (Đại Nội). Bởi ngoài nghề bịt trống nổi tiếng, nghệ nhân Hồ Khách còn là nhạc công trong đội nhạc của bà Từ Cung. Mẹ o Thương là vợ hai của nghệ nhân Hồ Khách chỉ sinh một cô con gái là o. Năm 1969, ông mất, nghề làm trống của ông có nguy cơ bị thất truyền. Vì cái nghĩa vợ chồng, mẹ o quyết giữ lại nghề trống. Từ đó, mẹ o cặm cụi làm và dạy thêm cho con gái. “Mạ tui làm trống vừa là kế sinh nhai, vừa là để giữ nghề của chồng”.

 

Theo nhạc sĩ, NSƯT Trần Đại Dũng - Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế - hiện ở Huế chỉ còn mỗi o Thương là người làm được trống chiến với các tiêu chuẩn trên. “Sau nhiều lần khảo cứu, chúng tôi đã nhờ o phục chế một số loại trống dùng trong tế đàn Nam Giao, Xã Tắc... Những chiếc trống sau khi được bà phục chế được các nhà chuyên môn đánh giá rất cao” - ông Dũng nói.

 

Năm 2008, o Thương được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế mời phục chế trống treo ở Lầu Ngũ Phụng trong Đại Nội. Bà tự hào: “Đàn bà mấy ai được mời vô trong nội làm việc như tui? Thêm nữa, ba tui ngày xưa làm trong nội, con tui hiện cũng làm trong nội. Nghe thì nghe rứa, nhưng phải đến gần 60 tuổi, tui mới được biết trong nội là răng”.

Ông Dũng nhận định có chút lo lắng: “Bà Hồ Thị Thương dù không thuộc thế hệ những nhạc công sống trong cung đình, nhưng là người được truyền những bí kíp của nghề làm trống từ chính cha mình - một nghệ nhân nổi tiếng có liên quan đến cung đình. Điều chúng tôi lo lắng nhất là nếu sau này bà không thể làm nghề được thì những thế hệ sau có thẩm thấu hết kỹ năng nghề nghiệp bà để lại hay không...?”. 

Hồ Ngọc Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làm việc thiện, lan tỏa yêu thương

Ngạc nhiên khi Nguyễn Thị Nhi, sinh năm 1991, nghĩa là chỉ mới ngoài 30 tuổi nhưng đã có hơn 10 năm làm từ thiện. Chị đã được Hội LHPN tỉnh tuyên dương là 1 trong 10 phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng năm 2023.

Làm việc thiện, lan tỏa yêu thương
NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐỔ XÔ RÚT BẢO HIỂM MỘT LẦN VÌ DỰ ÁN LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI SỬA ĐỔI:
Cần truyền thông sâu rộng

Thông tin từ Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi liên quan đến 2 phương án rút BHXH một lần thời gian qua khiến nhiều người lao động (NLĐ) hoang mang và đổ xô nghỉ việc để rút BHXH một lần, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Cần truyền thông sâu rộng
Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Return to top