ClockChủ Nhật, 06/10/2019 07:53

Rẫy làng không còn hoang vu

TTH - Hơn 20 năm trước, địa danh người dân thường gọi là Rẫy Làng (thôn Khe Su, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc) chẳng ai biết đến. Ấy thế mà từ cuộc “di cư” của người Mường năm nào, Rẫy Làng bây giờ thay da đổi thịt, gắn với cuộc đời của những con người có gốc gác ở một tỉnh phía Bắc xa xôi.

Truyền lại cái nghề của tổ tôngNhững lão nông làng La Khê TrẹmMùa mưa lên “rậy”

Những ngôi nhà của cộng đồng người Mường ở phía dưới chân đồi

Đi tìm nguồn sống

Bà Đinh Thị Toàn muốn kể điều gì đó sau khi cho chúng tôi xem bộ trang phục truyền thống của người Mường được cất giữ cẩn thận. Mắt bà ngấn lệ, ánh nhìn xa xăm, đồ như chẳng muốn giãi bày. Bà buồn! Sự buồn có nguyên do. Gốc gác là người dân tộc thiểu số nhưng đề cập đến những nét văn hóa của dân tộc mình, bà chỉ có bộ trang phục truyền thống để đối chứng và lời nói nặng trịch: “Trong hơn mấy chục người Mường ở đây, chỉ còn tôi có bộ trang phục này. Và, cũng chỉ sử dụng khi hội họp hay lễ hội để người khác biết mình là người Mường”.

Rẫy Làng có nơi lọt thỏm giữa thung lũng, có nơi chênh vênh bên sườn đồi với màu xanh bạt ngàn của rừng cây, tiếng nước róc rách từ khe suối. Ý niệm về vùng đất này của tôi hơn 20 năm trước là nơi “sơn thâm cùng cốc”. Hồi ấy, cộng đồng người Mường với vài chóp lều sống biệt lập, đó là những lâm dân theo bước mưu sinh, đến vùng đất này rồi định mệnh không thể rời xa. Bà Toàn hướng ánh mắt về phía chồng mình, ông Hà Xuân Lâm (sinh năm 1960), hiện là Phó thôn trưởng thôn Khe Su và đá câu chuyện về phía ông cho tôi tỏ tường. “Tôi vốn là phu trầm, nói thẳng ra là "lâm tặc" đi cưa gỗ thuê cho các chủ rừng ở tận Phúc Khánh – Yên Lập – Phú Thọ. Vì cái tình tôi lưu lạc đến đây định cư, lập nghiệp”, ông Lâm thẳng thắn chẳng chờ dò hỏi.

Ngược nguồn hồi ức của ông Lâm về khoảng hơn 25 năm trước, tại bản người Mường ở vùng quê huyện Yên Lập xa xôi, có một nhóm phu trầm hàng ngày lui tới. Họ xin cơm ăn, nước uống sau những ngày mưu sinh mệt nhọc. Dần dà thành quen, một số cư dân bản Mường, trong đó có ông Lâm theo nhóm phu trầm này lang bạt khắp nơi tập tành “làm ăn”. Rồi ông Lâm cùng nhóm người nọ in dấu chân dưới chân núi Bạch Mã, cách quê hương gần cả ngàn cây số. “Vì tôi sợ… chết nên đến bây giờ vẫn còn định cư ở đây”, ông Lâm nói. “Đời phu trầm nay đây mai đó, lùng sục khắp các cánh rừng vùng biên giới để tìm cái ăn. Năm 1995, nhóm phu trầm của chúng tôi đặt chân đến Bạch Mã và dự định đi một chuyến vượt biên sang đất bạn Lào để tìm trầm. Tuy nhiên, vì nghe quá nhiều người đã bỏ mạng từ những cuộc đi như vậy nên tôi và anh Đinh Văn Giáp (cũng dân tộc Mường) quyết định không đi. Ở lại và lập nghiệp ngay tại vùng đất đang sinh sống hiện nay”, ông Lâm kể ngọn nguồn câu chuyện.

Ông Hà Xuân Lâm phát triển kinh tế bằng cách trồng trọt và chăn nuôi

Hai năm sau ngày quyết định lấy Bạch Mã sơn làm nhà, ông Lâm, ông Giáp trở lại quê dắt díu vợ con vào sinh sống. Những chóp lều mọc lên trong sự ngỡ ngàng của người dân bản địa. Họ chẳng biết nhóm người này từ đâu tới, dân tộc gì và sống ở nơi gần như biệt lập thời bấy giờ. Chính quyền địa phương lúc ấy cũng tỏ ra khó xử. Từ vài người, bỗng dưng sinh sôi tạo nên cộng đồng người Mường tại nơi người dân gọi là Rẫy Làng.

Ông Lâm xác nhận rằng, người Mường Phú Thọ đến đây cũng vì mưu sinh, đi tìm nguồn sống. Ngoài những thứ khác biệt, có chăng sự giống nhau giữa quê gốc và nơi ở mới là con người vẫn dựa vào từng nhành cây, ngọn núi. Như lời ông, trong một chuyến công tác tại Thừa Thiên Huế của Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vào năm 2002, khi hay tin có một nhóm người Mường lưu lạc đến dưới chân núi Bạch Mã, Tổng Bí thư đã chỉ đạo địa phương hỗ trợ giúp đỡ để người dân hòa nhập với cộng đồng. Để rồi chính quyền xã Lộc Trì cho phép người dân khai hoang, lập làng, mỗi hộ được cấp 2 sào ruộng canh tác và Nhà nước cũng hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà kiên cố. 7 ngôi nhà được xây dựng lúc ấy vẫn đang là nơi sinh sống của cộng đồng người Mường dưới chân Bạch Mã hiện giờ…

Thế hệ trẻ người Mường được sinh ra dưới chân núi Bạch Mã với ước vọng đổi khác

Ngày mới

Phía sau những ngôi nhà bê tông được Nhà nước hỗ trợ năm nào, ngó lên thấy bạt ngàn keo tràm, phóng tầm mắt xa hơn một chút là đỉnh Bạch Mã mây mù giăng lối. Ký ức ngày cũ của người Mường nơi đây là chuỗi ngày lo toan, khốn khó. Cùng đi với tôi hôm ấy, chị Phúc – giáo viên của một trường THCS tại Phú Lộc bảo, đoàn từ thiện của chị đã nhiều lần ghé thăm Rẫy Làng, đến những ngôi nhà gieo neo trên sườn đồi để tổ chức phát quà, vui Tết Trung thu cùng trẻ em người Mường nơi đây. “Chuyến tổ chức vui Tết Trung thu với các cháu người Mường vừa rồi, tôi bất ngờ bởi so với năm trước, dân số tăng lên đáng kể”, chị Phúc nói.

Bao bận ngược xuôi đến đây, chị Phúc là người rõ nhất về vùng đất nhuốm màu khốn khó này. Mỗi lần đến đây y như rằng chị ám ảnh về những đứa trẻ da đen nhẻm, thất học, vui đùa trên triền đồi. Nhưng lần trở lại này, những con đường bê tông quanh co dưới chân núi rợp bóng cây xanh khiến tôi lẫn chị nghĩ đến sự đổi khác. Chị Phúc nói về những dự án du lịch dưới chân núi Bạch Mã giúp cộng đồng người Mường hưởng lợi, đó chính là những con đường xóa sự chia cắt ngày nào. Nhưng sự thay đổi lớn nhất chính là tư duy phát triển kinh tế của người dân. Ông Lâm khoe về hàng dừa và gần 50 gốc bưởi 3 năm tuổi được một dự án hỗ trợ như là sinh kế để phát triển bền vững. “So với chục năm trước thì bây giờ như một trời một vực. Điện, đường, trường, trạm đầy đủ. Người dân biết nuôi con bò, con heo để tích lũy vốn liếng, có mảnh vườn để chăm bón cây trái. Cũng chính vì thấy đất đai nơi đây màu mỡ nên tôi mới chọn khai hoang, định cư. Sau nhiều năm “vật lộn” với từng tấc đất, bây giờ cũng đã cho hoa thơm quả ngọt”, ông Lâm chia sẻ.

Từ 2 chóp lều ban đầu, cộng đồng người Mường dưới chân Bạch Mã đã tăng lên 12 hộ dân với gần 60 nhân khẩu. Khi được Nhà nước cấp đất, xây nhà tạo điều kiện tăng gia sản xuất, đa số những hộ dân nơi đây thoát nghèo, ổn định sinh kế. Ngoài ông Lâm, hộ gia đình ông Giáp ngày trước nhà cửa gieo neo trên sườn núi, đời sống khó khăn nhưng bây giờ nhờ khai hoang, ông có trong tay 3ha rừng cho thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng. “So với những nơi khác thu nhập như thế không đáng là gì nhưng nếu nghĩ về ngày cũ, đối với chúng tôi đó là một quá trình cố gắng”, ông Giáp bộc bạch.

Không chỉ ổn định cuộc sống, nhiều thế hệ người Mường ở Rẫy Làng đã đọc được con chữ, tính toán được sổ sách. Hơn chục năm trước, viết được cái tên quá khó khăn thì bây giờ đã một kỳ tích. Ông Hà Xuân Lâm nói: “Dù không có người đỗ đạt cao nhưng con em cộng đồng người Mường ở Rẫy Làng bây giờ đã tự viết được tên mình, học đến lớp 12. Nói thế nghe bình thường, thậm chí bị coi thường, nhưng với chúng tôi, sự thay đổi đó đáng để tự hào. Chúng tôi đổi tập quán sinh hoạt, sản xuất có sự giúp sức, hỗ trợ của chính quyền địa phương xã Lộc Trì. Ngoài quê gốc tại Phú Thọ, vùng Rẫy Làng này được xem là quê hương thứ hai, cưu mang cộng đồng người Mường vượt qua khó khăn”.

Bây giờ, người Mường dưới chân Bạch Mã đã hòa nhập cùng người dân bản địa. Cuộc di cư năm nào ngoài hành trình kiếm cái ăn là cả một giai đoạn lịch sử. Từ phía núi, đường sá thông thương, mọi lối đi được mở ra bên rặng cây một màu xanh ngát, cũng như tương lai của người Mường ở Rẫy Làng đang rộng mở từng ngày.

Ông Cái Trọng Như, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì cho biết: “Từ khi di cư đến vùng đất Lộc Trì, cộng đồng người Mường có gốc gác từ Phú Thọ luôn được chính quyền địa phương hỗ trợ, cấp đất rừng, đất ruộng, hỗ trợ xây nhà để ổn định kinh tế. Đời sống của họ bây giờ đã thay đổi đáng kể, hòa nhập cùng người dân địa phương. Vào các mùa lễ hội, nhất ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, cùng chung với cả nước, người dân tại đây cũng có những hoạt động ý nghĩa để nhớ về cội nguồn”.

Bài, ảnh: SƠN XUÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Gắn kết giữa người dân và chính quyền

Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã thực sự tạo cơ hội gắn kết các chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình với chính quyền và các tổ chức nhà nước về lâm nghiệp... góp phần nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, bảo vệ rừng cho người dân.

Gắn kết giữa người dân và chính quyền
Return to top