ClockThứ Sáu, 19/08/2016 13:16

Rẫy mụ Khôi, “cái gai” một thời

TTH - Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, vì có ý hướng thân Nhật, Tổng đốc Nam Ngãi Ngô Đình Khôi (1885 - 1945), anh trai trưởng của Tổng thống chính quyền Sài Gòn Ngô Đình Diệm, đã bị Pháp ép buộc về hưu (1943).

Đã có ý tưởng từ trước đó, ông Ngô Đình Khôi khảo sát và xây dựng một dinh điền lớn ở vùng thượng nguồn sông Truồi. Người dân địa phương bấy giờ thường gọi là dinh điền Ngô Đình Khôi hay “rẫy mụ Khôi”.

Đường về Dinh Điền Ngô Đình Khôi hôm nay

Chiếm giữ vùng đất này, ông Ngô Đình Khôi muốn làm chủ tài nguyên phong phú, quý hiếm ở núi Truồi và nhiều ngọn núi liên cận từ Bạch Mã đến Khe Tre, Nam Đông. Bởi vậy, không chỉ làm nơi nghỉ mát, tổ chức các sinh hoạt ăn chơi trong các dịp rảnh rỗi, ông Ngô Đình Khôi còn tổ chức các hoạt động sản xuất. Hàng trăm người dân Truồi và nhiều làng quê khác thuộc huyện Phú Lộc, nhất là những làng ở bên kia phá Cầu Hai bị họ Ngô huy động khai thác sức lao động và họ chỉ được trả những đồng tiền công rẻ mạt. Gỗ quý, mây, tranh, mật ong, trầm hương, thú hoang… bấy giờ gần như là của riêng nhà họ Ngô.

Rẫy mụ Khôi sản xuất lúa, chè, trái cây và chăn nuôi hàng mấy trăm trâu bò, heo, cung cấp cho nhu cầu của thực dân Pháp và bọn lính tráng, quan lại Nam triều ở Huế. Vùng đất canh tác thuộc quyền sở hữu của ông Ngô Đình Khôi rộng đến 570 mẫu, chủ yếu là vùng đất bãi bồi phía nam ven sông Truồi rất màu mỡ. Ở tổng Lương Điền, An Nông trước đây (các xã Lộc Điền, Lộc An nay), trước đó nhiều nhà nuôi năm bảy con trâu, đôi ba con bò để cày bừa, kéo gỗ và cũng để lấy thịt trong những dịp cúng lễ, nay chẳng còn bãi chăn thả. Người làm rừng muốn lên núi, vào rú chẳng còn đường gần để đi, phải đi vòng tránh xa ngoài rẫy của quan lớn.

Không chỉ chiếm đất, “dựng” rẫy ở vùng thượng nguồn sông Truồi, nơi giáp ranh giữa vùng đồng bằng và rừng núi, ông quan thượng thư họ Ngô còn ý đồ theo dõi, ngăn chặn các hoạt động cách mạng chống Pháp bấy giờ đang diễn ra sôi nổi dưới sự lãnh đạo của chi bộ Bàn Môn, chi bộ Đảng vùng nông thôn Thừa Thiên Huế đầu tiên được thành lập từ năm 1930. Rẫy Ngô Đình Khôi, do vậy trở thành “cái gai”, là mục tiêu đấu tranh trong phong trào cách mạng của Nhân dân vùng Truồi và cả khu vực phía nam tỉnh.

Thế nhưng, được sự chở che của Nhân dân, các đảng viên thuộc chi bộ Bàn Môn mà tiêu biểu là đồng chí Bùi Pha vẫn qua lại, bám trụ và tổ chức các hoạt động tuyên truyền cách mạng. Điện Khe Dài nằm ngay trong khu vực gần rẫy mụ Khôi là nơi mà đồng chí Bùi Pha và các đảng viên trong chi bộ Bàn Môn thường ẩn núp và tổ chức các buổi sinh hoạt, hội họp, vạch ra đường lối đấu tranh cách mạng cho cả vùng phía nam tỉnh Thừa Thiên nói chung và vùng Truồi nói riêng trong giai đoạn cách mạng 1930 - 1945.

Rẫy mụ Khôi xưa nay là địa điểm  trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ VN xã Lộc Hòa

Chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8/1945, các quần chúng ưu tú giác ngộ cách mạng của tổng Lương Điền, như Huỳnh Thê, Huỳnh Thiền, Hoàng Trọng Tế đã lãnh đạo quần đấu tranh đòi được đến đồi Tranh, nằm trong khu vực giáp ranh với rẫy mụ Khôi cắt tranh (bị cấm) đem về lợp nhà, che vách hoặc đem ra chợ bán lấy tiền đóng thuế. Mục đích chính là tập hợp lực lượng, trao đổi tình hình và bàn kế hoạch đấu tranh cách mạng. Trước phong trào đấu tranh quyết liệt của đồng bào, bọn lý trưởng và hương lý buộc phải để cho người dân tự do ra vào đồi Tranh. Trong cuộc đấu tranh này, các đồng chí Huỳnh Thê và Huỳnh Thiền bị bắt đưa về huyện đường Cầu Hai giam hai ngày, sau đó chúng đưa về giam tại nhà lao Thừa Phủ. Thế nhưng không có cớ để khép tội đối với hai đồng chí, chúng buộc phải trả tự do.

Trong tháng 8/1945, cùng với việc tham gia cướp chính quyền ở huyện, ngày 20/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Phú Lộc, hai đồng chí Nguyễn Đình Nhĩ và Hoàng Trọng Tế là các đảng viên thuộc tổng Lương Điền đã dẫn hơn 200 người dân với các vũ khí thô sơ (chỉ có một cây súng tiểu liên, một súng ru lô, còn lại là gậy gộc, giáo mác…) lên tịch biên đồn điền của tổng đốc Ngô Đình Khôi tại thượng nguồn sông Truồi. Ta thu được 7 cây súng và tịch biên toàn bộ gia sản (gồm một bộ áo quần đại trào của Ngô Đình Khôi, một đồng hồ báo thức, một ngà voi, hai bồ đậu phụng, mấy chục con bò…). Rẫy mụ Khôi bị xóa sổ trong niềm hân hoan của người dân vùng Truồi. 

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay trong đầu tháng 9/ 1945, Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời và Mặt trận Việt Minh tỉnh Thừa Thiên Huế đã họp, ra chỉ thị về chống đói và thực hiện đẩy mạnh sản xuất. Nhân dân các xã Đại Đức, Đại Thành (Lộc An), Đại Định và Đại Phố (Lộc Điền) tích cực hưởng ứng với một quyết tâm rất cao. Vùng thượng nguồn sông Truồi, đặc biệt là khu rẫy mụ Khôi trước  bạt ngàn nhưng còn nhiều hoang hóa là nơi thu hút các hoạt động khai hoang trồng màu chống đói thời kỳ này của các xã vùng Truồi.

Sau ngày giải phóng, thực hiện chủ trương giãn dân của huyện Phú Lộc, nhiều hộ gia đình ở 2 xã Lộc An và Lộc Điền đã lên vùng thượng nguồn sông Truồi, đặc biệt là khu vực rẫy mụ Khôi để khai hoang, tổ chức sản xuất và định cư lâu dài. Năm 1986, xã mới Lộc Hòa được thành lập, vùng đất nguyên là rẫy mụ Khôi xưa trở thành vùng trung tâm của xã, nằm ở khu vực thôn Nam Khe Dài. Xa rồi, thời còn là rẫy mụ Khôi, vùng đất màu mỡ ở vùng thượng nguồn sông Truồi này nay đã đất “đất lành chim đậu”, đang ngày càng sung túc và phát triển bền vững.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi thỏa thuận khẩn cấp nhằm chuẩn bị và ngăn chặn đại dịch trong tương lai

Theo tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 100 nhà lãnh đạo toàn cầu vừa lên tiến kêu gọi các chính phủ nhanh chóng thống nhất để đạt được một thỏa thuận quốc tế đầy tham vọng và công bằng nhằm tăng cường sự chuẩn bị chung của thế giới và ứng phó với các đại dịch trong tương lai.

Hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi thỏa thuận khẩn cấp nhằm chuẩn bị và ngăn chặn đại dịch trong tương lai
Return to top