ClockThứ Tư, 17/02/2016 05:44

Rong câu “đổi phận”

TTH - Khi những trộ nò sáo trên vùng đầm phá Tam Giang được sắp xếp lại, rong câu sinh sôi trở lại, tạo sinh kế cho hàng chục hộ gia đình ở xã Phú Diên (huyện Phú Vang). Cây rong câu đã “đổi phận” họ, không còn quá phụ thuộc vào khai thác cá tôm trên đầm phá…

Mỗi ngày bình quân các hộ dân ở Phú Diên khai thác khoảng 1 tạ rong câu, thu nhập 200-300 nghìn đồng

 

Nghề của chị em

Nói về nghề khai thác rong câu, ông Trần Sáu, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá Thanh Mỹ (xã Phú Diên) tâm sự rằng, không phải cánh đàn ông “chê” nghề vớt rong đâu, mà bởi ở xứ đầm phá này, họ rong ruổi theo đuôi con cá con tôm, phụ nữ ở nhà chọn nghề vớt rong câu kiếm thêm thu nhập. Nò sáo sắp xếp lại rong câu sinh sôi trong 4-5 tháng liền, mang lại giá trị kinh tế “không hề nhỏ” cho ngư dân.

Tại bến thuyền của thôn Thanh Mỹ, hàng ngày có gần chục chị em phụ nữ dầm mình vớt rong câu. Chiếc thuyền nhỏ vừa đẩy từ ngoài phá vào, những người trong này lại tất tả kéo “dũ” (một loại ngư cụ bà con tự chế có hình tam giác, giữa đan lưới) ra để xúc rong câu tươi vào đổ lên bờ. Cứ cần mẫn như thế cả ngày, khi nào cả dãy đê đầy rong câu tươi thì thôi.

Bà Trần Thị Bắc (60 tuổi, thôn Thanh Mỹ) kể: “Trước đây, tui làm nghề nò sáo trên phá Tam Giang, khi chính quyền sắp xếp lại trộ sáo, cây rong ni phát triển nhiều, tui khoán lại công việc cho người khác làm, chuyển qua nghề vớt rong. Rong trên phá chỉ có từ tầm tháng 1 đến tháng 4 (DL), vì thế khi hết mùa vụ lại quay về với đánh bắt cá tôm”.

Bà Trần Thị Bắc phơi rong câu trước khi sơ chế

 

oài rong câu có đặc tính mọc dưới đầm phá nước lợ chừng 1-1,5m. Vì thế muốn khai thác rong câu có thể lặn xuống khai thác bằng tay hoặc dùng “dũ” một người giữ đằng sau cho vững, một người đằng trước kéo dũ đi để rong câu vướng vào, mang lên thuyền. Một thuyền khai thác rong câu thường có 3-4 người, bởi công việc khá nặng nhọc, trầm mình trong nước suốt ngày.

Đang ngồi tách rong câu tươi trên bờ đê, bà Trần Thị Hành (63 tuổi, thôn Kế Sung Thượng) tâm sự: “Vớt rong câu lên, phải tách rác, phơi khô, giặt lại nước ngọt trong bể cạn nữa mới bán được. Thông thường, các chị em khai thác ở đây về bán chợ Kế Sung.”

Ông Lê Văn Tý, Trưởng thôn Kế Sung Thượng cho hay: “Toàn thôn có 17 hộ theo nghề khai thác rong câu. Sản phẩm rong câu khô được bà con khai thác bán ngay chợ, gom lại số lượng lớn để các đại lý trên Huế về thu mua làm thạch rong và chế biến các loại thực phẩm khác”.

Khai thác bền vững

Rong câu là loại mọc sâu trong vùng nước lợ, nhiều nhất ở vùng đầm phá, ngã ba các cửa sông là môi trường chua lợ thích hợp cho loài tảo thủy sinh này phát triển. Loài rong câu với đặc tính thanh nhiệt, được chế biến thành nhiều món thức ăn đặc sản như thạch rau câu, chè, bánh, cháo và các món rau… 

Theo người dân Phú Diên, thời gian gần đây không chỉ các loại thủy sản có giá trị “hồi sinh” trên đầm phá nhờ có khu bảo vệ thủy sản hoạt động hiệu quả, sắp xếp lại nò sáo mà môi trường thủy sinh cũng được cải thiện, rong câu xuất hiện với mật độ nhiều hơn trước.

Ông Lê Đức Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Diên cho biết, toàn xã có khoảng 70 hộ theo nghề khai thác rong câu trên phá. Loài cây này sinh sôi đã mang lại một nghề cho thu nhập khá của bà con ngư dân. Địa phương luôn tuyên truyền bà con khai thác rong đúng cách, không được dùng cào lớn vớt rong gây khuấy động tầng nước đáy trên đầm phá; tuân thủ quy định của Chi hội nghề cá về thời gian, địa điểm khai thác”.

Theo những người khai thác rong, mỗi cân rong câu khô sau khi “sơ chế” bán ở các chợ trên địa bàn xã cũng được 4 nghìn đồng. Rong câu được khai thác hoàn toàn tự nhiên, chỉ phơi khô tầm 3-4 nắng, giặt lại nước ngọt cho rong sạch, có màu vàng, không sử dụng hóa chất bảo quản nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Bình quân mỗi ngày một người vớt rong ở Phú Diên khai thác được trên dưới 100kg, thu nhập 2-3 trăm nghìn đồng/người/ngày. Cá biệt, có hộ gia đình khai thác được 5-7 trăm nghìn đồng/ngày.

Ông Trần Sáu, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá Thanh Mỹ khẳng định: “Rong câu hiện nay xuất hiện khá nhiều cả trong và ngoài khu vực khu bảo vệ thủy sản Doi Chõi. Đây không chỉ loài cây mang lại giá trị kinh tế cho bà con mà còn là nguồn thức ăn phong phú cho các loài thủy sản trên đầm phá. Ở vùng nào rong câu nhiều thì cá tôm sinh sôi. Vì thế, nhằm giảm cường độ khai thác, quy chế của chi hội quy định rõ khai thác rong câu phải nằm ngoài khu bảo vệ, thời gian được khai thác vào các ngày thứ 5, 7 và chủ nhật hàng tuần”.

Bài, ảnh: NGUYỄN KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật

Ngày 20/4, tại xã Vinh Thanh (Phú Vang), Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hòa nhập (RCI) tổ chức ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật. Tham dự tại có Đại diện văn phòng RCI cùng hơn 50 người khuyết tật và người chăm sóc trên địa bàn các xã Vinh Thanh, Vinh An, Vinh Xuân, Vinh Hà và Phú Gia.

Ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật
Khánh thành Nghĩa trang liệt sĩ xã Phú Gia

Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975-30/4/2024 và hướng tới kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7/1947-27/7/2024, ngày 20/4, xã Phú Gia (Phú Vang) tổ chức khánh thành nghĩa trang liệt sĩ. Tham dự có ông Lê Trường Lưu -UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh.

Khánh thành Nghĩa trang liệt sĩ xã Phú Gia
Return to top