ClockChủ Nhật, 26/02/2017 14:02

Rong mứt & sinh mệnh

TTH - Bên ghềnh đá, chân sóng mùa biển động không khó bắt gặp hình ảnh ngư dân xã Lộc Vĩnh, thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) lúi húi cạo rong mứt (người dân địa phương gọi là rau mứt). Nghề mà họ thường bảo chẳng khác nào “hồn treo cột buồm”.

Rong mứt đem phơi khô trước khi bán

Xây nhà nhờ rong

Biển nổi phong ba, gió mùa đông bắc ùa về từng cơn cũng là lúc bên những rạn đá xuất hiện từng cụm rong mứt non tơ, loại đặc sản không phải nơi nào cũng có. Xóm chài Bình An (xã Lộc Vĩnh) nép mình bên chân sóng được xem là “thủ phủ” của những tay cạo rong mứt chuyên nghiệp. Những ghềnh đá trơn trượt nơi đây không chỉ là chốn mưu sinh của ngư dân địa phương mà còn của cư dân các nơi khác trong và ngoài tỉnh. Hỏi chuyện cạo rong mứt, bà hàng nước hướng tay về phía khu đất có những ngôi nhà hộp liền kề, gần giống nhau, nơi ấy có gia đình 8 anh em ruột cạo rong chuyên nghiệp.

Tiếp người lạ, Phan Văn Hiếu (46 tuổi, thôn Bình An 1), thành viên của gia đình “nổi tiếng” ấy, cũng là tay cạo rong mứt có thâm niên gần 30 năm chỉ thẳng vào những vết sẹo trên cơ thể, là “dấu tích” mà nghề để lại rồi bảo: “Rong mứt hở”, nó chỉ có trên những ghềnh đá trơn trượt, bên con sóng cao lút đầu. Ghềnh càng chênh, vênh rong càng nhiều. Người cạo phải đi từ lúc 4-5 giờ sáng, theo con nước ròng để tìm những vạt rong nâu đen bên khe đá. Đến tầm 10-11 giờ trưa, khi thủy triều lên mới trở về. “Rong mứt xuất hiện từ tháng 11 đến tháng 2 âm lịch. Thời điểm này, cánh ngư dân tụi tui rỗi nghề nên rủ nhau đến những bãi đá cạo rong kiếm thêm tiền chi tiêu. Rong có giá trị cao rơi vào khoảng tháng chạp, tháng giêng. Cuối tháng 2 âm lịch, khi sương phủ kín, rong trở xanh thì mùa cũng hết. Nếu đã theo nghề, không ai bảo nó là nghề phụ vì mang lại thu nhập cao”, anh Hiếu nói.

Rong mứt - quà quý của biển 

Với ngư dân, biển mang lại nhiều nghề kiếm cơm, mỗi nghề có một loại ngư lưới cụ đặc trưng, nhưng cạo rong mứt chẳng phải đầu tư. Công cụ chỉ độc chiếc “vụ” cạo được chế từ nhôm giống hình cái chén cạn và một cái vợt hứng rau. Nghe chừng đơn giản nhưng muốn hành nghề, ngư dân phải có những "bí kíp". “Từ năm 18 tuổi, anh em tui đã cùng ba rong ruổi khắp các vùng biển cạo rong mứt, gần thì biển Lộc Vĩnh, Lăng Cô, xa phải đến tận rạn Nam Ô (Đà Nẵng) hay biển Quảng Ngãi. Nghề ni phải phối hợp nhịp nhàng 3 bộ phận trên cơ thể, đó là mắt, tay và chân. Lúc cạo, chân trụ vững, tay bám chặt vào khe đá, mắt canh chừng con sóng. Sóng ập vào, mắt quan sát, tay cầm vợt, chân chạy thật nhanh lên bờ”, anh Hiếu chia sẻ.

Trong những sản vật mà biển ban tặng, rong mứt là thực phẩm bổ dưỡng được nhiều người ưa chuộng, được xuất khẩu đến các nước trên thế giới. Bởi thế hàng năm, cư dân bên chân sóng lại trông đến mùa rong mứt, nhờ nó, họ xây được nhà, nuôi con ăn học. Anh Phan Thuận (48 tuổi, xã Lộc Vĩnh) vừa trở về sau chuyến cạo rong cho hay: “Mỗi kg rong mứt khô giá từ 700 nghìn đến 1 triệu đồng. Với những tay cạo chuyên nghiệp, mỗi ngày có thể kiếm được từ 4-5kg, còn trung bình cũng cạo được 1-2kg. Ngày mô ít thì bán lẻ ở chợ, còn nhiều gọi thẳng cho thương lái từ Đà Nẵng đến mua ngay tại chỗ. Nhờ loại đặc sản này mà nhiều người xây được nhà, nuôi con ăn học”.

Dụng cụ cạo rong mứt chỉ đơn giản gồm "vụ" cạo và chiếc vợt 

Cũng chính thu nhập cao nên những ghềnh đá ở Phú Lộc còn hút người cạo rong mứt các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng. “Nơi nào có rong là chúng tôi đến cạo. Những năm gần đây, vì có nhiều người khai thác nên tại biển Quảng Ngãi, Đà Nẵng rong ít hơn trước. Vì thế, để mưu sinh, chúng tôi lặn lội ra đây cạo rong. Nghề này phải di chuyển liên tục đến nhiều nơi để cạo chứ không cố định một khu vực nhất định”, anh Nguyễn Văn Bảy (người dân Đà Nẵng) nói.

Phập phồng bên rạn đá

Rong mứt hay còn gọi là rong mứt biển, rong biển đen, tên khoa học là Porphyra, thuộc ngành tảo đỏ Rhodophyta sinh sống và phát triển tự nhiên ở khu vực nước lợ hoặc vùng nước biển nông. Loại rong này có hàm lượng dinh dưỡng cao gấp hàng chục lần rong khác do chứa các acid amin, các vitamin B, B2, A, C và các nguyên tố vi lượng, khoáng chất cần thiết cho cơ thể con người, trong khi hàm lượng chất béo không cao, rất thích hợp cho người ăn kiêng và bị tiểu đường.

“Cạo mứt mất mạng”, một ngư dân bảo tôi thế khi nghe hỏi về sự nguy hiểm của nghề. Ông còn thông tin lại cho tôi trường hợp của ông S. bị tử nạn lúc cùng vợ và em ruột khi đến khu vực ghềnh đá, đoạn Múi Giữa nằm bên tuyến đường đèo quốc phòng ven núi Chân Mây (huyện Phú Lộc) để cạo rong mứt. Và cuộc trao đổi ngay sau đó với Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh Nguyễn Xuân Bảo còn gờn gợn về những hiểm nguy của ngư dân nghèo khi đối mặt con sóng. “Nghề cạo rong mứt đúng vào lúc biển động, ngư dân không hề có dụng cụ bảo hộ. Nếu mặc áo phao thì cồng kềnh, rất khó cạo. Việc đảm bảo an toàn tùy thuộc chủ yếu vào kinh nghiệm của ngư dân. Biết nguy hiểm nên chính quyền địa phương cũng khuyến cáo bà con đảm bảo an toàn khi làm việc, song, mọi thứ còn tùy thuộc vào ý thức của họ”, ông Bảo chia sẻ.

Rong mứt “kiên cường” bám mình trên đá, và vì thế, muốn cạo loại rong này, ngư dân cũng phải gan lì không kém. Với cánh cạo rong, ai cũng hơn một lần đối mặt với tử thần. Anh Phan Văn Hiếu bảo, mới năm trước, anh bị con sóng cuốn phăng, nổi lềnh bềnh trên mặt nước, cứ ngỡ mất mạng. “Đi cạo mặc áo quần càng mỏng càng tốt, thậm chí cởi trần nên chuyện trơn trượt dẫn đến trầy xước khi va vào đá là rất bình thường. Khi đối mặt với những con sóng cao tận nóc nhà, nếu không nhanh chân sẽ bị nhấn chìm trong nháy mắt”, anh Hiếu chia sẻ. Để chúng tôi tỏ tường hơn, anh Hiếu dẫn chứng trường hợp ông T. cũng ở xã Lộc Vĩnh bị tử nạn trong khi cạo rong mứt bên ghềnh đá vài năm trước rồi tự “khoe” những “chiến tích” nổi da gà: “Tui nhiều lần tưởng mất mạng, nhưng “số đỏ” mới được sống đến bây giờ khi hơn hai lần bị sóng cuốn bay 50 mét, rất may không đập đầu vào đá. Có lần vì ham cạo rong, sóng ập đến, tui lặn sâu xuống đáy, giữ hơi mấy phút, suýt tắt thở”, anh Hiếu tặc lưỡi.

Hiểm nguy của nghề cạo rong mứt thì đã rõ, thế nhưng thu nhập cao khiến ít ai nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Và rồi, mỗi sớm mai mùa biển động, những ghềnh đá bên chân sóng lại đón từng lớp người xuôi ngược, dẫu thứ phải đổi để có được rong là cả mạng sống. “Mùa biển động không thể ra khơi, nếu không cạo rong mứt thì lấy chi sống. Vả lại, thu nhập từ nó chiếm gần nửa tổng thu nhập của gia đình trong một năm. Ở Lộc Vĩnh có cả mấy chục người theo nghề này, ngoài ra còn có ngư dân Lộc Bình, Lăng Cô, thậm chí ở TP. Đà Nẵng đến mưu sinh. Sống với nghề tụi tui không còn cách chi khác là tự bảo nhau phải cẩn thận. Ai cũng tự rèn luyện cột hơi phòng trường hợp gặp sóng lớn thì lặn sâu xuống đáy, chờ con sóng đi qua. Với gia đình tui, đây là nghề tổ truyền, khó lòng bỏ được…”, anh Phan Văn Thảo (xã Lộc Vĩnh) trầm tư.

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chắt chiu rau mứt ngoài ghềnh

Toàn xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) có khoảng 25 người dân làm nghề hái rau mứt. Với giá 100 đến 150 ngàn đồng/ kg rau mứt tươi, chính vụ, người siêng năng cũng kiếm được vài ba trăm nghìn cho một ngày chắt chiu từng nhúm rau trên ghềnh đá.

Chắt chiu rau mứt ngoài ghềnh
Return to top