ClockThứ Năm, 28/06/2018 11:45
Ô TÔ TẢI CHỞ GỖ KEO, TRÀM LƯU THÔNG TRÊN ĐƯỜNG:

Rủi ro tiềm ẩn

TTH - Thời gian gần đây, nhiều loại ô tô tải tham gia chở gỗ keo, tràm nhồi nhét cồng kềnh, gây nỗi khiếp sợ với người đi đường.

127 vụ tai nạn giao thông đường bộPhối hợp xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thôngRa quân cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị

CSGT Công an tỉnh xử lý các xe chở gỗ keo, tràm vi phạm

Nguy hiểm rình rập

Hàng ngày, trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, người đi đường dễ dàng bắt gặp ô tô các loại chở gỗ keo, tràm từ các huyện miền núi A Lưới, Nam Đông, khu vực thị trấn Bình Điền, Bình Thành (Hương Trà), Thủy Bằng (Hương Thủy), các xã Phong Sơn, Phong Xuân (Phong Điền)... về nhập cho các nhà máy chế biến dăm gỗ ở khu vực huyện Phú Lộc.

Ông Nguyễn Hưng, người dân xã Thủy Phương (TX. Hương Thủy) bức xúc: “Chuyện họ làm ăn tui không đề cập, nhưng họ cố tình chở cồng kềnh, chạy trên các trục đường chính, làm chúng tôi rất lo lắng cho bản thân, con em mình mỗi khi ra đường”.

Cách đây 5 năm, ô tô mang biển số 75H-6744 chở gỗ tràm đi hướng từ Huế về nhà máy ở Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, xe chở nặng nên bị mất lái, lật nghiêng xuống ruộng làm hàng tấn gỗ tràn ra đường, gây ách tắc giao thông.

Nhiều người dân cho biết, xe chở gỗ keo, tràm không chỉ chạy vào ban ngày, mà còn cả buổi tối, đêm khuya. Các chủ xe thường cố tình chất hàng cao, cồng kềnh, vượt quá chiều dài cho phép. Đặc điểm loại gỗ này rất trơn (do đã được bóc vỏ) lại được chất không cẩn thận, không tuân thủ quy định, nên khi đến đoạn cua ngoặt, có trường hợp xe bị lật nghiêng, cũng có trường hợp khi lên dốc,  những cây gỗ keo, tràm tuột ra, lăn xuống đường gây nguy hiểm cho những xe phía sau, nhất là người điều khiển phương tiện mô tô, xe gắn máy.

Tập trung xử lý

Trong đợt cao điểm ra quân đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị dịp hè năm 2018 đang được triển khai, cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh  liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều trường hợp ô tô chở gỗ keo, tràm cồng kềnh, vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

“Có thời điểm, chỉ trong một ngày chúng tôi xử lý đến gần 10 ô tô chở gỗ keo, tràm cồng kềnh, có chiều dài vượt quá 10% chiều dài đầu xe và các tài xế đều không có giấy phép lái xe”- Trung tá Nguyễn Hoàng Vũ, Đội trưởng Đội tuần tra, kiểm soát số 1, Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết.

“Khi kiểm tra, nhiều trường hợp tài xế không xuất trình được giấy phép lái xe, vì trước đó họ đã vi phạm và đã bị tạm giữ. Tuy nhiên, do miếng cơm manh áo, họ lại tiếp tục lái xe chở gỗ keo, tràm trong điều kiện không có giấy phép”- Trung tá Hoàng Phước Tế, Đội trưởng Đội tuần tra, kiểm soát số 2, Phòng CSGT Công an tỉnh lý giải.

Thống kê sơ bộ, trong 20 ngày đầu tháng 6/2018, Phòng CSGT Công an tỉnh liên tục phát hiện, xử lý hơn 30 trường hợp xe chở gỗ keo, tràm vi phạm; tạm giữ 11 phương tiện, phạt tiền hàng chục triệu đồng.

Thượng tá Lê Viết Phương, Phó Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, các xe chở gỗ keo, tràm thường lợi dụng thời điểm đêm khuya đến rạng sáng hoặc khi giao ca giữa các đội tuần tra, kiểm soát để vận chuyển.

“Chúng tôi đã họp và quán triệt đến 100% cán bộ, chiến sĩ phải tập trung xử lý nghiêm tình trạng xe chở keo, tràm quá khổ này. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã phối hợp với Thanh tra giao thông vận tải tỉnh thành lập tổ liên ngành, tổ cân trọng tải. Với những trường hợp xe quá chiều dài, chiều cao chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, nếu xe quá tải chúng tôi đưa vào cân và buộc phải hạ tải nhằm đảm bảo an toàn giao thông”, Thượng tá Phương nhấn mạnh.

“Các tổ đặc biệt không chỉ được duy trì, mà phải tăng cường các giải pháp, đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm giao thông; xe ô tô tải, xe ben chở hàng cồng kềnh, chở gỗ keo, tràm quá chiều dài và chiều cao cho phép… đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đô thị”, Đại tá Lê Văn Vũ , Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định.

Phạt nặng xe quá tải

Nghị định số 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực, thay thế Nghị định 171/2013/ NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/ NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã điều chỉnh mức xử phạt đối với 115 hành vi và nhóm hành vi trong lĩnh vực đường bộ, gồm các nhóm hành vi: Vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ trên đường cao tốc, chở hàng quá tải trọng cho phép, chở hàng quá tải trọng cho phép của cầu, đường; các hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh vận tải đường bộ, quy tắc giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Nghị định quy định thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép (GPLX), chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động theo khung thời gian, thấp nhất là 1 tháng, cao nhất là 24 tháng.

Theo quy định tại Nghị định 46, quy định mức phạt tăng gấp đôi với cả 2 hành vi chở hàng vượt tải trọng theo giấy chứng nhận đăng kiểm và chở hàng quá tải trọng cầu, đường với cả lái xe và chủ phương tiện. Mức phạt cao nhất là đối với hành vi chở quá tải trên 150% theo giấy chứng nhận đăng kiểm, chủ xe (chủ phương tiện vi phạm) là cá nhân sẽ bị phạt 18-20 triệu đồng; chủ xe là tổ chức phạt 36-40 triệu đồng, lái xe bị phạt 8-12 triệu đồng.

Đối với hành vi chở quá tải cầu, đường, chủ xe là cá nhân bị phạt 28-32 triệu đồng, chủ xe là tổ chức bị phạt 56-64 triệu đồng, lái xe bị phạt 14-16 triệu đồng. Nghị định này cũng quy định mức phạt từ 6-8 triệu đồng đối với cá nhân, từ 12-16 triệu đồng đối với tổ chức tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe, thùng xe.

Theo quy định mới, Nghị định 46 không còn phân biệt loại xe 5 tấn và trên 5 tấn mà áp dụng chung 1 mức xử phạt như nhau. Trước đây, các loại xe quá tải trên 100% đều quy định chung 1 mức xử phạt thì nay Nghị định 46 đã có thay đổi mới: quy định xe quá tải từ 100-150% là một mức xử phạt và trên 150% là mức xử phạt khác.

Ngoài bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng GPLX 3-5 tháng; buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng quá khổ theo hướng dẫn của lực lượng chức năng tại nơi phát hiện vi phạm; nếu gây hư hại cầu, đường phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

Tâm Anh

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

DỰ ÁN TUYẾN ĐƯỜNG BỘ VEN BIỂN:
Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6/2024

Dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An (TP. Huế) đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), tiến độ thi công trên công trường, nhằm hoàn thành công trình vào tháng 3 năm 2025.

Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6 2024
Đảm bảo an toàn giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Ngày 29/2, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh cho biết, sau hơn 3 ngày rà soát hiện trường tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đoàn công tác gồm đại diện lãnh đạo Khu Quản lý đường bộ II (Bộ Giao thông Vận tải); Cục Cảnh sát Giao thông CSGT (Bộ Công an); Ban ATGT và các phòng ban chức năng tỉnh, cùng Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh… thống nhất các giải pháp bổ sung, điều chỉnh tổ chức giao thông trên tuyến.

Đảm bảo an toàn giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Return to top