ClockThứ Tư, 15/05/2013 20:00

Sắc vàng ươm phố

TTH - Sau cơn mưa giông, ra đường, bỗng dưng thấy khác lạ bởi phố đã được rải một màu vàng ươm của những bông hoa lìa cành. Vậy là đã xong một kiếp dâng sắc hương. Vậy mà khi về với đất, hoa vẫn làm lay động lòng người. Phải chăng là để đánh thức những chủ nhân thành phố nhận biết một loài đã được gọi tên đang tồn tại… Phải chăng đến khi chấm dứt vòng sinh tồn, hoa vẫn muốn làm đẹp cho cuộc đời.

Những ngày chớm hạ, hoa theo gió rơi xuống mấy chiếc ô tô khiến cho người cầm lái phải nhíu mày khởi động cần gạt kính, đẩy hoa kia xuống đất. Nhưng đôi khách bộ hành không nỡ giẫm lên bức tranh đầy gam màu của sự sống, nhón nhén cẩn trọng bước đi. Còn đàn chim sẻ thì lích chích gọi nhau về đậu dưới hè đầy hoa, tìm kiếm chút gì đó mang về tổ rồi ngó nghiêng, vút lên giữa tầng không…

Sắc điệp vàng rải trên hè phố

Giữa trưa nắng, bác xe ôm ngủ quên sau những cuốc xe vất vả tỉnh giấc ngỡ ngàng khi thấy quanh mình một màu vàng miên man. Hoa để lại những hình hài không thể gọi tên trên mặt đất khi những vật thể tạm trú chân dưới tán cây rời đi. Nhìn phố như thể một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của nghệ sĩ tự nhiên… Chợt nhớ đến một bài hát về hoa với hình ảnh đầy ấn tượng: Cây điệp vàng, trước nhà em mỗi tối/Sắc hoa vàng rụng xuống kín chân tôi… Em có thấy một mai khi thức dậy/ Hai dấu chân tôi để lại trước sân/ Lòng tôi đấy yêu mà không dám ngỏ/ Xác hoa vàng sẽ nói hộ giùm tôi.

Chiều nay về qua con đường ven Thành Nội, thấy lũ trẻ gom hoa tung lên trời rồi cười như nắc nẻ. Bằng tuổi chúng, tôi và lũ bạn cùng xóm cũng mê điệp vàng. Hai cây điệp vàng trong sân khu tập thể phải hai đứa dang rộng tay mới ôm hết. Tan học về, chúng tôi lấy hoa chơi đồ hàng, kết vòng tay, vòng cổ “bán” cho nhau lấy “tiền” là lá bàng. Độc đáo hơn cả có món “kẹo” bóc từ trái của điệp vàng. Hạt của chúng nhỉnh hơn hạt trái keo một tý nhưng như keo khô, không mùi, không vị. Bóc được hạt từ trái khô khó lắm, thế nên ai có được là bán với giá “cắt cổ” cỡ vài “tiền lá bàng”. Nhưng đứa nào cũng tìm cách mua ăn cho ra dáng ta đây “nhà giàu”. Kẹo ngậm hoài không tan, như món kẹo Thạch Sanh ăn mãi không hết. Chỉ mỗi trò ấy thôi mà mùa hoa nào chúng tôi cũng chơi mà không biết chán. Điệp vàng đã lưu lại trong ký ức của tôi một thời như thế.

Qua mấy cung đường, một màu vàng đồng điệu khiến người ta không thể thờ ơ. Tên phố có khi không còn nhớ mà gắn liền với tên cây, tựa như “đường phượng bay” của nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh. Cảm ơn thiên nhiên đã ban tặng những sắc màu để cuộc sống không còn đơn điệu. Cảm ơn những ai đã đưa hoa vào thơ, vào nhạc để khi nhớ về, ta vẫn có cái để ngâm nga…

L.Tuệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top