ClockThứ Sáu, 17/07/2015 08:13

Sách vẫn song hành cùng cuộc sống

TTH - Trò chuyện với dịch giả Bửu Ý về đọc sách, ông ý nhị mượn một câu nói thâm xa của người xưa: “Tận tín thư bất như vô thư” (tin tưởng tuyệt đối vào sách chẳng bằng không có sách).

Đọc sách tại Nhà sách Phú Xuân - Ảnh: Võ Nhân

Về văn hóa đọc ngày nay, dịch giả Bửu Ý chia sẻ: Thời buổi này mà nói chuyện đọc sách là cả một thách thức. Có người bảo có ai đọc sách nữa đâu. Đó là một lối nói khoa đại, thái quá. Nhưng qua đó cũng phải nhìn nhận một thực tế, là người đọc sách ngày nay giảm sút nhiều. Sách được thay thế bằng phương tiện nghe nhìn, Có cả một nền văn hóa mới là văn hóa nghe nhìn. Người ta nghe và nhìn nhiều hơn đọc.

Đất hoạt động của sách bị thu rút lại đáng kể nhưng sách vẫn luôn luôn tồn tại, bằng các giải thưởng văn học, giải thưởng sách được duy trì và không ngừng phát triển. Từ năm 1995, UNESCO đã chọn ngày đọc sách thế giới là ngày 23/4. Ở Việt Nam, ngày hội sách vẫn tổ chức hàng năm tại các thành phố lớn để trưng bày sách, khuyến khích đọc sách, tái bản những cuốn sách xưa đã vơi cạn… Điều này cho thấy, dù sao đi nữa thì văn hóa đọc vẫn quan trọng như thường.

Với ông, sách quan trọng như thế nào?

Cổ nhân gọi đọc sách là “đời sống trong bóng râm”. Đọc sách mang lại sự dễ chịu, thư nhàn cho con người. Sách là một mặt hàng cần được có mặt bên cạnh các mặt hàng khác để làm thành thức ăn, một thứ dưỡng chất cho trí óc, tinh thần của con người, giữ thăng bằng cho đời sống của con người.

Theo ông, thế nào là một cuốn sách hay?

Cuốn sách hay không hẳn là cuốn sách ta đọc hàng ngày nhưng đó là cuốn sách không phải đọc một lần là xong. Ta còn có thể đọc đi, đọc lại. Có thể tìm tới nó khi cần. Vì nó có nhiều lời giải đáp, nhiều gợi mở, khiến ta không ngừng suy nghĩ. Đó là cuốn sách gối đầu giường.

Phương Đông có câu: “Tận tín thư bất như vô thư” (nghĩa là tin tưởng tuyệt đối vào sách chẳng bằng không có sách). Đó cũng là một lời khuyên về đọc sách, không phải nhắm mắt nhắm mũi mà đọc, chìm nghỉm trong sách.

Trước thị trường sách đa chiều như ngày nay, ông thấy có điều gì cần lưu tâm với người đọc?

Người đọc sách cũng giống như con ong hút mật, tìm cho mình cái tinh túy của sách

Đọc sách bây giờ có nhiều cái phải xem lại. Có xu hướng đọc những cuốn sách dễ dãi, sễ ru mình. Lại có xu hướng đọc những cuốn sách ve vãn bản năng tầm thường khi người viết muốn mua chuộc, chạy theo thị hiếu thấp kém. Cũng có xu hướng đọc bừa bãi, vơ gì đọc nấy, một phần do thời gian không có nhiều để lựa chọn.

Điều đó đặt ra vấn đề phải biết cách đọc, biết chọn sách. Nếu không đầu tư thời gian cho việc chọn sách, người đọc có thể bị cuốn đi, bì chìm vào sách lúc nào không hay.

Suốt một đời yêu sách, ông có nhắn nhủ gì?

Với tôi, sách là bạn, đồng thời là thầy. Đôi khi thấy sách nói đúng “tim đen” của mình, chỉ cho mình một tật xấu mà là nói nhỏ, nói tay đôi như một người bạn kín đáo, âm thầm.

Người đọc sách cũng giống như con ong hút mật, tìm cho mình cái tinh túy của sách.

Nên khởi đầu việc đọc bằng một cuốn sách hay để có tình yêu ban đầu. Cuốn sách hay là cuốn sách rèn luyện cho ta tri thức, tinh thần, tình cảm. Nói như nhà văn Pháp - Montaigne: “Tôi muốn rèn luyện tâm hồn hơn là chất đầy đủ thứ cho tâm hồn”…

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Nhật Nguyên (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Return to top