ClockThứ Tư, 18/05/2016 14:16

Sai lại càng sai

TTH - Xách búa và 1 thanh sắt đi cạy cửa nhà người khác với mục đích trộm cắp, bị chủ nhà phát hiện nên Phan Công Đức (trú tại phường Phú Cát, TP. Huế) khống chế luôn nạn nhân, cướp tài sản. Cái sai này tiếp cái sai khác, tội càng nặng hơn. Cướp 1,1 triệu đồng và 1 máy tính xách tay, nhưng Đức phải “trả giá” bằng 7 năm 6 tháng tù, vợ con “ở ngoài” nheo nhóc.

Liều

Vụ án xảy ra vào khoảng 5 giờ 30 phút một ngày cuối năm 2015. Đức mang theo búa và 1 thanh sắt, trèo từ nhà bên cạnh lên tầng 2 nhà bà P, dùng búa cạy cửa đột nhập vào nhà. Trong lúc kẻ trộm đang từ tầng 2 đi xuống tầng 1 tìm tài sản, thì bị chị N (con dâu bà P, đang ở nhà một mình) nghe tiếng động đi kiểm tra, bắt gặp. Đức không bỏ chạy mà làm liều, xông đến nắm tóc nạn nhân, giơ búa lên đe dọa: “Mi mà la lên tau đập 2 búa chết liền”. Đức “đọc lệnh” cho nạn nhân lên lầu lấy tiền, đồng thời túm cổ áo kéo chị N lên tầng 2. Tại phòng ngủ, Đức tiếp tục khống chế, buộc chị N lấy số tiền 1,1 triệu đồng trong túi xách. Nhìn quanh phòng thấy chiếc máy tính xách tay, Đức “ẵm” luôn. Sau khi khống chế nạn nhân chiếm đoạt được tài sản, yêu cầu chị N ngồi trong phòng khóa cửa lại, Đức tẩu thoát. Khoảng 1 giờ sau, chị N trình báo vụ việc với công an. Chiều hôm đó Đức bị bắt. Công an thu hồi được chiếc máy tính chưa kịp tiêu thụ, nhưng số tiền 1,1 triệu đồng đến ngày ra tòa Đức vẫn chưa trả lại cho khổ chủ. Nạn nhân xin vắng mặt tại phiên tòa, đồng thời không yêu cầu bị cáo phải bồi thường số tiền nêu trên.

Đức kể khổ, vì mưu sinh nên vợ chồng bị cáo mới buôn bán mấy thứ đồ chơi, nước uống trên khu đất Nhà nước đã giải tỏa, nhưng bị chính quyền địa phương “làm khó”, tịch thu phương tiện làm ăn và phạt hành chính 4 triệu đồng. Không có tiền nộp phạt, phương tiện mưu sinh cũng không còn, nên bị cáo phải đi ăn trộm, “kiếm” tiền để nộp phạt, lấy xe hàng ra. Tòa phân tích, bị cáo buôn bán kinh doanh không có giấy phép, chính quyền xử lý như nêu trên là đúng với quy định của pháp luật. Nếu bị cáo quá khó khăn thì phải có đơn trình bày, để cơ quan có thẩm quyền xem xét, chứ không phải đổ lỗi cho chính quyền và đi làm liều. Chính vì liều lĩnh như vậy nên bị cáo sai lại càng sai. Một vị hội thẩm nghiêm giọng: “Bị cáo có nhân thân xấu, năm 2001 mới 15 tuổi nhưng đã nhiều lần vi phạm pháp luật, nên bị UBND tỉnh đưa vào cơ sở giáo dục 24 tháng. Năm 2004, bị cáo gây gổ đánh nhau, bị công an TP. Huế xử phạt hành chính; năm 2008, 2010, tiếp tục có hành vi gây rối trật tự công cộng và bị phạt hành chính. Năm 2012, bị cáo lại bị phạt hành chính về hành vi điều khiển xe gây tai nạn giao thông; đến năm 2015 có hành vi đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ nên bị công an TP. Huế xử phạt hành chính. Bị cáo không lo tu tâm dưỡng tính mà còn tiếp tục làm liều như thế là không được.”

Vợ con khổ

Từ sáng sớm, vợ Đức đã dắt 3 đứa con (đứa lớn nhất 5 tuổi, đứa nhỏ nhất 8 tháng tuổi) đến hội trường UBND phường Phú Cát - nơi diễn ra phiên tòa lưu động, lơ ngơ giữa đám đông người đến xem tòa xử. Chiếc “xe tù” dừng nơi góc sân, Đức bị dẫn giải xuống. Đứa con lớn tỏ vẻ hoảng hốt, mắt sợ sệt dán vào hai tay của cha nằm trong chiếc còng. Một lúc sau, nó rón rén đến gần cha. Đức lóng ngóng ôm đầu con, cúi xuống thơm vào mái tóc lơ thơ của đứa trẻ, không thốt ra được lời nào. Vợ Đức gầy gò khẳng khiu, tay dắt một đứa, tay ôm đứa kia đứng xớ rớ cạnh chồng.

Nhìn vợ chồng cha con gặp nhau trong hoàn cảnh trớ trêu như vậy, không ít người nén tiếng thở dài. Thực hiện hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, Đức bị pháp luật xử lý nghiêm khắc đã đành, lại còn làm liên lụy, làm khổ vợ con. Từ ngày Đức bị bắt tạm giam, vợ Đức mới sinh dậy chưa bao lâu, sức khỏe còn yếu, nhưng phải vừa chăm con nheo nhóc, vừa một mình còng lưng lo chuyện mưu sinh. Khi hội đồng xét xử tuyên án, buộc Đức phải chấp hành hình phạt 7 năm 6 tháng tù về tội “cướp tài sản”, người phụ nữ “xấu số” bất chợt giàn giụa nước mắt. 2.700 ngày một mình nuôi dạy con thơ còn trứng nước, đâu phải là điều đơn giản. Đó chỉ mới là gánh nặng về mưu sinh, những cực khổ thiếu thốn vật chất. Điều đáng sợ hơn, có cha làm việc xấu phải đi tù mới là “gánh nặng” đối với tuổi thơ của những đứa trẻ, dễ khiến tâm hồn non nớt bị mặc cảm, tổn thương…

Phạm Thùy Chi

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Hy vọng cho đá cầu Huế

Khởi đầu thành công ở giải đấu đầu tiên, đá cầu Thừa Thiên Huế tiếp tục hy vọng sẽ có được những thành tích cao trong năm 2024 này. Đặc biệt hơn khi Thừa Thiên Huế vinh dự được chọn làm đơn vị đăng cai tổ chức Giải vô địch Đá cầu châu Á 2024.

Hy vọng cho đá cầu Huế
Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế

Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn tại Thừa Thiên Huế. Hiện, nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc đã đầu tư có hiệu quả tại tỉnh. Cùng với đó, một số dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư, hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới.

Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế
Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Return to top