ClockThứ Năm, 10/10/2019 13:47

Sai phạm trong giao và quản lý rừng ở Phú Lộc – bài 1: Lộ diện sai phạm

TTH - Việc giao đất rừng tùy tiện, không đúng quy định, không đúng đối tượng và quá trình quản lý buông lỏng, dẫn đến nhiều diện tích bị lấn chiếm, gây thất thoát tài sản của Nhà nước. Nhiều cán bộ là đối tượng được giao rừng, dẫn đến nhiều “điều tiếng” trong xã hội.

Giao, quản lý và sử dụng rừng ở Phú Lộc: Rất nhiều sai phạm

 Khu vực rừng Thủy Yên Thượng (Lộc Thủy) được BQL rừng phòng hộ Bắc Hải Vân bàn giao không đúng quy định

Thu hồi đất rừng không đúng thẩm quyền, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) rừng sai với quyết định giao đất; hàng ngàn ha đất giao trên giấy mà không giao thực địa nên bị chồng chéo, lấn chiếm... là những sai phạm lần lượt được làm sáng tỏ tại huyện Phú Lộc thời gian qua.

“Điểm nóng” Cảnh Dương

Từ phản ánh của hộ ông Huỳnh Đăng Truyền (thôn cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh), về việc diện tích rừng mà bấy lâu nay ông quản lý, khai thác lại được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho một cá nhân khác, những sai phạm trong việc giao và cấp đất trước đó của huyện Phú Lộc mới dần hé lộ.

Điều khiến ông Truyền bức xúc là diện tích rừng mà ông đã khai thác lâu nay không hề có tranh chấp, chính quyền địa phương không nhắc nhở hay cưỡng chế.

Qua tìm hiểu, năm 1988 UBND, huyện Phú Lộc có quyết định giao rừng tại khu vực Cảnh Dương cho HTX Bình Dương quản lý để bảo vệ và hưởng lợi theo phương án rừng phòng hộ chống cát bay.

Đến năm 1994, theo đề xuất của UBND xã Lộc Vĩnh và cơ quan tài nguyên, với lý do vì HTX Bình Dương không quản lý được rừng nên UBND huyện ra quyết định thu hồi. Sau đó, UBND huyện Phú Lộc ban hành các quyết định giao đất (74 lô đất) theo quy chế rừng phòng hộ cho cán bộ tại 3 tổ công đoàn thuộc cấp huyện thời đó là tổ công đoàn khối Huyện ủy, khối UBND và khối Mặt trận.

Tuy nhiên, tại Điều 24 và 28 Luật Đất đai 1993 (có hiệu lực trước khi UBND huyện Phú Lộc ban hành quyết định thu hồi đất của HTX Bình Dương) quy định, cấp UBND huyện không còn đủ thẩm quyền thu hồi đất của tổ chức mà phải UBND tỉnh. Vì thế, việc thu hồi đất của UBND huyện Phú Lộc đối với HTX Bình Dương là sai quy định. Từ cái sai này kéo theo những sai phạm nghiệm trọng sau này.

Đến năm 2004, UBND huyện Phú Lộc bắt đầu tiến hành làm thủ tục cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng đã được giao rừng trước đó. Theo quy định, để cấp giấy CNQSDĐ phải dựa trên quyết định giao đất. Theo đó, quyết định giao đất từ năm 1994 khu vực 74 lô tại Cảnh Dương là rừng phòng hộ, tuy nhiên, các giấy CNQSDĐ được cấp lại là rừng sản xuất. Vì khi đã được cấp là rừng sản xuất nên nhiều chủ rừng tiến hành mua bán, chuyển nhượng (nếu cấp rừng phòng hộ sẽ không được giao dịch mua bán). Theo thông tin thu thập được, hơn 50 lô đất đã được mua bán, chuyển nhượng; trong đó, 24 lô đã hoàn thành biến động đất đai, khiến việc khắc phục các sai phạm càng trở nên phức tạp.

Trong khi đó, lãnh đạo UBND xã Lộc Vĩnh cho biết, trước khi sự việc xảy ra, địa phương không hề hay biết có những chồng chéo, vướng mắc trong việc cấp đất vì khu vực này chưa hề xảy ra tranh chấp. Chỉ khi người dân đến làm các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận, rà soát lại hồ sơ lưu và các bản đồ liên quan mới biết có những chồng chéo như thế.

Hàng loạt sai phạm 

Trước khi sự việc ở Cảnh Dương vỡ lỡ, cách đó không lâu, hàng loạt sai phạm trong việc giao rừng và quản lý rừng thông tại xã Lộc Bổn cũng được chỉ ra.

Bằng “thủ thuật” xin phép tỉa thưa rừng thông, HTX An Nong I đã “hô biến” sạch thông và thay vào đó là tràm. UBND huyện Phú Lộc khẳng định, việc chuyển 164ha từ rừng thông sang rừng tràm của HTX An Nong I chưa được phép.

Từ tài liệu mà chúng tôi thu thập được, ở một diễn biến khác, vào năm 2008, HTX An Nong I tiến hành ký kết hợp đồng giao khoán cho người dân 164 ha rừng trên, nhưng việc giao khoán này để xảy ra vi phạm khi nhiều người nhận đất vượt hạn mức theo phê duyệt (mỗi hộ dưới 3ha). Nhiều hộ chưa ký hợp đồng giao khoán. Trong khi đó, có nhiều hộ khác ký hợp đồng vào năm 2017, nhưng thực tế được bàn giao từ những năm 2006 - 2008. Điều đáng nói ở đây là việc ký hợp đồng này không có bản đồ vị trí lô đất và cũng không được UBND xã Lộc Bổn xác nhận.

Gần đây hơn, những sai phạm của hàng loạt tổ chức được giao quản lý rừng ở Phú Lộc cũng được chỉ ra, cụ thể là Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Bắc Hải Vân, Nam Đông, Vườn Quốc gia Bạch Mã. Các cơ quan, tổ chức thuộc UBND huyện Phú Lộc, gồm: Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, các xã Lộc Sơn, Lộc Điền, Lộc Bổn, Vinh Hiền, Lộc Vĩnh, Lộc Trì, Lộc Tiến, thị trấn Lăng Cô và thị trấn Phú Lộc.

Quá trình bàn giao và tiếp nhận đất lâm nghiệp (9.749ha) từ các BQL rừng phòng hộ và các tổ chức, đơn vị chuyển giao cho UBND huyện Phú Lộc trên địa bàn các xã chỉ có các biên bản bàn giao giữa các bên, không tiến hành bàn giao thực địa; bản đồ được giao không đầy đủ; một số bản đồ bàn giao được lập trên nền dữ liệu UTM (dạng dữ liệu bản đồ trên Google), không có bản đồ dạng số dẫn đến việc tổ chức quản lý và sử dụng khó khăn, bị lấn chiếm. Các xã lưu giữ hồ sơ không đầy đủ, không có bản đồ địa chính, sổ địa chính cũng không đầy đủ,…

Cụ thể hơn, Vườn Quốc gia Bạch Mã bàn giao 758ha rừng cho UBND xã Lộc Trì đã không tiến hành bàn giao thực địa, do đó, UBND xã Lộc Trì không biết vị trí, khu vực, dẫn đến rừng không được quản lý.

Đối với BQL rừng phòng hộ Bắc Hải Vân, thực hiện bàn giao rừng tự nhiên cho UBND xã Lộc Vĩnh, Lộc Tiến, Lộc Thủy không đảm bảo vì diện tích này đã được UBND huyện, UBND tỉnh bàn giao cho các cộng đồng dân cư trước đây. Minh chứng của việc bàn giao không kiểm tra thực địa là gần 25ha tại khu vực xã Lộc Vĩnh bị chồng chéo, nằm trong hai dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô và Khu du lịch nghỉ dưỡng Quốc tế Minh Viễn.

Không chỉ dừng lại sai phạm ở lĩnh vực giao và quản lý đất rừng, đất lâm nghiệp mà ở đất nông nghiệp, đất 5%... ở Phú Lộc cũng đều có sai phạm. 

Bài, ảnh: Đức Quang

Bài 2: Buông lỏng quản lý

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc

Ngày 7/4, Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam tổ chức chương trình trao mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc
Dùng 20 triệu đồng “buôn” ma túy, lĩnh án 17,5 năm tù

Chiều 3/4, Toà án Nhân dân tỉnh tuyên phạt 17 năm 6 tháng tù với hai bị cáo Huỳnh Hạnh (SN 1993) và Hoàng Như Nghĩa (SN 2000, cả hai đều trú tại thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc) về tội “mua bán trái phép chất ma tuý”.

Dùng 20 triệu đồng “buôn” ma túy, lĩnh án 17,5 năm tù
Phú Lộc: Tập trung nguồn lực giảm nghèo và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia

Chiều 1/4, Huyện ủy Phú Lộc tổ chức hội nghị lần thứ 16, khóa XV (mở rộng), nhiệm kỳ 2020 - 2025 để đánh giá sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 04 của Huyện ủy về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết 05 của Huyện ủy về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và thực hiện quy trình rà soát, bổ sung quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Phú Lộc Tập trung nguồn lực giảm nghèo và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia
Return to top