ClockThứ Bảy, 07/10/2017 13:01
THỊ TRƯỜNG HÀNG LƯU NIỆM, QUÀ TẶNG:

Sản phẩm “made in Huế” lép vế

TTH - Huế là cái nôi của hàng trăm làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm lưu niệm và quà tặng (LN&QT) đặc sắc. Song, sản phẩm LN&QT “made in Huế” chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi hàng xuất xứ từ các tỉnh, thành khác và sản phẩm nhãn hiệu Trung Quốc tràn ngập thị trường.

Điểm bán hàng lưu niệm ở chùa Thiên Mụ khan hiếm sản phẩm của Huế

Tại khu mua sắm hàng LN&QT và đặc sản Huế ở điểm du lịch chùa Thiên Mụ, bên cạnh vài món hàng đính nhãn Huế là hàng trăm sản phẩm làng nghề của các tỉnh, thành như Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Nam, Khánh Hòa và hàng xuất xứ Trung Quốc. Từ mây tre đan Bắc Giang, mỹ nghệ đồng Bắc Ninh, gốm Phù Lãng, mộc mỹ nghệ Ninh Bình, khăn lụa Hà Nội đến các sản phẩm “rẻ như bèo” nhưng mẫu mã khá bắt mắt xuất xứ từ Trung Quốc, như ví thổ cẩm, vòng đeo tay, mỹ nghệ đồng, mũ, túi xách, nón lá…

Là người có thâm niên hơn 30 năm kinh doanh ở khu vực này, bà Nguyễn Thị Hoa khẳng định, sở dĩ các cửa hàng lưu niệm ở đây ít trưng bày sản phẩm Huế là do giá cao, mẫu mã đơn điệu nên không thu hút khách. Hơn nữa, các cơ sở ở Huế rất ít đi chào hàng, giới thiệu sản phẩm, còn người bán hàng không có thời gian về tận nơi để mua. “Khách du lịch chỉ quan tâm đến mẫu mã, chất liệu và giá cả chứ mấy ai chú trọng đến nguồn gốc hay xuất xứ sản phẩm. Thị trường cạnh tranh gay gắt nên hàng gì khách cần thì bán”, bà Hoa nói.

Tại chợ Đông Ba, nơi thu hút nhiều du khách tham quan, mua sắm, nhất là các gian hàng QT&LN. Song, bên cạnh những chiếc đèn lồng, tranh thêu, mỹ nghệ xương được làm ở Huế nằm khiêm tốn trên các gian hàng là vô số sản phẩm "ngoại".

Hàng lưu niệm tại chợ Đông Ba phần lớn có nguồn gốc từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước

Chị Hà Giang đến từ Quảng Ninh chia sẻ, tôi cùng gia đình vào Huế du lịch, trước lúc ra về dự định mua ít hàng lưu niệm làm quà biếu người thân. Song, người bán hàng chẳng giới thiệu sản phẩm Huế mà chỉ tư vấn chọn mua sản phẩm ngoại tỉnh.

Trong khi các cơ sở đúc đồng trên địa bàn tỉnh có nhiều sản phẩm có tiếng, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, thì tại Trung tâm trưng bày và giới thiệu sản phẩm đúc đồng Phường Đúc, nhiều sản phẩm đồng mỹ nghệ, lư, đèn… lại nhập về từ TP.Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hà Nội và trưng bày xen lẫn trong các mẫu đồng Huế.

Chị Hồ Thị Ngọc Ánh, cơ sở đúc Nguyễn Văn Sính thừa nhận, trên 50% sản phẩm trưng bày tại đây có xuất xứ từ các tỉnh, TP trong cả nước và đồng mỹ nghệ Trung Quốc. Cơ sở chỉ đúc chuông lớn và các loại lư, tượng phật để phục vụ nhu cầu của người dân địa phương, trong khi khách du lịch chỉ mua các sản phẩm đồng mỹ nghệ có kích cỡ nhỏ, mẫu mã đẹp nên cơ sở nhập các loại đồng mỹ nghệ nơi khác về phục vụ khách và đa dạng hóa sản phẩm.

Ngoài sự hỗ trợ của nguồn vốn khuyến công và phát triển nghề truyền thống, năm 2017 Sở triển khai cấp giấy chứng nhận sử dụng “con dấu nhận diện hàng thủ công mỹ nghệ Huế” cho các doanh nghiệp, cơ sở với mục đích bảo vệ thương hiệu và giúp du khách nhận diện quà tặng “made in Huế”. Hiện, có 11 đơn vị nộp hồ sơ đăng ký tham gia với 27 sản phẩm và nhóm sản phẩm.

Theo Phó Chủ tịch Hội Làng nghề đúc đồng Huế Nguyễn Trường Sơn, trong cơ chế thị trường, để duy trì và phát triển, các cơ sở phải cạnh tranh gay gắt nên việc nhập sản phẩm của các làng nghề đúc đồng trong cả nước về bán là điều dễ hiểu. Hơn nữa, các cơ sở đúc trên địa bàn chưa có máy móc hiện đại để sản xuất đồng mỹ nghệ kích cỡ nhỏ mà chủ yếu đúc sản phẩm lớn, như lư, chuông, tượng phật, trong khi khách du lịch lại chọn các sản phẩm lưu niệm nhỏ, gọn để dễ vận chuyển.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh - ông Dương Đắc Hoan cho rằng, lâu nay chi cục thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra kiểm soát các cơ sở kinh doanh hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ tại các chợ, điểm bán hàng du lịch. Qua kiểm tra, nếu sản phẩm nào không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chi cục đều tịch thu và tiến hành tiêu hủy.

“Cái khó ở đây là lực lượng lượng QLTT mỏng nên không thể có mặt thường xuyên tại các điểm bán hàng, trong khi các cơ sở kinh doanh lại lợi dụng lúc vắng mặt lực lượng chức năng để trưng bày các sản phẩm kém chất lượng”, ông Hoan nói.

Phó Giám đốc Sở Công thương - ông Lê Tự Dũng thừa nhận- trên địa bàn đang tồn tại nhiều làng nghề và nghề thủ công truyền thống nổi tiếng, sản phẩm được du khách ưa chuộng. Song, do đa số các cơ sở đều có quy mô vừa và nhỏ nên thiếu vốn để đầu tư trang thiết bị hiện đại, sản xuất số lượng lớn để hạ giá thành. Vì vậy, sản phẩm QT&LN Huế mẫu mã chưa đa dạng, giá thành cao nên chưa thu hút du khách.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu

Không chỉ đảm nhận chức năng hàng lưu niệm, những sản phẩm được làm ra từ các làng nghề truyền thống còn mang trong mình sứ mệnh trang trí, đạo cụ cho những chương trình nghệ thuật. Những chiếc nón, hoa giấy, con diều đủ sắc màu đã giúp người xem hiểu hơn giá trị văn hóa làng nghề.

Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu
Giữ làng nghề ở phố cổ Bao Vinh

Bao Vinh từng nổi tiếng với nhiều nghề thủ công truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều nghề đã thất truyền, chỉ còn một số nghề đang duy trì hoạt động sản xuất nhưng cũng chỉ cầm chừng.

Giữ làng nghề ở phố cổ Bao Vinh
Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán và các lễ hội

Thông tin từ Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh chiều 2/1 cho biết, theo kế hoạch, sẽ tiến hành thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra công tác ATTP trên địa bàn tỉnh. Thời gian triển khai sẽ diễn ra đến hết ngày 20/3/2024.

Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán và các lễ hội

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top