ClockChủ Nhật, 26/02/2017 06:42

Sáng & đẹp: Mong muốn & kiên trì

TTH - LTS: Khi TP. Huế có chủ trương vận động các công sở và người dân bật đèn chiếu sáng vào những đêm cuối tuần và lễ tết, dư luận phần lớn đồng tình, nhưng cũng có những ý kiến băn khoăn. Xin gửi tới độc giả bài viết này với ý muốn góp thêm một cách nhìn, giúp cho chủ trương tốt đẹp nêu trên đi vào cuộc sống.

Mục đích của chủ trương trên thì đã rõ, làm cho TP. Huế đẹp hơn vào ban đêm và cũng hàm ý để phục vụ du lịch, kéo theo là nếu thành phố sáng thì cũng để góp phần đảm bảo an ninh trật tự.

Thắp sáng thành phố là muốn Huế sáng hơn, đẹp hơn

Khi chủ trương này ra đời, theo dõi dư luận qua các kênh truyền thông, phần lớn người dân ủng hộ. Cũng có những ý kiến băn khoăn về một số khía cạnh, như sẽ tổ chức thực hiện chủ trương này như  thế nào, nó có mâu thuẫn với chủ trương tiết kiệm điện không.

Với những thế mạnh về di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, Huế từ lâu đã trở thành một trung tâm du lịch. Một thành phố phục vụ du lịch đương nhiên là đã sáng về đêm từ lâu rồi. Tăng trưởng du lịch của Huế những năm gần đây khá ấn tượng, trung bình giai đoạn từ 2011 – 2015 là 13% năm. Năm 2016 đón 3,3 triệu lượt khách. Điều mà tôi hiểu trong chủ trương “thắp sáng thành phố” là  muốn thành phố sáng hơn, đẹp hơn nữa.

Đối với quan điểm, liệu nó có đi ngược với chủ trương tiết kiệm điện không, theo tôi là nên nhìn ở khía cạnh: dùng điện tiết kiệm không có nghĩa là tổng mức điện năng tiêu thụ không tăng. Đây là một trong những yếu tố đầu vào cho tăng trưởng kinh tế. Một nền kinh tế càng phát triển, mức tiêu thụ điện và các loại nhiên liệu khác cũng tăng theo vì để (phải) phục vụ cho sự phát triển. Như vậy, bản thân mức tăng lượng điện tiêu thụ không phải là lãng phí. Nó chỉ lãng phí khi việc dùng không đúng nơi, đúng chỗ, không đáng để dùng mà vẫn dùng.

Băn khoăn chính ở chỗ là nội hàm của cuộc vận động này rộng quá, nên chăng trong quá trình triển khai thực hiện, cần khu biệt đối tượng hẹp hơn để dễ thực hiện, dễ đánh giá tính hiệu quả của một chủ trương. Đối tượng vận động thực hiện trước tiên đó là khu vực hưởng lợi trực tiếp từ du lịch. Khu vực này gồm các cơ sở lưu trú là những khách sạn. Kế đến là các khu vực phục vụ trực tiếp cho hoạt động dịch vụ du lịch khác. Nói nôm na là “vùng lõi” của du lịch. Nếu triển khai rộng quá thì e rằng hiệu quả sẽ không cao.

Tuy nhiên, cũng cần lường trước những khó khăn.

Thành phố có chủ trương này là mong muốn thành phố sáng hơn, đẹp hơn nữa. Khi vận động thực hiện chủ trương, chúng ta có thể nghĩ rằng “mỗi người một tay, mỗi người góp một ít, nó không đáng là bao so với cá nhân, nhưng sẽ được cái lớn hơn cho cái cái chung”; Chúng ta cũng có thể nghĩ rằng, ngành du lịch đã tạo ra một nguồn lợi rất lớn (hiện nay nó chiếm khoảng 15 % GDP). Con số tuyệt đối như năm 2016 là khoảng 3.300 tỷ đồng doanh thu trực tiếp và nhiều ngàn tỷ đồng nữa doanh thu xã hội phát sinh từ hoạt động du lịch. Hưởng lợi như thế thì cũng nên có trách nhiệm chung tay đóng góp!

Nhưng khi đi vào thực tế, tôi hình dung không hề đơn giản như vậy. Một công trình thực hiện chiếu sáng nghệ thuật không phải ít tốn kém. Nó gồm cả việc thiết kế thi công, chi phí cố định, chi phí thường xuyên, duy tu bảo dưỡng... Cứ quan sát mỗi lần diễn ra festival, hay các khách sạn 4, 5 sao thì thấy việc chiếu sáng không hề đơn giản và cũng không ít tốn kém. Đẹp thì thành phố đẹp thật nhưng nó sẽ đẩy chi phí của doanh nghiệp lên cao. Điều này phải hết sức tính toán trong xu thế cạnh tranh. Nói thì dễ nhưng một khi đụng đến chi phí sản xuất là các doanh nghiệp phải tính toán một cách chi li. Thứ đến, cũng có thể, TP. Huế sẽ đối diện với một lý lẽ: nếu hiểu rằng, nguồn thu mà Nhà nước thu được từ hoạt động du lịch đã là nghĩa vụ mà người dân đã thực hiện (thông qua thuế) với hàng ngàn tỷ đồng doanh thu trực tiếp và gấp hơn 2 lần con số ấy doanh thu gián tiếp, mà các nhà chuyên môn gọi là doanh thu xã hội (phát sinh từ hoạt động du lịch). Thế thì đây có phải là một chủ trương xã hội hóa lần thứ hai !? Người dân đã có nghĩa vụ đóng góp trong hoạt động du lịch tạo ra rồi, Nhà nước nên trích trực tiếp một phần trong đó để lo chiếu sáng, như thế nó đỡ phức tạp hơn nhiều không. Ở đây cũng có thể Nhà nước và Nhân dân cùng làm.

Nói về làm đẹp thành phố thì có nhiều việc phải làm. Mặc dù thành phố đã cố gắng rất nhiều trong việc quản lý đô thị nhưng ý thức thị dân cho một đô thị văn minh dường như vẫn chưa hình thành như mong muốn. Đẹp, văn minh nó còn đi kèm với điều kiện kinh tế có được, nó là một sự chuyển biến từ từ chứ không phải muốn là có ngay được. Bởi vậy cần kiên trì làm từng bước một. Ví dụ như chúng ta mong muốn tạo dựng không gian đô thị cho đẹp thì ngoài qui hoạch phải thiết kế đô thị. Những không gian cũ không nói làm gì, những không gian mới như các khu quy hoạch đô thị mới, cần phải có thiết kế đô thị. Tránh tình trạng chủ đầu tư dự án bán đất phân lô là xong, ai muốn xây dựng theo hình thù thế nào là xây…

Bài: NGUYÊN LÊ - Ảnh: HOÀNG HẢI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”

Công trình doanh trại Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh hiện đang được gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng để sớm đưa vào sử dụng. Từ đó, đảm bảo chỗ làm việc, nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao

Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”
Không chỉ giữ bình yên, mà còn phải xanh, sạch, đẹp

Dù tất bật với nhiệm vụ giữ vững sự bình yên cho cuộc sống Nhân dân, nhưng cán bộ, chiến sĩ công an trong toàn tỉnh đã sắp xếp thời gian, công việc để tham gia “Ngày Chủ nhật xanh” với mục tiêu đặt ra là: Vì một TP. Huế không chỉ bình yên, an toàn, thân thiện, mà còn phải xanh, sạch, đẹp.

Không chỉ giữ bình yên, mà còn phải xanh, sạch, đẹp
Return to top