ClockChủ Nhật, 23/09/2018 14:49

Sau cái bắt tay lịch sử

TTH - Sau cái bắt tay của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Dung và Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Đặng Việt Dũng trên đỉnh Hải Vân vào chiều 24/5/2017, cuộc hợp tác của hai địa phương nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia Hải Vân Quan đã có những bước tiến rất lạc quan.

Bảo tồn & phát huy giá trị Hải Vân Quan

Phối cảnh Hải Vân Quan sau khi được phục hồi, tôn tạo

Giới hoạt động văn hóa của cả nước gọi đó là “cái bắt tay lịch sử”. Những ai quan tâm nhiều đến di tích Hải Vân Quan cũng như những khó khăn trong việc bảo tồn di tích này trong suốt hàng chục năm qua, mới hiểu giá trị của cuộc hợp tác này ý nghĩa thế nào. Và những gì đã diễn ra tích cực trong hơn một năm qua đã chứng minh cho điều đó.

Sau buổi chiều mà lãnh đạo hai địa phương trao cho nhau biên bản hợp tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia Hải Vân Quan, nhiều cuộc bàn thảo của ngành văn hóa hai tỉnh thành đã được tổ chức. Hai bên đã thống nhất mời Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thực hiện cuộc khai quật khảo cổ học với quy mô khá lớn tại di tích Hải Vân Quan. Cuộc khai quật kéo dài 3 tháng (từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 8/2018) đã xuất lộ tường thành, bậc cấp, đồn phòng thủ của Hải Vân Quan và con đường thiên lý Bắc Nam đi qua đỉnh đèo này. Hiện vật tìm thấy trong quá trình khai quật được đưa về tạm lưu giữ ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế để bảo quản. Ngày 24/8, hội nghị báo cáo kết quả khai quật đã được tổ chức tại Đà Nẵng. Và hôm đầu tuần này, ngày 17/9, cuộc hội thảo để tìm phương án bảo tồn và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Sở Văn hóa -Thể thao Đà Nẵng phối hợp tổ chức tại Huế.

Hai phương án bảo tồn đã được cơ quan chuyên môn đưa ra và đã nhận lại nhiều ý kiến bàn thảo, đóng góp của các nhà chuyên môn đến từ Huế, Đà Nẵng và cả từ Trung ương. Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, những ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu sẽ được lãnh đạo hai địa phương lắng nghe. Sau hội thảo này, lãnh đạo hai địa phương tiếp tục ngồi lại với nhau để bàn bạc và thống nhất chọn phương án khả thi nhất. “Hải Vân Quan là di tích lịch sử quan trọng và là thắng cảnh không chỉ của hai địa phương mà của miền Trung và quốc gia. Công trình trùng tu di tích Hải Vân Quan sau khi được thực hiện sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, là gạch nối giữa hai vùng Thuận- Quảng xưa và Huế - Đà Nẵng ngày nay. Đó là công trình biểu tượng cho sự đoàn kết giữa hai địa phương Huế và Đà Nẵng, trong việc chung tay gìn giữ các giá trị di sản quốc gia”, ông Nguyễn Dung nhấn mạnh.

Phía Thừa Thiên Huế là Sở Văn hóa Thông tin và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, phía Đà Nẵng là Sở Văn hóa - Thể thao - đó là những cơ quan tích cực triển khai chương trình hợp tác này. Các nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử tại hai địa phương, từ các trường đại học ở Huế và Đà Nẵng và cả Trung ương cũng hào hứng tham gia. Nhờ vậy, chỉ hơn một năm sau ngày ký kết hợp tác, cuộc nghiên cứu bảo tồn và phát huy di tích Hải Vân Quan đã thực hiện được rất nhiều việc.

Giới truyền thông cũng trở nên quan tâm hơn đến Hải Vân Quan. Số lượng tin tức, hình ảnh Hải Vân Quan xuất hiện liên tục trên báo, trên mạng suốt một năm qua. Nhiều du khách cho biết họ chọn tham quan Hải Vân Quan vì đọc nhiều bài viết về di tích này trên báo và biết rằng Huế -Đà Nẵng đang bắt tay khai thác giá trị của di sản này. Chưa có con số thống kê cụ thể về số lượng du khách đến Hải Vân Quan trong một năm qua, nhưng theo lời của ông Lại Thanh Hà, chủ quán nước ở Hải Vân Quan, thì khách đã đến đông hơn thấy rõ, “trước đây thì chủ yếu khách tây, còn chừ thì đã nhiều khách ta”. Ông Hà được xem là nhân chứng của Hải Vân Quan thời bình, là người đầu tiên lên mở quán nước cùng với một nhà vệ sinh trên đỉnh đèo này để phục vụ du khách từ năm 1989, theo gợi ý của nhà nghiên cứu Mai Khắc Ứng - cựu cán bộ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Nhớ lại những năm tháng Hải Vân Quan hoang vắng mà mừng cho Hải Vân Quan đã bước sang một thời kỳ mới!

Nhưng Hải Vân không chỉ có Hải Vân Quan. “Hải Vân bát ngát nghìn trùng” còn có cả một vùng rừng núi giá trị, những bãi biển hoang sơ hấp dẫn du khách, một con đèo dài hơn 20km đã được báo The Guardian (Anh) bình chọn là một trong 10 cung đường ngoạn mục và cuốn hút nhất thế giới. Đường sắt Hải Vân cũng là cung đường điển hình cho đường sắt Bắc Nam về độ hiểm trở nhưng rất kỳ thú với phong cảnh hoành tráng của núi và biển, cùng 6 chiếc hầm chui qua núi và 18 chiếc cầu bắc qua suối... Một nguồn tài nguyên dồi dào và đa dạng, đang chờ những cuộc hợp tác khai thác để phát triển du lịch của hai địa phương.

Sau cuộc hợp tác bảo tồn và phát huy di tích Hải Vân Quan, chúng ta hoàn toàn hy vọng vào những cuộc hợp tác tiếp theo của hai địa phương trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế... để Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng cùng là trung tâm của miền Trung.

Bài: MINH ĐĂNG - Ảnh: THU THỦY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hải Vân Quan - Kết nối thân tình

Ngày 23/3, hai địa phương là thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức chương trình “Hải Vân Quan - Kết nối thân tình” kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024) và 49 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 - 29/3/2024). Đây là 2 địa phương giáp ranh và kết nghĩa đã lâu.

Hải Vân Quan - Kết nối thân tình
Truyền thông, vận động ủng hộ thẻ bảo hiểm

Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với các phương thức truyền thông, vận động của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã ủng hộ hàng trăm triệu đồng để trao sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Truyền thông, vận động ủng hộ thẻ bảo hiểm
Return to top