ClockChủ Nhật, 26/03/2017 09:47

Sầu đông

TTH - Hoài niệm của con người, đôi khi không phải ở một điều gì đó thiêng liêng hay bí mật mà trái lại, được nuôi nấng bởi những điều bé nhỏ, bình dị, thậm chí không tên. Ví như một món ăn, một mùi hương hay một cánh hoa li ti trôi dạt bồng bềnh. Chỉ đợi mùa đông thật cạn, cánh hoa ấy sẽ nứt từ vỏ cây khô để bung ra như những đốm mộng bên trời.

Tháng ba, có những ngày mưa giăng khắp lối khiến sáng tinh mơ, Huế được bao bọc trong một màn sương mù huyền hoặc. Sương và mưa dung tụ trong nhau, như thể đất trời không bị chi phối bởi thời gian mà chỉ còn không gian mộng mị tái sinh và ở lại vĩnh hằng. Lẫn trong khí trời ấy là cành hoa sầu đông cánh mỏng run run trong gió.

Từ ô cửa sổ nhìn ra, hình ảnh những chùm sầu đông nở đẹp trong im lặng cũng đủ khiến ta thổn thức. Một cảm giác bình yên tinh khôi như lụa trắng khi được tận mắt ngắm nhìn những cánh hoa mong manh ấy lay động bên trời hoặc chìa bóng xuống mặt sông. Khi tàn rụng, xác hoa lẫn trong xác côn trùng và lá mục, nương tựa và an nhiên. Hương sầu đông không nồng mà thanh, dịu dàng như làn hương đồng trinh của cây ngày đầu bói quả, để khi chìm trong mùi hương ấy vào một chiều mưa điệp trùng, ta chỉ muốn nhắm mắt lại để nhớ về những con đường và nhà ga mà ta đã từng du mục.

Sầu đông gần như là một loài hoa của người nhà quê. Chúng mọc dại trên triền đồi hay dưới thung lũng, cánh đồng hoặc thảng như trong công viên ở những đô thị lâu đời. Chúng không đòi hỏi được chăm sóc hay nâng niu như một loài quý hiếm. Mùa đông, khi cành cây trụi lá, những chùm quả lúc lỉu không chịu rời khỏi cây đến khi khô héo. Xuân tới, bên màu xanh lá mỡ màng, chùm hoa bé nhỏ từ tốn khoe sắc như lời cảm tạ âm thầm về sự chờ đợi của cây trong suốt sương giá mùa đông. Tôi từng biết một người Huế yêu quý sầu đông đến nỗi, đã khóc khi cây sầu đông sau nhà bị đạn bom làm cho cháy rụi.

Bởi thế đã từ lâu, người Huế trân trọng sầu đông theo suy nghĩ độc lập của mình. Họ coi sầu đông như một loài hoa của ký ức và hoài niệm thời thanh xuân. Tiến sĩ Thái Kim Lan, một người gốc Huế, đã sang Đức học tập và định cư hơn 50 năm nhưng trong ký ức của bà, sầu đông vẫn là một loài hoa đánh thức và nuôi nấng hoài niệm một cách chân thật và rung động nhất. Người phụ nữ ấy đã từng viết về sầu đông như viết về thuở nữ sinh Đồng Khánh mộng mơ và lãng mạn của mình: "Trong buổi sáng đầy sương mù, hoa với sương hoà lẫn với nhau không còn phân biệt màu sắc, trên đường đi mọi vật mờ ảo như một giấc mộng. Cả bọn con gái đạp xe đi như những chiếc bóng mơ hồ bồng bềnh, tà áo trắng ẩn hiện vô hình trong gió, không ai nói năng chi một lời, lặng lờ đi theo "tiếng" của hương thơm ngây ngất tẩm lên da thịt và tóc, cảm giác đê mê như đang trôi dạt trong những lớp sương gió thổi ngược vào người…". Những dòng chữ được chiết xuất từ kỷ niệm và cát bụi thời gian, rõ ràng, tự bản thân chúng đã mang trong mình một mùi hương thân thuộc.

Có những chiều tản bộ, ta tha thiết nhận ra rằng, sầu đông không phải là một loài hoa xa lạ với người Việt Nam, từ đồng bằng lên thành thị. Nhưng sự hồn hậu quê mùa của nó vẫn mang một sức quyến rũ khó cưỡng, như một người tình rạo rực, trinh nguyên. Màu sắc và mùi hương thân thuộc ấy đã lưu giữ một thế giới mà ta đã có hoặc đã mất, hoặc có khi đó chỉ là điều mà ta luôn ước ao. Và dẫu có thế nào đi chăng nữa, hoa vẫn luôn ở bên người, lặng thinh và nhẫn nại, như dòng sông mùa thu ngày kín gió.

NGUYÊN HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chầm chậm tháng Ba

Tháng Ba, đôi khi mình muốn ngồi thật lâu dưới một tán cây. Những dải nắng trùng trình rọi qua vòm lá rậm, rắc mật lên bờm hoa mê mướt tím, đậu lại trên đôi cánh bầy sẻ đang mổ vào hư vô. Màu xanh ngợp đầy của lá tràn vào lồng ngực tháng Ba, như thôi thúc người ta hoài vọng về một quãng đồng mùa con gái, một cánh rừng rộng đến mộng mị, hay ấp ủ chiêm bao trong mảnh vườn tuổi nhỏ. Lứa gió đầu xuân hãy còn hây hẩy, nhu mì, nhón tay mở những cánh cửa tỉnh thức, thả bầy ý nghĩ đi rong. Giữa quãng vắng tưởng như bất động, mình ngồi đợi những xa xôi quay về.

Chầm chậm tháng Ba
Ký ức rồng xanh

Ấn tượng về rồng sớm nhất trong tôi mà đến nay còn lưu giữ, là con rồng ở đình làng; ngôi đình được xây dựng lại. Sợ chiến tranh tàn phá, xã mang sắc bằng, kèo cột cất giấu trong làng. Tôn tạo lại đình tuy nhỏ hơn song vẫn mang dáng vóc ngày xưa. Tôi nhớ câu thơ truyền trong dân gian mà mấy cụ đọc lại về ngôi đình bị hư hại bởi đạn bom, trước lúc nó được tháo dỡ đem cất: “Đình làng nay không rồng bay phượng múa/ Đứng trụi trần như bốt gác đầu thôn…”.

Ký ức rồng xanh
Ký ức mặn nồng & rực đỏ

Té ra cái vùng Ngũ Điền từng rất khổ, rất xa, rất khó khăn nhiều bề quê tôi có khá đông người làm nghề viết, cả văn và báo. Trong đó có anh bạn trẻ, phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế, giờ “trở chứng”, toàn viết trên trang facebook của mình về kỷ niệm, tập hợp lại, in tới mấy cuốn sách hót hòn họt. Toàn thời đói khổ mà vui.

Ký ức mặn nồng  rực đỏ
Văn Cao và ký ức thơ, nhạc, họa

Nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhà thơ Văn Cao được biết đến là một trong những nghệ sĩ tài danh hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ 20. Ca khúc “Tiến quân ca” của ông được chọn là Quốc ca Việt Nam. Năm 2023 là tròn 100 năm ngày sinh của bậc tài danh ấy (15/11/1923 - 15/11/2023).

Văn Cao và ký ức thơ, nhạc, họa
Return to top