ClockThứ Hai, 28/05/2018 06:30

Sẻ chia cùng cộng đồng

TTH - Truyền thống đạo lý “lá lành đùm lá rách”, “bầu ơi thương lấy bí cùng” của dân tộc Việt Nam đã và đang được Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh lồng vào những hoạt động từ thiện - nhân đạo, để triết lý sống "tốt đời, đẹp đạo” thấm sâu vào tâm thức mỗi phật tử và người dân.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thăm, chúc mừng Đại lễ Phật đản

Các sư cô thuộc Ban Từ thiện Xã hội GHPGVN tỉnh tặng quà cho người mù tại thị xã Hương Thủy

Chúng tôi có dịp theo chân đoàn từ thiện của Ban Từ thiện Xã hội GHPGVN tỉnh đến thăm và tặng quà cho người mù tại huyện Phú Vang và thị xã Hương Thủy vào ngày 22/5. Những nụ cười bừng sáng hạnh phúc khi đón nhận những phần quà từ tấm lòng thiện nguyện. Dịp này, 200 suất quà gồm tiền mặt và nhu yếu phẩm trị giá từ 200 -300 nghìn đồng/suất đã được gửi đến người mù tại hai huyện, thị.

Em Hồ Thị Thắng Lợi (Phú An, Phú Vang) tâm sự, mỗi dịp lễ, tết, các chùa đều tổ chức các hoạt động từ thiện dành cho người khuyết tật. Quý sư thầy, sư cô luôn ân cần hỏi thăm, giúp đỡ chúng em rất nhiều trong cuộc sống. “Lần này em còn chuẩn bị hẳn một bài hát dành tặng quý sư cô”, Thắng Lợi hồ hởi. Còn Bà Trần Thị Quên (Phú Thượng, Phú Vang) trải lòng, bà rất vui và xúc động khi nhận được quà hỗ trợ, giúp gia đình có thêm chi phí trang trải cuộc sống bớt khó khăn.

Trong nhiều hoạt động mà Ban Từ thiện Xã hội GHPGVN tỉnh tổ chức nhân Đại lễ Phật đản năm 2018, riêng Ban Từ thiện Xã hội GHPGVN tỉnh tổ chức trao 2.000 suất quà trị giá khoảng 500 triệu đồng đến người nghèo, người khuyết tật tại các huyện Nam Đông, Phú Lộc, Phú Vang, thị xã Hương Thủy… và bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ngoài ra, còn tổ chức “Cơm chay mùa Phật đản” vào ngày rằm, dự kiến phát miễn phí hơn 2.000 suất cơm chay cho sinh viên nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Ni sư Thích Nữ Diệu Đàm, Trưởng ban Từ thiện Xã hội GHPGVN tỉnh cho biết, những chuyến thăm, tặng quà cho người nghèo, người khuyết tật với mong muốn giúp họ tiếp thêm nghị lực, vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Hòa thượng Thích Huệ Phước, Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Chánh Thư ký GHPGVN tỉnh thông tin, trong dịp Đại lễ Phật đản 2018, giáo hội đã kêu gọi Ban Trị sự Phật giáo 6 huyện, 2 thị xã và TP. Huế, đứng đầu là Ban Từ thiện Xã hội GHPGVN tỉnh tổ chức các hoạt động từ thiện. Đây là hoạt động thường niên của Phật giáo Huế nhằm giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. “Hoạt động từ thiện của Phật giáo Huế không chỉ diễn ra tại các kỳ Đại lễ Phật đản mà còn là hoạt động xuyên suốt, với nhiều hình thức đa dạng, tập trung trên hai lĩnh vực: cứu tế an sinh và hoạt động các cơ sở từ thiện y tế, giáo dục”, Hòa thượng Thích Huệ Phước thông tin.

Theo thống kê năm 2017, GHPGVN tỉnh đã vận động các nguồn tài trợ để thực hiện công tác cứu tế an sinh các gia đình khó khăn và bệnh nhân ở Triệu Phong, Gio Linh, Cam Lộ (Quảng Trị), Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Tân Thọ (Thanh Hóa), Bệnh viện Trung ương Huế, Trung tâm Nuôi dưỡng Xã hội An Hòa…; thăm và tặng quà đến học sinh nghèo hiếu học, các cô nhi, người khuyết tật và gia đình nạn nhân lũ lụt, xây nhà tình thương với tổng kinh phí hơn 3,8 tỷ đồng.

Trên địa bàn tỉnh có 9 cơ sở từ thiện y tế duy trì hoạt động thường xuyên, như: Trung tâm Kế thừa và ứng dụng y học cổ truyền Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa, Phòng Chẩn trị Y học Cổ truyền Tuệ Tĩnh đường Cự Lại… Trong đó, nổi bật là Phòng khám Đa khoa Từ thiện Tuệ Tĩnh đường Hải Đức, đây là cơ sở khám chữa bệnh có chuyên môn và uy tín cao, trong năm 2017 đã đón hơn 40.000 lượt bệnh nhân.

GHPGVN tỉnh thành lập nhiều trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, trung tâm dạy nghề và nhà dưỡng lão nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa. Điển hình là Nhà Dưỡng lão Diệu Viên hiện đang nuôi dưỡng 24 cụ già neo đơn. Tại đây, các cụ được các sư cô chăm sóc tận tình trong sinh hoạt thường ngày lẫn lúc ốm đau bệnh tật.

Bà Hà Thị Vĩnh (61 tuổi), một trường hợp được các sư cô chùa Diệu Viên cưu mang tâm sự, bà đã sống tại nhà dưỡng lão gần 15 năm, mọi người tại đây đều quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau như một gia đình thực sự.

Bài,ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa sách đến với cộng đồng

Những năm qua, bên cạnh công tác phục vụ tại chỗ cũng như tổ chức các sự kiện về văn hóa đọc, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế còn triển khai việc đưa sách, báo về phục vụ tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, các đồn biên phòng, trại giam… với mong muốn đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ sách, báo của người dân.

Đưa sách đến với cộng đồng
Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống

Đối với cư dân Đông Nam Á nói chung, gắn với đời sống sông nước và truyền thống nông nghiệp lúa nước, lễ hội đua thuyền là một sinh hoạt văn hóa phổ biến, có lịch sử lâu đời, được thực hiện với mục đích chính là cầu ngư, cầu mưa, cầu an và thể hiện tinh thần thượng võ, vui chơi giải trí.

Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống
Return to top