ClockThứ Năm, 30/05/2019 10:38

Sen vào hạ

TTH - Khi những đóa sen mới chỉ chúm chím khoe sắc, khoe hương, thì một dãy dọc hồ Tịnh Tâm đã thấy gần chục hàng bày bán những sản vật từ sen...

SenHồ Tịnh & sen Huế

Những sản vật từ sen

Đâu hơn chục năm trước, mỗi khi ngang qua đều nghe câu “sen Tịnh chớ sen chi…” từ mấy o bán hàng. Nhưng sen có mùa, mà hàng thì bày bán quanh năm, dần dà người mua cũng biết, cũng “hiểu” nên chi câu “cửa miệng” chừ không còn nữa. Thay vào đó là câu “sen Huế”, gần thì trồng quanh thành phố, xa thì Phong Điền, Vinh Thanh…

Đầu mùa, ghé hàng sen dọc hồ Tịnh Tâm, khách cắc cớ sen Huế mới ra bông, lấy chi có gương, có hột mà răng mấy o ngồi xoi xoi bán bán mua mua hay rứa? Thì có mới hay mới tài, anh mua em bớt vài ngàn, không mua thì… đi để người khác mua chơ em mới mở hàng, đừng chụp ảnh chi mà tội… Thì mua, rồi nghe chị bán hàng khuyên mua sen tươi mà ăn, để cũng được dăm ngày. Một lạng hột tươi nấu chừng 3, 4 chén chè đủ vị ngọt - bùi - thơm cộng thêm cả bổ…

Hết hột tới tim. Không “đủ trình” thưởng thức trà ướp hoa sen như người xưa thì mua một ít tim sen, về đến nhà trộn với nhúm chè, vài cánh hoa lài ngan ngát, đợi xong bữa cơm, dưới cái oi nồng chiều chớm hạ, vợ chồng bắc ghế vừa nhấm nháp cái vị đắng chát ngọt hậu thoang thoảng thơm vừa ngắm nhìn con trẻ í ới quanh sân...

Hạt sen được gia công

Còn muốn ăn củ sen phải đợi đến tầm tháng 7, tháng 8 lúc lá sen đã cháy vàng. Củ non ăn ngon thôi rồi. Nhưng thật ra chỉ có ai… đạp củ trộm mới biết được vị ngọt, mát ngai ngái bùn non của củ sen chưa đến kỳ trưởng thành. Còn với chủ hồ, thường phải đợi củ lớn bằng cổ tay trẻ con mới lội bùn thu hoạch.

Hột sen Huế nổi tiếng ngon hơn nơi khác vì bùi, thơm và ăn xong mà dư vị cứ lần khần trong khoang miệng. Nhưng đó phải là sen “chính gốc” hồ Tịnh. Có điều, nếu sen nơi khác trồng ở Huế mà hạp đất, hạp nước thì vị ngon – tuy không bằng – nhưng cũng đáng để đợi khi vào mùa…

Mà kể cũng lạ, chẳng biết ai “phát kiến” cái nghề “lột vỏ, xoi tim” ven đường quanh hồ Tịnh Tâm. Mới đầu ngang qua, nói mấy bà ni rảnh, tự nhiên vác đống gương sen ra đường ngồi lột lột, xoi xoi. Nhà gần hồ, sen đầy ra đó, ưa ăn xuống bẻ vài gương chơ mắc chi mà mua với bán. Nhưng tới chừ đã hơn chục năm, mấy hàng sen vẫn sống dai, sống khỏe.

Là vì sen thương người lam lũ. Là vì hoa, lá, hột, củ và cả thân rễ chẳng có thứ gì vứt đi. Có lẽ vậy…

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai mạc ngày hội Sen Huế 2023 - Sen tô sắc Huế

Tối 23/6, ngày hội Sen Huế 2023 với chủ đề “Sen tô sắc Huế” chính thức được khai mạc tại hồ Tịnh Tâm, TP. Huế. Sự kiện do UBND tỉnh chỉ đạo Sở Du lịch chủ trì phối hợp với công ty TNHH LAATA Việt Nam thực hiện, với sự đồng hành của Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt, Công ty Cổ phần hàng không Vietjet và một số doanh nghiệp khác ở trong và ngoài tỉnh. Đến dự lễ khai mạc ngày hội có các ông: Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Khai mạc ngày hội Sen Huế 2023 - Sen tô sắc Huế
Khám phá ẩm thực cung đình từ Sen Huế

Sau 2 lần diễn ra vào các năm 2018 (chủ đề “Truyền thuyết một loài hoa”) và 2022 (chủ đề “Sen - tinh hoa của đất trời”), Ngày hội Sen Huế 2023 với chủ đề “Sen tô sắc Huế” sẽ được tổ chức tại hồ Tịnh Tâm trong 3 ngày 23, 24 và 25/6.

Khám phá ẩm thực cung đình từ Sen Huế
Nghiên cứu xác định sâu, bệnh chính gây hại và biện pháp phòng trừ trên cây sen

Chiều 5/6, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) tổ chức hội nghị nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài KHCN cấp tỉnh "Nghiên cứu xác định một số loại sâu, bệnh chính gây hại và các biện pháp phòng trừ trên cây sen (sen Huế và sen cao sản) tại Thừa Thiên Huế" do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh chủ trì.

Nghiên cứu xác định sâu, bệnh chính gây hại và biện pháp phòng trừ trên cây sen
Đêm mùa hạ

Những ngày nắng chói chang của mùa hạ, ban ngày bầu trời ngan ngát xanh.

Đêm mùa hạ
Mùa dâu tiên

Lũ chim sáng nay chẳng hiểu sao lại kéo về xôn xao nơi ngọn dâu tiên bên hiên nhà.

Mùa dâu tiên
Return to top