ClockThứ Năm, 25/05/2017 09:21

Siết chặt mở ngành đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ

Thông tư 09/2017/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành hoặc chuyên ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành hoặc chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ đã chính thức có hiệu lực. Thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 38/2010/TT-BGDĐT.

Có Hội đồng trường mới được mở ngành đào tạo mới

Thông tư 09 quy định ngành đăng ký mở phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sở đào tạo; được xác định trong phương hướng hoặc kế hoạch phát triển của cơ sở đào tạo và đã được hội đồng trường hoặc hội đồng quản trị quyết nghị thông qua.

Điều này đòi hỏi cơ sở đào tạo phải có định hướng hoạt động, những vấn đề lớn như phát triển ngành đào tạo phải được hội đồng trường/hội đồng quản trị thông qua để có hướng đầu tư, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng trước khi mở ngành. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cơ sở nào không kiện toàn bộ máy tổ chức, chưa có hội đồng trường thì chưa được đăng ký mở ngành đào tạo mới.

Thông tư 09 quy định, phải có 5 giảng viên (GV) đủ điều kiện để mở mỗi ngành, theo đó, số giảng viên này không được trùng với danh sách giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo cùng trình độ của các ngành khác. Điều đó không có nghĩa là các GV này không tham gia giảng dạy các môn học phù hợp thuộc ngành gần mà là xác định chuẩn giảng viên để mở thêm mỗi ngành mới, tránh tình trạng cơ sở đào tạo mở nhiều ngành cùng nhóm để tăng cường tuyển sinh trong khi đội ngũ GV không được phát triển tương xứng, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Nhằm nâng cao trách nhiệm chuyên môn của các nhà khoa học, góp phần hình thành đội ngũ nhà khoa học đầu ngành và hình thành các nhóm giảng dạy-nghiên cứu mạnh, Thông tư 09 quy định mỗi ngành đào tạo phải có ít nhất 01 giáo sư hoặc phó giáo sư đúng ngành chịu trách nhiệm chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo trước cơ sở đào tạo và xã hội.

Các viện nghiên cứu khoa học phải do Thủ tướng Chính phủ thành lập hoặc ghi nhận bằng văn bản mới được mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ khi đủ điều kiện quy định

Nâng cao các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo

Bên cạnh việc kế thừa quy định về điều kiện nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế…, Thông tư 09 còn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo thông qua các quy định:

Khi mở ngành mới, cơ sở đào tạo phải đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng GDĐH theo quy định hiện hành hoặc đã đăng ký kiểm định chất lượng GDĐH theo kế hoạch kiểm định của Bộ GDĐT.

Giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng phải được đào tạo phù hợp với nội dung học phần được phân công giảng dạy; mỗi môn học cơ sở ngành hoặc chuyên ngành của ngành thuộc nhóm ngành sức khoẻ phải có ít nhất 01 GV đủ điều kiện đảm nhiệm, phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nếu giảng dạy hoặc hướng dẫn thực hành học phần liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở đào tạo thạc sĩ ngoài công lập, phải có tối thiểu 40% giảng viên đủ điều kiện trong độ tuổi lao động để có đội ngũ GV nòng cốt, kế thừa và phát triển ổn định; khi triển khai đào tạo trình độ thạc sĩ tại phân hiệu thì phải đảm bảo đủ điều kiện về cơ sở vật chất và có 40% đội ngũ GV cơ hữu thuộc phân hiệu…

Đối với mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, nếu chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng thì cơ sở đào tạo phải phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong hoạt động đào tạo và hoạt động khoa học công nghệ liên quan đến ngành đăng ký đào tạo.

Đối với mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, cơ sở đào tạo phải có tạp chí khoa học công nghệ riêng; có chương trình hợp tác quốc tế liên quan đến ngành đăng ký đào tạo trong trao đổi giảng viên, sinh viên, học viên; có kế hoạch mời chuyên gia nước ngoài, chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh thuộc ngành đăng ký đào tạo;

Các viện nghiên cứu khoa học phải do Thủ tướng Chính phủ thành lập hoặc ghi nhận bằng văn bản mới được mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ khi đủ điều kiện quy định.

Tăng cường giao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH

Nếu trong Thông tư 38, việc thẩm định điều kiện thực tế (giảng viên, cơ sở vật chất) thuộc thẩm quyền của sở GDĐT và việc thẩm định chương trình đào tạo giao cơ sở đào tạo khác thực hiện thì theo Thông tư 09, các việc này đều thuộc quyền tự chủ của cơ sở đào tạo.

Theo đó, cơ sở đào tạo tự chủ về kiểm tra và thống kê điều kiện thực tế, xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo. Việc thẩm định chương trình đào tạo thuộc hội đồng chuyên môn theo quy định, có sự tham gia của đại diện đơn vị sử dụng lao động sau đào tạo và phải gắn với thẩm định các điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế để đảm bảo yêu cầu của chương trình đào tạo.

Cơ sở đào tạo cũng được tự chủ trong việc quy định ngành gần với ngành đăng ký đào tạo và ghi rõ trong đề án mở ngành.

Ngoài các ĐHQG, Thông tư 09 còn giao cho thủ trưởng các cơ sở GDĐH đã được cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn quốc gia (theo khoản 2, Điều 33 Luật GDĐH), thủ trưởng các cơ sở GDĐH được cấp có thẩm quyền giao quyền tự chủ được tự quyết định mở ngành đào tạo theo quy định (Điều 4).

Các điều kiện quy định trong Thông tư chỉ là điều kiện tối thiểu, khuyến khích các cơ sở đào tạo nâng chuẩn chất lượng đào tạo của cơ sở cao hơn các chuẩn tối thiểu trong Thông tư và công khai, minh bạch cho người học, người sử dụng lao động biết và lựa chọn. Các cơ sở đào tạo có kế hoạch mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cần chuẩn bị đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và duy trì, phát triển tốt hơn trong quá trình đào tạo.

Đối với các cơ sở GDĐH được giao quyền tự chủ mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ cần xây dựng quy định cụ thể về điều kiện, quy trình, thủ tục mở ngành trên cơ sở các quy định khung của Thông tư 09.

Đối với cơ sở GDĐH đã và đang đào tạo các ngành/chuyên ngành trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ phải rà soát, bổ sung các điều kiện GV, cơ sở vật chất đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng quy định tại Thông tư 09 trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày 20/5/2017 (Thông tư 09 có hiệu lực); hàng năm, phải rà soát, duy trì các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định và phát triển tốt hơn trong quá trình đào tạo.

Các cơ sở GDĐH đào tạo ngành/chuyên ngành trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ mới chưa có trong Danh mục đào tạo đã được 2 khoá tốt nghiệp cần tổ chức đánh giá chương trình đào tạo, chất lượng và hiệu quả đào tạo, việc làm của người học sau khi đào tạo; ý kiến của người sử dụng lao động về chương trình đào tạo và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực; báo cáo và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung tên ngành mới vào Danh mục đào tạo.

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố 63 cụm thi THPT quốc gia 2018

Bộ GD&ĐT vừa công bố danh sách 63 cụm thi THPT quốc gia 2018. Theo đó, Bộ GD-ĐT giao các ĐH, học viện, các trường ĐH, các trường CĐ có nhóm ngành đào tạo giáo viên phối hợp với các sở GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 theo đúng quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp.

Công bố 63 cụm thi THPT quốc gia 2018
Trường đại học sẽ được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh

Theo dự thảo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên, trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, trường đại học sẽ được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong đó bao gồm dựa trên số giảng viên thỉnh giảng.

Trường đại học sẽ được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh
Bộ trưởng GD-ĐT hứa đồng hành, tăng lương cho giáo viên

Cận kề Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, nếu chỉ yêu cầu các thầy cô phải cố gắng lên, phải đổi mới đi mà điều kiện làm việc, chế độ lương bổng, điều kiện làm việc, thậm chí cả danh dự không được bảo vệ một cách chính đáng thì không được…

Bộ trưởng GD-ĐT hứa đồng hành, tăng lương cho giáo viên

TIN MỚI

Return to top