ClockThứ Năm, 26/10/2017 13:26

Siết chặt quản lý cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng

TTH - Đại tá Hoàng Văn Thành, Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) tỉnh cho biết: Các mặt hàng khí hóa lỏng, xăng dầu là loại hình kinh doanh đặc biệt, phải đảm bảo các tiêu chuẩn, yêu cầu hết sức khắt khe. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tuân thủ quy định của một số cơ sở kinh doanh này chưa nghiêm túc, dẫn đến nhiều nguy cơ mất an toàn cháy nổ.

 Kiểm tra công tác phòng, chống cháy nổ tại một cửa hàng kinh doanh xăng dầu

Thời gian gần đây, tình trạng cháy, nổ đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu và khí hóa lỏng trên cả nước diễn ra hết sức phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu là do sự bất cẩn, chủ quan, lơ là của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong công tác PCCC.

Còn chủ quan

Thống kê của Cảnh sát PCCC tỉnh, hiện toàn tỉnh có 5 kho chứa gas, 2 trạm sang chiết gas, gần 300 cửa hàng kinh doanh gas; 2 kho chứa xăng dầu và 115 cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Từ năm 2015 đến nay chưa xảy ra vụ cháy nào nhưng đã từng xảy ra một vụ nổ tại kho gas ở Phú Thượng, Phú Vang làm chết 1 người, thiệt hại tài sản hơn 200 triệu đồng. Nguyên nhân của vụ việc được xác định là do vi phạm quy trình sang, chiết gas.

Để siết chặt công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ sở này, thời gian qua, Cảnh sát PCCC tỉnh đã tiến hành kiểm tra 1.138 lượt tại cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng trên địa bàn. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 27 cơ sở vi phạm các quy định về PCCC; xử phạt hành chính gần 70 triệu đồng, thu giữ 64 bình gas không đảm bảo; đồng thời, kiến nghị, hướng dẫn khắc phục những sơ hở, thiếu sót về PCCC trong quá trình hoạt động tại cơ sở.

Thực tế tại cửa hàng kinh doanh gas T. T. trên đường Nguyễn Sinh Cung cho thấy, có những thời điểm, cửa hàng tồn chứa quá số lượng, khối lượng gas cho phép; không có lối thoát hiểm; bình bọt chữa cháy chưa đầy đủ hoặc đã hết hạn sử dụng, không còn tác dụng. Hoặc ở cửa hàng gas B. trên đường Lê Quý Đôn (TP. Huế), gia đình tận dụng tầng 1 làm cửa hàng kinh doanh gas, bán tạp hóa, trong đó có các bình gas mini được tái sử dụng nhiều lần để sang chiết, cửa hàng kinh doanh gas nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong khu dân cư nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy lan, cháy lớn.

Theo Cảnh sát PCCC tỉnh, qua kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh gas thuộc thành phần tư nhân, có nhiều trường hợp người đứng đầu cơ sở chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác PCCC; việc tự kiểm tra an toàn PCCC, tuyên truyền, nhắc nhở về PCCC cho công nhân hầu như không triển khai; không tổ chức huấn luyện PCCC hằng năm và không mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định. Việc xây dựng phương án chữa cháy, thoát nạn, cứu người, tài sản và chế độ thực tập các phương án này chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều cơ sở không tiến hành kiểm tra thường xuyên hệ thống, thiết bị điện; một số điểm có nguy cơ cao về cháy nổ phải sử dụng loại thiết bị điện loại phòng nổ nhưng chưa được lắp đặt, thay thế; thiếu chú ý cho điện trở nối đất định kỳ đối với hệ thống chống sét, hệ thống chống tĩnh điện.

Sớm chấn chỉnh

Năm 2017, Sở Công thương cũng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thanh kiểm tra các tổng đại lý, đại lý trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện các quy định đăng ký kinh doanh gas, công tác an toàn phòng chống cháy nổ, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, thiết lập hệ thống đại lý… Qua kiểm tra 237 cơ sở kinh doanh, phát hiện 7 cơ sở kinh doanh khí hóa lỏng vi phạm, xử phạt 13,5 triệu đồng. Các cơ sở vi phạm về điều kiện kinh doanh: Không có giấy chứng nhận tập huấn PCCC; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; không có giấy chứng nhân đã qua đào tạo nghiệp vụ kinh doanh khí hóa lỏng theo quy định... đã được yêu cầu cam kết khắc phục, không tái phạm.

Theo Thượng tá Trần Hoài Nam, Trưởng phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC tỉnh, nhằm tăng cường các biện pháp phòng ngừa, không để xảy ra cháy, nổ đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu, cần rà soát lại việc thực hiện các điều kiện an toàn PCCC theo quy định về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu; phương tiện PCCC cho nhà và công trình; lắp đặt trang thiết bị điện cho cửa hàng xăng dầu. Trong đó, chú ý các điều kiện về khoảng cách an toàn PCCC giữa các công trình, hạng mục bên trong và bên ngoài cửa hàng, hệ thống điện, hệ thống chống sét bảo vệ, việc trang bị phương tiện PCCC; niêm yết bảng nội quy, tiêu lệnh PCCC, biển báo, biển cấm ở những nơi có nguy cơ cháy, nổ cao hoặc có khả năng gián tiếp gây cháy, nổ. Tăng cường công tác tự kiểm tra an toàn PCCC; trang bị, lắp đặt các hệ thống, phương tiện PCCC đầy đủ theo quy định và duy trì các điều kiện phục vụ cho công tác chữa cháy tại chỗ; tổ chức thực tập, diễn tập phương án xử lý các tình huống sự cố để chủ động triển khai, huy động lực lượng và phương tiện ứng phó khi cần thiết.

Đối với các cơ sở kinh doanh khí hóa lỏng, cần thực hiện nghiêm các điều kiện an toàn PCCC theo quy định chung về an toàn cửa hàng, chai chứa khí đốt hóa lỏng và việc bảo quản, xếp dỡ vận chuyển; thường xuyên kiểm tra về các điều kiện an toàn PCCC như: Điều kiện thoát nạn, lối thoát nạn, hệ thống điện, hệ thống chống sét bảo vệ, hệ thống điện; đảm bảo các yêu cầu an toàn trong quá trình xếp dỡ, tồn chứa và bày bán khí hóa lỏng; niêm yết bảng nội quy, tiêu lệnh PCCC các biển báo, biển cấm ở khu vực kinh doanh; nghiêm cấm nạp sạc, sang chiết gas trái phép và mua bán các bình gas mini đã qua sử dụng nhiều lần; định kỳ tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng, đảm bảo về số lượng, chất lượng và khả năng hoạt động của các phương tiện PCCC tại chỗ để kịp thời triển khai sử dụng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Thời gian tới, Cảnh sát PCCC tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra các cơ sở còn lại, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không chấp hành yêu cầu của cơ quan chức năng, kiên quyết đình chỉ và tạm đình chỉ hoạt động đối với các đơn vị không đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC- Đại tá Hoàng Văn Thành, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh nói.

Việc ban hành các quy định rõ ràng đã có, tuy nhiên, thực hiện các quy định, tiêu chuẩn an toàn PCCC đến đâu lại phụ thuộc rất lớn vào ý thức, trách nhiệm của chủ cửa hàng cũng như nhân viên tại các cửa hàng kinh doanh gas, xăng dầu. Bởi khi có cháy xảy ra, trước hết sẽ ảnh hưởng đến độ an toàn của chính những người làm việc tại đây và các hộ dân xung quanh. Bởi vậy, các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng Cảnh sát PCCC  cần siết chặt quản lý hơn nữa với các cơ sở kinh doanh các mặt hàng nguy hiểm này.

Ông Nguyễn Duy Thành, Phó Giám đốc Sở Công thương:

Tăng cường công tác quản lý nhà nước

Hoạt động kinh doanh gas, xăng dầu trên địa bàn được sở quản lý nghiêm ngặt, thông qua việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và giấy phép sang chiết gas theo đúng quy định; hằng năm đều tổ chức thanh kiểm tra toàn bộ các đại lý nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đối với các mặt hàng này. Tuy nhiên, điều kiện về địa hình, sự phân bố không đồng đều của các khu vực dân cư cũng như sự phát triển của hệ thống nhà hàng, khách sạn nên mạng lưới kinh doanh xăng dầu và  khí hóa lỏng có sự phát triển không đồng đều, thường tập trung nhiều tại thành phố nơi có đông dân cư sinh sống. Chúng tôi sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về loại hình kinh doanh đặc biệt này, nhằm góp phần ngăn ngừa những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

THÁI SƠN (ghi)

Bài, ảnh: Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như cơ quan chức năng liên quan đang gấp rút chạy đua để thực hiện mục tiêu đến 31/3/2024 hoàn thành triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với lĩnh vực xăng dầu.

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi
Xăng tăng, dầu giảm

Sau phiên điều hành của Liên bộ Tài chính – Công thương, giá xăng dầu ở kỳ này có sự tăng giảm trái ngược nhau.

Xăng tăng, dầu giảm

TIN MỚI

Return to top