ClockThứ Tư, 01/10/2014 16:08

Siết chặt quản lý kinh doanh gas

TTH - Gas giả nhãn hiệu, thiếu trọng lượng và sử dụng tem chống giả không đúng quy định là thực trạng hiện nay đối với thị trường cung ứng gas trên địa bàn tỉnh gây bức xúc cho người tiêu dùng. Chấn chỉnh lại hoạt động kinh doanh gas đang được Sở Công thương siết chặt.

Khó quản lý

Hiện trên địa bàn có hơn 10 nhãn hiệu gas tiêu thụ như Gas Petrolimex, Thành Lợi, Petro VN, VT gas, Sefs gas, Total gas, Petronass, SP gas… Do có nhiều hãng gas phân phối nên vấn nạn gas giả nhãn hiệu, tem giả và thiếu trọng lượng xuất hiện tràn lan gây bức xúc cho người tiêu dùng. Mặt khác, giá gas liên tục được các DN điều chỉnh nên người dân gặp nhiều khó khăn. “Tôi có thói quên gọi gas một đại lý nhiều năm, song nhiều lần phát hiện bình gas quá cũ, tên thương hiệu mờ nhạt nên thấy lo. Hỏi người chở họ bảo quan trọng là chất lượng gas bên trong chứ vỏ bình không quan trọng”, chị Trần Thị Tuyền trú ở 78/9 Phan Bội Châu cho hay. 
Toàn tỉnh hiện có 2 trạm chiết nạp và 250 cơ sở, cửa hàng kinh doanh gas, cung cấp một lượng lớn chất đốt cho người dân. Trong đó, trạm chiết nạp của chi nhánh (CN) Gas Petrolimex Đà Nẵng tại Huế ở kho Thuận An có dung tích bể chứa 120m3 và công suất 2.400 tấn/năm; trạm chiết nạp của Xí nghiệp Thành Lợi ở Cụm công nghiệp Hương Sơ có dung tích 43m3, công suất 800 tấn/năm.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc CN Gas Petrolimex Đà Nẵng tại Huế cho biết: “Trung bình mỗi năm, CN cung ứng cho thị trường Huế khoảng 210 tấn gas, chiếm 25% thị phần toàn tỉnh. Để bảo vệ thương hiệu và uy tín cho DN cũng như an toàn cho người sử dụng, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra các cửa hàng, đại lý kinh doanh gas phát hiện các đối tượng sử dụng bình gas mang thương hiệu Petrolimex để chứa các loại gas khác và xử lý các bình gas giả nhãn hiệu. Song, do địa bàn rộng, ý thức của người dân trong việc lựa chọn gas chất lượng chưa cao, chủ yếu là chọn gas theo lời mời của đại lý hoặc chú trọng đến gas giá rẻ, khuyến mại nhiều nên vấn nạn gas giả ngày càng nhiều và khó quản lý.”
Cái khó trong hoạt động quản lý mặt hàng này hiện nay là do trên địa bàn chỉ có 2 trạm chiết nạp được cấp phép chiết nạp hai loại gas mang thương hiệu Petrolimex và Thành Lợi đảm bảo đủ trọng lượng, có tem nhãn và kiểm soát vỏ bình đảm bảo an toàn cho người sử dụng, còn lại các cơ sở nhập hàng từ các tỉnh, TP khác về và bán lẻ cho khách nên khâu quản lý về chất lượng, trọng lượng và vỏ bình gặp nhiều khó khăn. Lâu nay, nhiều DN lợi dụng các thương hiệu gas uy tín đã qua kiểm định như Petrolimex, Thành Lợi, Petro VN để tự ý lấy vỏ bình sang chiết gas trái phép tung ra thị trường, gây ảnh hưởng đến tính mạng và quyền lợi người tiêu dùng.
 
Chấn chỉnh
Hiện trường các vỏ bình gas cũ, gas giả được lực lượng QLTT tịch thu chuẩn bị đưa đi tiêu hủy
Mới đây, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) phát hiện tại Nhà hàng Tân Hương Sen, đường Nguyễn Trãi sử dụng bình gas lớn có trọng lượng 79 kg giả nhãn gas Petrolimex vì sử dụng tem chống giả không đúng quy định, thiếu trọng lượng tới 6,3kg... Sau khi điều tra được biết Cửa hàng gas Tuấn ở 113 Đặng Tất, phường An Hòa cung cấp. Song, sau khi lực lượng QLTT đến kiểm tra cửa hàng thì cửa hàng đã tháo bảng hiệu và đóng cửa không kinh doanh khiến công tác xử lý gặp khó khăn. Tháng 6/2014, CN Gas Petrolimex Đà Nẵng tại Huế phối hợp với Chi cục QLTT tỉnh Quảng Trị bắt quả tang xe chở gas của đại lý Tân Nhà Việt ở đường Hàn Mặc Tử, TP Huế sử dụng 45 vỏ bình gas Petrolimex để chứa gas không có nhãn hiệu đánh lừa người tiêu dùng đang trên đường vận chuyển vào Huế tiêu thụ. Tại đây, cơ quan chức năng tịch thu 45 vỏ bình gas và xử phạt hành chính.
Từ 1/7 đến 20/9/2014, Sở Công thương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thanh kiểm tra các tổng đại lý, đại lý trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện các quy định đăng ký kinh doanh gas, công tác an toàn phòng chống cháy nổ, niêm yết giá và bán theo gái niêm yết, thiết lập hệ thống đại lý… Qua kiểm tra, đa số các cơ sở thiết lập hệ thống đại lý tương đối tốt, tuy nhiên vẫn còn một số cơ sở còn thờ ơ trong việc niêm yết giá, lơ là khâu phòng chống cháy nổ, đoàn đã nhắc nhở và xử lý theo quy định. “Hoạt động kinh doanh gas trên địa bàn được sở quản lý nghiêm ngặt, thông qua việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và giấy phép sang chiết gas theo đúng quy định, đồng thời hằng năm sở đều tổ chức thanh kiểm tra toàn bộ các đại lý nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đối với mặt hàng này”, ông Phan Hùng Sơn, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết.   
Gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện và rất nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người sử dụng, nên việc kiểm tra kiểm soát hoạt động kinh doanh gas phải luôn được quan tâm. Trước những bất cập hiện nay trong việc sang chiết gas trái phép hay điều chỉnh giá gas, các ban ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa khâu kiểm tra kiểm soát thị trường gas nhằm lập lại trật tự trong kinh doanh, đồng thời bảo vệ quyền lợi đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Tăng cung để hạ nhiệt giá vàng

3.400 lượng vàng đã trúng thầu trong phiên đấu thầu vàng đầu tiên sau 11 năm tạm ngừng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ghi nhận trên thị trường, giá vàng đã giảm khá mạnh do ảnh hưởng từ thị trường thế giới cũng như thông tin về đấu thầu vàng miếng thành công.

Tăng cung để hạ nhiệt giá vàng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top