ClockThứ Năm, 16/06/2016 14:00

Siết chặt quản lý phương tiện vận tải đường thủy

TTH - Vì lợi nhuận trước mắt, nhiều chủ thuyền du lịch chở quá số người và đậu đỗ đón khách sai quy định. Để nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ và xử lý tận gốc những vi phạm.

Cố tình vi phạm

Trung tá Lê Viết Sơn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy cho biết, do trình độ học vấn của một số chủ phương tiện còn thấp, ý thức trách nhiệm còn hạn chế, một số thuyền trưởng, thuyền viên chấp hành chưa nghiêm Luật Giao thông đường thủy; nhiều chủ thuyền bất chấp quy định đón trả khách không đúng nơi quy định, chở quá số người, không trang bị đầy đủ dụng cụ, phao cứu sinh…

Kéo thuyền lên đà để kiểm tra phần chìm  

“Trừ các bến đò ngang, còn lại các thuyền du lịch hoạt động tại các bến thuyền đò dọc tại TP. Huế không quy định mặc áo phao lên tàu thuyền. Tuy nhiên, lực lượng Cảnh sát đường thủy thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở  các chủ thuyền cố gắng sắp xếp, bố trí áo phao gần điểm du khách ngồi để thuận tiện sử dụng, nhằm đảm bảo an toàn cho du khách nếu có sự cố xảy ra     
Trung tá Lê Viết Sơn 

Phòng Cảnh sát đường thủy tăng cường kiểm tra hoạt động vận tải thuyền du lịch trên sông Hương đã phát hiện và xử phạt 3 phương tiện không có lệnh xuất bến, 6 phương tiện chở quá số người quy định và 3 trường hợp người điều khiển phương tiện không có bằng thuyền trưởng hạng ba. Đồng thời, phát hiện 37 trường hợp đậu đỗ đón trả khách sai quy định, xử phạt 37 triệu đồng… Nếu các trường hợp cố tình vi phạm lần hai sẽ lập biên bản xử lý và tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Chủ thuyền TTH 0162 cho biết: “Trước đây, chúng tôi cứ nghĩ việc chở quá người là bình thường, nhưng sau vụ chìm tàu ở sông Hàn đã rút ra được kinh nghiệm. Mới đây, có thuyền chở vượt quá hai người bị lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt 800.000 đồng. Đó là bài học đắt giá, không dám chở quá người quy định”.

Siết chặt quản lý

Toàn tỉnh có 128 thuyền hoạt động chở khách du lịch trên sông Hương được Sở Giao thông Vận tải quản lý về đăng ký, đăng kiểm. Định kỳ hàng năm các phương tiện kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường 1 lần. Nếu trường hợp thuyền nào chưa đủ điều kiện như không có áo phao, thiếu đèn tín hiệu, thiết bị phòng chống cháy nổ… bắt buộc chủ phương tiện đó phải trang bị đầy đủ mới được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật. Trong thời gian 3 năm, mỗi chiếc thuyền đều được kéo lên đà để kiểm tra về phần chìm.

Cảnh sát đường thủy tuần tra trên sông Hương

Ông Trương Văn Hoàng, chuyên viên Phòng Quản lý Vận tải và phương tiện (Sở Giao thông Vận tải) xác nhận: “Đến thời điểm này, tất cả 128 thuyền chở khách du lịch trên sông Hương đều đã đăng ký, đăng kiểm và đã được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Những chiếc thuyền này được người dân đóng mới khoảng năm 1990, sau đó nâng cấp và cải hoán phù hợp với việc vận chuyển khách du lịch”.

Mặc dù Ban Quản lý bến xe, thuyền TP. Huế thường xuyên phối hợp với lực lượng Cảnh sát đường thủy và các phường Kim Long, Phú Hội, Vĩnh Ninh để tăng cường kiểm tra thuyền du lịch trên sông Hương, nhưng trên thực tế, vẫn có nhiều thuyền đón trả khách bến tự phát như Đập Đá và điểm trước Bia Quốc học Huế để né tránh việc đăng ký làm thủ tục xuất bến; tình trạng ghép khách giữa sông vẫn còn diễn ra… Việc này dẫn đến nguy cơ mất an toàn đối với khách đi thuyền rồng.

Trung tá Lê Viết Sơn cho biết: “Tình trạng ghép khách giữa dòng sông là nguy cơ tiềm ẩn rủi ro xảy ra cao, đơn vị cử cán bộ phải túc trực và theo dõi thường xuyên, kịp thời phát hiện xử phạt và tạm giữ phương tiện để răn đe. Tuy nhiên, để phát hiện tình trạng ghép khách không đơn giản chút nào. Đơn cử, như hai thuyền đang nổ máy và tiến tới gần nhau để ghép khách nhưng lực lượng cảnh sát bắt gặp thì họ nói rằng đang đứng giữa dòng để khách ngắm cảnh (?!!). Cảnh sát đường thủy cố gắng tăng cường kiểm tra để tình trạng ghép khách sớm chấm dứt”.

Theo Quyết định số 31, ngày 27/9/2012 của UBND tỉnh về quản lý hoạt động vận tải hành khách du lịch đường thủy nội địa, các doanh nghiệp hoặc chủ tàu thuyền muốn hoạt động chở khách du lịch trên sông Hương phải có giấy đăng kiểm; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; bảo hiểm nhân sự; thuyền trưởng phải có bằng lái hạng ba... Theo đó, thuyền trước khi xuất bến phải được kiểm tra giấy chứng nhận đăng kiểm và các giấy tờ liên quan. 

Bài, ảnh: Thanh Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Taxi Hà Nội Hải Phòng Đức Anh giá rẻ chỉ từ 900k/chuyến

Taxi Hà Nội Hải Phòng là dịch vụ được nhiều người quan tâm và tìm kiếm. Taxi Đức Anh nổi lên là đơn vị uy tín cung cấp dịch vụ này với nhiều xe đời mới chất lượng cao, nhân viên phục vụ chu đáo, và giá cả phải chăng.

Taxi Hà Nội Hải Phòng Đức Anh giá rẻ chỉ từ 900k chuyến
Du lịch đường thủy ở Huế: Giàu tiềm năng, nghèo dịch vụ

Thừa Thiên Huế có nhiều lợi thế để khai thác du lịch đường thủy. Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, các dòng sông, cảnh quan hai bên bờ sông và đời sống dân cư ven sông là nguồn tài nguyên quý phát triển du lịch. Tiềm năng lớn, nhưng bao nhiêu năm khách vẫn đang đợi chờ những dịch vụ du lịch.

Du lịch đường thủy ở Huế Giàu tiềm năng, nghèo dịch vụ

TIN MỚI

Return to top