ClockThứ Tư, 17/06/2015 18:12

Sinh viên cần kỹ năng để không thất nghiệp

TTH - Nhiều kiến thức và kinh nghiệm bổ ích để sinh viên có thể tự tin hơn ngay từ trên giảng đường đại học và khi bước vào đời đã được diễn giả - doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn SFC, chia sẻ tại Hội thảo "Sinh viên Kinh tế làm gì để không thất nghiệp" được tổ chức tại Trường đại học Kinh tế Huế.

Sàn giao dịch việc làm 2015 do Trường đại học Kinh tế Huế tổ chức thu hút rất đông sinh viên tham gia

Phụ thuộc vào bạn

“Nhà tuyển dụng không chỉ nhìn bộ hồ sơ đẹp mà trên tinh thần học hỏi của các bạn và khả năng phát triển của bạn. Bạn có nhìn được gì từ thất bại của mình? Nếu thất bại thì bạn đối mặt với nó thế nào? Bạn phải có khả năng học hỏi, rớt 1 lần thì lần 2, lần 3 sẽ đậu. Hãy vững tin vào điều đó!”. Bà Trương Lý Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp TP.HCM (BSSC), Tổng thư ký Hội Doanh nhân Trẻ TP. Hồ Chí Minh.
Ngành kinh tế là ngành có tỉ lệ đào tạo lớn nhất hiện nay, “cung” đã vượt gấp 3 lần “cầu” (nhu cầu của nền kinh tế). Ngược lại, ở góc độ nhà tuyển dụng, nhiều người vẫn nói rất cần người nhưng không tìm được người phù hợp. Làm sao để khoảng cách giữa người tuyển dụng và sinh viên xích lại gần nhau? Ông Quỳnh đưa ra câu hỏi và câu trả lời đó như sau: thứ nhất, hãy chuẩn bị xin việc khi bắt đầu đặt chân vào đại học chứ không phải năm cuối. Thứ hai, thất nghiệp hay không phụ thuộc vào bạn chứ không phải là thị trường!
Một câu hỏi đặt ra nữa là khi còn trên ghế giảng đường, nên tập trung vào việc học hay kiếm tiền? Với câu hỏi này, ông Quỳnh lưu ý, các nhà tuyển dụng đều quan tâm đến bảng điểm của bạn, đặc biệt là môn chuyên ngành. “Lý do là vì nếu bạn không trân trọng môn bạn học thì chứng tỏ bạn không đáng tin cậy! Trong quá trình học đại học, có thể có môn không phù hợp và bạn có thể học không giỏi những môn đó nhưng đã là môn chuyên ngành thì bạn phải học cho giỏi. Hãy cố gắng học tốt, đặc biệt là môn chuyên ngành”, ông Quỳnh nhấn mạnh.
Phải học tốt ngoại ngữ là lưu ý tiếp theo ông Quỳnh đưa ra. “Nếu có vốn ngoại ngữ giỏi, bạn sẽ được trả lương cao hơn 30% người không nói tốt tiếng Anh. Cộng đồng kinh tế Asean sẽ mở cửa cuối năm nay, nếu bên cạnh bằng cấp chuyên môn bạn lại giỏi tiếng Anh nữa thì bạn sẽ được trả lương cao hơn, được trọng vọng hơn!”
Bên cạnh ngoại ngữ, tin học và những kỹ năng cần thiết khác như kỹ năng quản lý thời gian cũng rất cần được trau dồi. Để quản lý thời gian có nhiều cách nhưng ông Quỳnh chia sẻ một kinh nghiệm thú vị, đó là chia công việc thành 3 cột: 1 cột liệt kê những việc cần phải làm; 1 cột - những việc sẽ làm; 1 cột - những việc không bao giờ làm. Các sinh viên cũng nên lập một lịch tuần, trên đó mỗi ngày viết các việc phải làm. “Làm việc hay học tập đều phải có kế hoạch và hãy can đảm thực hiện nó”, ông Quỳnh kết luận.
Tổ chức các hoạt động là một kỹ năng mềm cần thiết nữa để ra trường dễ tìm được việc làm. Một trong những môi trường tốt nhất để rèn kỹ năng này là phong trào Đoàn, Hội. “Nhiều người nói hoạt động Đoàn, Hội vô bổ nhưng khi phỏng vấn tôi luôn hỏi về kỹ năng này vì nếu bạn tham gia hoạt động Đoàn, Hội sẽ năng động, giảm cái “tôi” và biết sống vì người khác hơn. Do vậy, các bạn hãy dành thời gian để rèn luyện và tự khẳng định bản thân. TP Hồ Chí Minh có nhiều doanh nhân xuất thân là cán bộ Đoàn”, ông Quỳnh cho hay.
Đối với câu hỏi, có phải chỉ học chuyên ngành không là đủ, ông Quỳnh cho rằng, các bạn sinh viên không nên chỉ quan tâm tới môn chuyên ngành mình học mà còn phải quan tâm đến kiến thức nền về kinh tế nói chung bởi nếu sinh viên kinh tế không chịu đọc báo, theo dõi thời sự thì sẽ gặp khó khăn trong làm kinh tế.
Hãy chuẩn bị hồ sơ xin việc ngay từ bây giờ chứ không chỉ năm cuối là lời khuyên tiếp theo được diễn giả Tuấn Quỳnh đưa ra. Nhiều công ty đòi hỏi kinh nghiệm làm việc nhưng sinh viên mới ra trường thì sao có kinh nghiệm? Câu trả lời là: “Nhà tuyển dụng rất quan tâm đến kết quả, bằng chứng làm việc, hoạt động xã hội,... của bạn. Do vậy, hãy thu thập những thư giới thiệu, giấy xác nhận, giấy chứng nhận,... cho mình trong quá trình học. Ví dụ, làm bài tập nhóm có kết quả xuất sắc, hãy nhờ giáo viên xác nhận vào; hãy giữ cẩn thận giấy khen chiến sĩ tình nguyện hè xuất sắc trong Chiến dịch tình nguyện hè, Tiếp sức mùa thi,...”, ông Quỳnh gợi ý.
Thái độ sống cực kỳ quan trọng
Với vai trò người tuyển dụng, ông Quỳnh cho biết 4 yếu tố các công ty chú ý ở sinh viên ra trường là: kiến thức, kinh nghiệm, thái độ sống và mối quan hệ. Trong đó, thái độ sống cực kỳ quan trọng vì thái độ sống phù hợp giúp bạn có mối quan hệ tốt với nhiều người, học được những kiến thức và rèn luyện những kỹ năng phù hợp quyết định thành công của mỗi người.
Vậy, ở đại học phải rèn luyện thái độ sống thế nào? “Hãy tích cực học hỏi ở trường, qua sách vở, đi làm thêm (nên làm thêm những việc gần và phù hợp với ngành của mình). “Chúng ta có ba người thầy: ở trường, sách vở và những thầy không đứng trên bục giảng, đó là bạn bè, ba mẹ,... Hãy học hỏi từ 3 người người thầy đó và tôi khuyên các em nên tập thói quen đọc sách. Hãy sống chân thành và cởi mở với người xung quanh để có mối quan hệ tốt và điều đó giúp cuộc sống mình phong phú hơn, nhiều cơ hội việc làm hơn. 50% công việc sinh viên có được là dựa trên mối quan hệ”, ông Quỳnh nhấn mạnh.
Một kênh nữa để xây dựng giá trị của sinh viên kinh tế nói riêng và sinh viên nói chung là sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng, có mối quan hệ tốt với những người cùng mối quan tâm. Những kinh nghiệm tiếp theo mà ông Quỳnh đưa ra là hãy xây dựng quan hệ tốt với bạn bè ở bậc đại học; hãy luôn luôn cố gắng hoàn thành công việc vượt hơn sự mong đợi bởi điều này sẽ khẳng định giá trị của bạn đối với người khác, giúp bạn tự tin, được đánh giá cao và điều đó sẽ giúp bạn thành công. “Tôi đã tham gia một khoá học 4 ngày chỉ để nhớ 6 chữ: “Tôi là lời nói của tôi”. Đã hứa, đã cam kết điều gì thì sống chết cũng phải làm cho bằng được. Ở đời hơn nhau là ở chữ tín, hãy giữ chữ tín, có như vậy bạn sẽ có sự tin tưởng hợp tác lâu dài”, ông Quỳnh chia sẻ.
Bài và ảnh: Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông

Ngày 19/4, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm trưởng đoàn công tác đã khảo sát thực tế nút giao cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa bàn huyện Phong Điền; sau đó làm việc với UBND tỉnh về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông
Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6: Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi

Cuộc đánh chiếm đảo Cô Lin của kẻ thù vào năm 1988 đã thất bại trước sự anh dũng, kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ Hải quân. Hình ảnh con tàu HQ 505 huyền thoại bốc cháy thành ngọn lửa quyết tử để giữ được đảo Cô Lin luôn in hằn trong trí nhớ người dân Việt Nam. Cô Lin ngày xưa kiên cường, Cô Lin ngày nay luôn chắc tay súng, thường trực cảnh giác để canh giữ trời biển. Gió biển vẫn mát rượi thổi vào đảo như tình yêu quê hương…

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6 Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

TIN MỚI

Return to top