ClockThứ Năm, 18/09/2014 07:09

Sinh viên chưa hững hờ với sách

TTH - 9h tối, gần đến giờ đóng cửa nhưng vẫn còn vài sinh viên say sưa ngồi đọc sách tại Nhà sách Phú Xuân. Không thể nói là nhiều nhưng sẽ hoàn toàn sai nếu nói sinh viên bây giờ hờ hững với sách.

Rảnh là đến nhà sách

Lê Thị Hằng, sinh viên lớp 7A Trường cao đẳng Y tế Huế cho hay: “Một tuần em đến đây đọc sách 1-2 lần, cứ rảnh là em lại đi nhà sách. Không có tiền nên em thường đến... đọc “miễn phí”, đọc sách để thư giãn đầu óc và mở mang thêm nhiều kiến thức mới”. Theo nhân viên bán hàng, những loại sách sinh viên thường tìm đọc là hạt giống tâm hồn, sách về lứa tuổi học đường, các kỹ năng sống, truyện ngắn, tiểu thuyết,...

 

9h tối ở nhà sách Phú Xuân vẫn còn nhiều sinh viên ngồi đọc sách. Ảnh: Ngọc Hà

Thanh Thảo, lớp Toán B, Trường ĐH Sư phạm thường xuyên đến nhà sách Fahasa Huế để đọc sách. “Từ nhỏ, bố em thường đưa mấy chị em đi nhà sách - Thảo kể - Một lần bố thưởng cho một số tiền nhỏ, em liền chạy đến nhà sách để mua sách và tình cờ gặp bố ở đó. “Tư tưởng lớn” gặp nhau! Hôm đó, bố đã cho em thêm tiền để mua cuốn sách mà em thích”.

Với Thảo, đọc sách là để nuôi dưỡng những ước mơ. “Em muốn một ngày nào đó được đến những vùng đất mà tác giả đã đến, trải nghiệm và viết những câu truyện của chính mình!”, Thảo hào hứng. Cô bạn này cũng có cách rất hay để vừa có thể tiết kiệm chi phí vừa được đọc nhiều sách, đó là rủ bạn bè cùng lên mạng vinabook, tiki.vn,... để mua sách (vì thường nếu mua trên mạng từ 200.000 đồng trở lên sẽ được giảm giá). Cả nhóm sau đó sẽ trao đổi sách cho nhau cùng đọc. Thích những tác phẩm kinh điển nhưng cảm thấy mình chưa trải nghiệm nhiều để có thể hiểu thấu đáo những cái hay của tác phẩm, cô bạn này quyết định sưu tầm những cuốn sách hay để dành sau này sẽ đọc. Thảo cho biết, trong tủ sách của mình hiện có trên 40 cuốn sách chủ yếu là văn học nước ngoài và tác phẩm du ký, thám hiểm.

“Trang sách chính là cửa sổ mở sang những cuộc đời khác, những thế giới khác. Và cũng là chỗ để ánh sáng mặt trời rọi vào cuộc đời mình”.
 
Nhà toán học - Giáo sư Ngô Bảo Châu

Hữu Huân, sinh viên lớp Y5G, Trường ĐH Y dược Huế chia sẻ: “Em thường lên mạng tìm hiểu trước nội dung một cuốn sách xem có hay không rồi đi nhà sách mua quyển sách đó. Nếu mình chọn mua quyển sách hay, đáng giá với số tiền bỏ ra mình sẽ quý sách hơn”. Huân cho biết, dù học khá bận nhưng cũng như Huân, các bạn của Huân cũng đam mê đọc sách và đề ra mục tiêu: mỗi tuần phải đọc một cuốn sách, tháng nào bận quá thì mỗi tháng phải đọc một cuốn. Vì bận học không có thời gian đi nhà sách và thư viện nhiều nên Huân thường mua những quyển sách mình thích, để đó khi nào rảnh đem ra đọc. “Cầm quyển sách trên tay đọc sẽ thích hơn nhiều so với đọc trên mạng. Sách mang lại cho em nhiều điều quý giá, đặc biệt là có cách đánh giá và nhìn nhận cuộc sống tốt hơn”, Huân nói. Cùng mê sách, Diệu Thuần, lớp Y3G, cho hay: “Em thường đi nhà sách vào cuối tuần hoặc những lúc bị stress. Các bạn em ai cũng thích đọc sách và mỗi dịp sinh nhật lại mua sách để tặng. Sách làm cho cuộc sống thật ý vị. Em nghĩ, thời đại nào thì đọc sách cũng có lợi”.

Định hướng cho các em cách đọc

Đến Trung tâm học liệu - Đại học Huế vào một buổi chiều trong tuần, điều khiến tôi khá ngạc nhiên là nơi đây quá vắng vẻ!

Thuỳ An, sinh viên năm cuối lớp Hoá 4A, Trường ĐH Sư phạm Huế đang ngồi học ở đây bảo: “Em chỉ đến đây để học và thi thoảng mượn sách chuyên ngành, còn sách giải trí em không mượn vì không có thời gian! Có tháng em không tới trung tâm lần nào. Sinh viên tụi em thường đến đây chủ yếu là vào mùa thi để ngồi học vì yên tĩnh, thoải mái, có máy tính nên có thể truy cập thông tin cần thiết”. An cho biết mình thường giải trí bằng cách nghe nhạc, đi xem phim vào những lúc rảnh rỗi còn đọc truyện thì hơi... “xa xỉ”. “Nhiều sinh viên bây giờ không mặn mà với sách và nếu có đọc thì cũng chỉ đọc trên mạng - Thu Nhi - sinh viên ngành Toán, Trường ĐH Sư phạm Huế nói. - Bữa nay ai cũng có điện thoại di động và máy tính nên có thể lên mạng đọc vừa đỡ tốn tiền vừa tiện lợi, có thể đọc sách ở bất cứ nơi đâu”. Bản thân Nhi cũng ít đi nhà sách và thư viện vì “không hào hứng và không có thời gian”.

Lên mạng đọc sách - sở thích mới của giới trẻ. Ảnh: Võ Nhân

Tại thư viện Trường ĐH Sư phạm Huế, mới 4h chiều nhưng phòng đọc đã khá vắng vẻ. Cả gian phòng rộng chỉ có hơn 10 sinh viên đang ngồi rải rác đọc sách và làm bài nhóm. Thanh Hà, sinh viên Khoa Văn, cho biết: “Mỗi tuần, em đến đây 3 lần để mượn các tác phẩm văn học. Ở đây khá vắng. Em tưởng mình thuộc loại ít đọc nhưng lên đây mới thấy hầu như các bạn em rất ít tới đây đọc sách. Hỏi ra mới biết các bạn rảnh là rủ nhau đi chơi, đến gần thi mới vội vàng đọc để thi”. Theo Hà, thói quen đọc sách phải rèn luyện từ nhỏ.

Chị Huỳnh Thị Xuân Phương, Phó phòng Dịch vụ - Thông tin, Trung tâm học liệu - Đại học Huế cho biết, hiện ở trung tâm mỗi ngày có 200-300 lượt bạn đọc, trong đó số lượng sinh viên mượn sách văn học, truyện, sách giải trí,... khoảng gần 1/3, còn lại là mượn sách tham khảo.

Theo chị Phương, “Hiện nay, phương tiện truyền thông đa phương tiện ảnh hưởng nhiều đến sinh viên và lượng bạn đọc có giảm đi nhưng tôi không nghĩ là sinh viên hờ hững với sách và văn hoá đọc trong giới trẻ đã mất đi!”. Để khơi gợi niềm đam mê đọc sách cho sinh viên, trung tâm thường tổ chức các toạ đàm, triển lãm về sách. Phần thưởng dành cho sinh viên trong những buổi toạ đàm ấy cũng chính là những cuốn sách. “Dù số lượng sinh viên tham gia không nhiều nhưng những em đã đến rất đam mê và cực kỳ yêu sách. Có những hôm, chúng tôi tổ chức toạ đàm về sách, dù trời mưa gió nhưng các em vẫn tới để chia sẻ về cuốn sách mà mình yêu thích. Các em chính là những “hạt giống” truyền cảm hứng đọc sách cho những bạn bè khác. Bây giờ điều cần phải nghĩ tới là hướng cho các em đọc cái gì, cảm nhận sách như thế nào, chọn sách ra sao để những cuốn sách thực sự mang lại điều bổ ích”, chị Phương nói.

Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Tổ chức ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam

Chiều 17/4, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp Trường tiểu học Phú Tân (phường Thuận An, TP. Huế) tổ chức chương trình Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam.

Tổ chức ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam
Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12

Trong hai ngày 16 và 17/4, tất cả học sinh lớp 12 trên toàn tỉnh tham gia làm bài thi khảo sát theo đề chung, được tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây được xem là bước khảo sát kiến thức trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12
Return to top