ClockThứ Bảy, 28/05/2016 14:45

Sở hữu trí tuệ trong TPP: Mạnh tay thay đổi hay chấp nhận thiệt thòi?

Sở hữu trí tuệ là một trong những thách thức lớn nhất của hệ thống pháp luật nước ta khi Việt Nam bước vào sân chơi TPP với rất nhiều quy định ngặt nghèo.

Sở hữu trí tuệ còn bị bỏ ngỏ

Khi gia nhập TPP, việc xây dựng và hoàn thiện một cơ chế pháp lý rõ ràng, minh bạch và chặt chẽ là điều kiện tất yếu để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời bảo vệ chính các sáng chế trong nước.

Tại Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ ban hành năm 2005, có hiệu lực từ 01/07/2007 đã thay thế toàn bộ các Nghị định và văn bản hướng dẫn về từng lĩnh vực của sở hữu trí tuệ trước đó. 

Tuy vậy, hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ ở nước ta vẫn diễn ra ngang nhiên trên nhiều lĩnh vực, từ văn hóa nghệ thuật, phần mềm máy tính đến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại.

Trên thực tế, hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn nhiều yếu kém, thiếu thốn đội ngũ nhân lực pháp chế phù hợp. Việt Nam chưa có tòa án chuyên trách để thụ lý và giải quyết tranh chấp, các tòa án dân sự lại không có thẩm phán về sở hữu trí tuệ. Thêm vào đó số lượng giám định viên còn quá ít.  Cho đến nay, mới chỉ có Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ thực hiện chức năng này. Khi hội nhập TPP, đội ngũ ít ỏi nói trên sẽ là không đủ để giải quyết những tranh chấp hết sức phức tạp trong phạm vi lãnh thổ quốc gia cũng như trên trường quốc tế.

Đặc biệt cũng phải kể đến những điểm lỏng lẻo trong chế tài xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện hành.

Hiệp định TPP quy định rõ về việc sử dụng các biện pháp thực thi quyền sở hữu bao gồm cả dân sự, hành chính và tố tụng hình sự. Ở Việt Nam, cả 3 biện pháp trên đều được áp dụng và đều đã bộc lộ những bất cập nhất định.

Xử lý hành chính là chế tài được áp dụng với hầu hết các vi phạm về sở hữu trí tuệ hiện nay. Ở mức phạt tối đa là 250 triệu đối với cá nhân và 500 triệu đối với tổ chức, chế tài có nhiều lỗ hổng cho các đối tượng vi phạm tính toán giữa mức xử phạt và số lợi nhuận thu được từ hành vi của mình, do vậy không đủ sức răn đe. Chỉ với các vụ việc vi phạm quyền sở hữu công nghiệp và quyền tác tác giả, quyền liên quan ở mức quy mô thương mại, Bộ luật hình sự 1999 và sửa đổi bổ sung 2009 mới cho phép tiến hành khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn thi hành đối với Bộ luật về 2 tội danh này chưa có hướng dẫn cụ thể như thế nào thì được xác nhận là “quy mô thương mại”.

Biện pháp dân sự thể hiện nhiều ưu điểm, thông qua các phán quyết của Tòa án bắt buộc các bên phải thực hiện nên giải quyết được các vấn đề về bồi thường thiệt hại, đồng thời có thể ngăn chăn hành vi xâm phạm. Nhưng trên thực tế, chủ thể quyền ngại khởi kiện vì: quy trình tố tụng tại Việt Nam kéo dài, tốn kém chi phí và ảnh hưởng đến uy tin của bản thân các bên tham gia; để khởi kiện cần có sự tham gia của luật sư do nghĩa vụ chứng minh (được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự) thuộc về đương sự.

Với một loạt các tồn tại mang tính hệ thống như trên, nếu không sớm hoàn thiện hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ  và đồng thời phải chịu những quy định ngặt nghèo của TPP,  nền kinh tế tất yếu sẽ chịu nhiều thiệt thòi.

Nội luật hóa TPP: Yêu cầu cấp thiết

Tại hội thảo “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – Cơ hội và thách thức” tổ chức tại Đại học Luật – Đại học Huế, Thạc sĩ Nguyễn Thị Lê Huyền, giảng viên Khoa Luật Dân sự, cho rằng: “Việc đảm bảo tính tương thích của pháp luật quốc gia và TPP là một yêu cầu mang tính cấp thiết cho việc đảm bảo quyền lợi của các chủ thể mà đặc biệt là công dân và các doanh nghiệp Việt khi Hiệp định chính thức có hiệu lực.”

Đối với chế tài dân sự, cần thắt chặt quy định về bồi thường thiệt hại để tăng sức răn đe của chế tài. Theo đó, với các vụ kiện dân sự liên quan đến hành vi vi phạm các quyền liên quan đến bảo hộ các tác phẩm, bản ghi âm và các chương trình biểu dẫn (khoản 6 điều 18.74 TPP). không nên quy định mức giới hạn tối thiểu – tối đa (từ 5 triệu đồng đến 500 triệu đồng) như hiện nay mà nên quy định theo hướng mở, mức bồi thường phụ thuộc vào tính chất của hành vi vi phạm.

Mặt khác, ngoài việc xây dựng dự liệu về khoản bồi thường thiệt hại định trước còn phải thiết lập và duy trì các quy định về khoản bồi thường thiệt hại bổ sung, bao gồm khoản tiền phạt để cảnh cáo hoặc trừng phạt. Riêng đối với các trường hợp xâm phạm bản quyền, quyền liên quan và giả mạo nhãn hiệu (khoản 5 điều 18.74 TPP), nếu bên sở hữu quyền chứng minh được lợi nhuận thu được từ hành vi xâm phạm, cần quy định bổ sung mức thanh toán từ lợi nhuận thu được cho bên bị vi phạm cụ thể để có căn cứ giải quyết.

Đối với chế tài hình sự mà TPP yêu cầu thắt chặt, tiêu chí quy mô thương mại làm căn cứ xử lý vi phạm hình sự phải được làm rõ hơn nữa để tạo điều kiện cho khởi tố hình sự.

TPP quy định chế độ thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở mức khắt khe hơn so với quy định hiện hành của Hiệp định Trips trong khuôn khổ WTO, vì vậy các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ có thể tăng mạnh khi làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bùng nổ. Do đó, song song với nội luật hóa, cần thúc đẩy đào tạo đội ngũ giám định viên và thẩm phán tòa án dân sự có chuyên môn tương ứng, đáp ứng yêu cầu nhân lực pháp chế về sở hữu trí tuệ trong thời gian tới.

Theo Dân Việt

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đài Loan chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP

Hãng tin CNA ngày 23/9 đưa tin, Đài Loan đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chưa đầy một tuần sau khi Trung Quốc cho biết quốc gia này cũng đã nộp đơn xin gia nhập hiệp định.

Đài Loan chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP
Khả năng nào cho quan hệ chiến lược Việt - Mỹ

Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ như những gì được nêu trong Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ 2017, Chiến lược quốc phòng Mỹ 2018 và Báo cáo Ấn Độ - Thái Bình Dương 2019.

Khả năng nào cho quan hệ chiến lược Việt - Mỹ
Return to top