ClockThứ Sáu, 05/08/2016 06:03

Sớm có những quyết sách phù hợp sau sự cố môi trường biển

TTH.VN - Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng đánh giá cao nỗ lực của Thừa Thiên Huế trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là chủ động ứng phó, ổn định tình hình trong sự cố môi trường biển.

Chiều 4/8, đoàn công tác Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội do ông Phan Xuân Dũng, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT dẫn đầu có buổi làm việc tại Thừa Thiên Huế về giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tại KKT Chân Mây – Lăng Cô và công tác xử lý sự cố môi trường biển. Làm việc với đoàn có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phan Ngọc Thọ, UVTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.

Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo Thừa Thiên Huế

Kịp thời ứng phó, hỗ trợ

Báo cáo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, công tác quản lý nhà nước về môi trường luôn được tỉnh quan tâm, trong đó đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường; công tác thẩm định và đánh giá tác động môi trường, kiểm soát nguồn ô nhiễm; đẩy nhanh tiến độ thực hiện xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng; quản lý chất thải rắn, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học...

Từ năm 2013, Ban quản lý KKT Chân Mây – Lăng Cô đã thực hiện quan trắc, giám sát chất lượng môi trường trên địa bàn, thực hiện lấy mẫu để phân tích, kiểm tra chất lượng các thành phần môi trường như không khí, tiếng ồn, đất, nước… tại một số dự án, cơ sở sản xuất và một số địa điểm tại KKT. Kết quả phân tích cho thấy chất lượng môi trường trên địa bàn KKT thời gian qua chưa có dấu hiệu ô nhiễm, phần lớn các chỉ tiêu nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn hiện hành.

Về ứng phó với sự cố môi trường biển, ngay sau khi sự cố xảy ra, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó cấp bách, trong đó tập trung xử lý hải sản chết bất thường, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật tạm thời áp dụng đối với các cơ sở NTTS; tổ chức đoàn kiểm tra, lấy mẫu nước, mẫu cá để xét nghiệm và nghiêm cấm sử dụng cá chết bất thường; tích cực tuyên truyền, vận động người dân vươn khơi bám biển, đánh bắt ở vùng biển xa bờ ngoài 20 hải lý; thường xuyên cho lấy mẫu nước tại các vùng biển trên địa bàn để phân tích và công bố chất lượng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường gần 700 tấn gạo và hơn 14 tỷ đồng. Từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức và cá nhân qua kênh mặt trận tổ quốc, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã chuyển đến tận tay người dân với tổng số tiền hơn 8,5 tỷ đồng.

Sớm trả lời câu hỏi “Khi nào biển sạch…”

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Ủy ban KHCN&MT và Thừa Thiên Huế cũng đã thảo luận, làm rõ một số tồn tại chung trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là các vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật hiện hành.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị, Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân và các chính sách đối với sản xuất, nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản; phát triển du lịch biển, đầu tư hạ tầng vùng ven biển, đầm phá… Đồng thời kiến nghị Quốc hội cần xem xét quy định lại công tác đánh giá tác động môi trường; làm rõ vị trí, nội dung đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, mối liên hệ giữa Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư và Luật Xây dựng…

Kết luận tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng đánh giá cao nỗ lực về lãnh, chỉ đạo của Thừa Thiên Huế trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, nhất là chủ động ứng phó, ổn định tình hình trong sự cố môi trường biển. Thời gian đến, đề nghị Thừa Thiên Huế tiếp tục công tác ổn định tình hình, an sinh cho ngư dân; công tác hỗ trợ phải thực hiện công bằng, công khai, minh bạch. Kiến nghị của tỉnh và những nội dung đoàn giám sát thu thập tại Thừa Thiên Huế sẽ được tổng hợp báo cáo Quốc hội để yêu cầu các bộ, ngành liên quan làm rõ, nhất là trả lời câu hỏi của người dân “khi nào biển sạch, khi nào tắm biển an toàn, ăn cá an toàn trong phạm vi 20 hải lý”.

Kiểm tra, giám sát thực địa tại KKT Chân Mây – Lăng Cô

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến của đoàn công tác; đồng thời mong muốn các vấn đề mà địa phương và người dân quan tâm sẽ sớm được tháo gỡ bằng những quyết sách phù hợp của Chính phủ và Quốc hội.

Cùng ngày, đoàn công tác Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội đã đi kiểm tra, giám sát thực địa tại KKT Chân Mây – Lăng Cô và đến nắm bắt tình hình, thăm hỏi, tặng quà, động viên bà con ngư dân xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc.

                                                                                                                  Gia Bảo

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào

Qua quan sát, diện chưa rộng lắm nhưng tôi đã “lờ mờ” nhận ra xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường (thường được gọi là xu hướng tiêu dùng xanh) đang dần hiện hữu và được coi trọng, nó không ở chỗ này thì ở chỗ kia. Xu hướng này chỉ có được khi đi cùng với nhận thức và những lĩnh vực tiêu dùng văn minh.

Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào

TIN MỚI

Return to top