ClockThứ Ba, 16/05/2017 14:37

Sơn Bồ không còn là “quê mới”

TTH - Khu định cư Sơn Bồ, thôn Bồ Điền, Phong Sơn (Phong Điền) hình thành sau cơn lũ lịch sử 1999 đang đổi thay từng ngày.

Đường sá ở Sơn Bồ không còn là nỗi ám ảnh cho con em mỗi khi đến trường

Ân tình

Con đường dẫn vào khu định cư Sơn Bồ khá sầm uất, cây cối xanh mát, nhà cửa bề thế.

Ông Lê Văn Bun, người dân Sơn Bồ kể, bây giờ cuộc sống bà con đã thay đổi nhiều. Hộ nào cũng nhà cửa kiên cố, đồ dùng sinh hoạt đầy đủ. Đường sá khang trang, ngày nào cũng có xe máy, xe tải vào ra chở hàng nhộn nhịp.

Ông Bun vẫn nhớ, ngày đó (sau trận “đại hồng thủy” năm 1999), một nửa làng cũ, gần 40 nóc nhà bên sông Bồ bị đe dọa bởi sạt lở. Nhiều gia đình rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.

Gần mười bảy năm, kể từ khi bà con được chính quyền xã đưa lên “quê mới” Sơn Bồ, giờ gói gọn mấy chữ “khu ân tình”. Đó là sự khởi phát khi nghe bà con Bồ Điền sống bên sông Bồ rơi vào cảnh mất đất, mất nhà sau lũ dữ, lãnh đạo huyện về thăm, rồi chỉ đạo địa phương lo ổn định cuộc sống cho bà con.

Ngày về “quê mới”, mỗi hộ được cấp 200m2 đất, hỗ trợ xây nhà. Tuy vậy, kế sinh nhai của bà con khi đến “quê mới” chưa chủ động. Giữa gian khó bủa vây những người vừa rời biền sông, trong tay không một tài sản nào đáng giá, đất đai, vườn tược đều ở làng cũ, người dân xóm nhỏ thôn Bồ Điền xuôi ngược giữa hai nơi, tảo tần chăm bón chút đất còn sót lại ở “quê cũ”.

Điệp khúc kéo dài, đêm đến ngược lên “quê mới”, sáng dậy trở về chốn cũ. Tôi nhớ vào năm 2005, khi đến thăm “khu ân tình”, nhà cửa nơi đây còn thưa vắng. Những nền đất phân lô dù có chủ nhưng chỉ để trâu bò gặm cỏ.

Mưa dầm thấm lâu, đảng bộ, chính quyền, đoàn thể địa phương tuyên truyền vận động; đặc biệt quan tâm về đất đai, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi. Những gia đình còn đất ở làng cũ được trở lại canh tác, trồng lúa, trồng hoa màu. Hàng năm, các chương trình, dự án ở tỉnh, huyện đều phối hợp, lồng ghép tạo điều kiện cho bà con Sơn Bồ tham gia, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng rừng kinh tế, bảo vệ rừng tự nhiên...

Không còn “quê mới”

Ông Trịnh Xuân Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Sơn cho biết, khu Sơn Bồ có hơn 22 hộ được hình thành sau cơn lũ  tháng 11 năm 1999. Nhờ định hướng đúng, bà con Sơn Bồ đẩy mạnh phát triển kinh tế từ trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài thu nhập từ nông nghiệp, bà con còn phát triển trồng rừng, vận chuyển vật liệu cát sỏi... Hiện gần 100% gia đình có nhà kiên cố, không còn hộ nghèo; 100% hộ được dùng điện và nước sạch

Chúng tôi ghé thăm nhà bà Lê Thị Sót, một trong những hộ dân trăn trở vì “đi không nỡ ở không xuôi” vào những ngày đầu khi rời quê cũ. Bà Sót không ngần ngại kể, thời gian đầu lên Sơn Bồ, bà và nhiều người ở đây nặng trĩu nỗi băn khoăn, thậm chí là không đồng tình vì chuyện ăn, ở khá bấp bênh.

Thế nhưng khi vào đây được chính quyền địa phương từng bước hỗ trợ đất xây nhà, tạo điều kiện có đất canh tác trồng lúa, làm rừng, chăn nuôi heo gà...; bây giờ, mọi thứ của gia đình bà Sót đã ổn. Nhà cửa không sợ bị trôi theo sông mỗi khi lũ về.

Vào lúc nông nhàn, muốn kiếm thêm thu nhập lại đăng ký vào đội quân làm “te” (lột vỏ cây) cho các chủ rừng, mỗi ngày thu nhập từ 250-300 nghìn đồng. “Bây giờ điều kiện ở địa phương thuận lợi, người dân không còn lo thất nghiệp, nghèo khó nữa”- bà Sót tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Phương, hộ gia đình về định cư ở khu Sơn Bồ vào năm 2003, giờ được xem là gia đình mẫu mực nhất vùng. Hiện vợ chồng chị Phương thực hiện đa ngành nghề, từ làm ruộng, trồng và thu mua rừng trồng đến phục vụ vận chuyển gỗ rừng trồng...

Nghe những câu chuyện chất chứa buồn vui, lo toan thời kỳ đầu người dân thôn Bồ Điền về định cư ở khu Sơn Bồ mới thấm thía được nỗ lực không chỉ của chính bà con mà cả tập thể chính quyền địa phương. Nhờ chính sách “thương dân”, nắm bắt thực tế, cán bộ xã giúp bà con tránh được thiên tai bên triền sông Bồ, vừa tạo kế sinh nhai khi tiếp tục canh tác nơi làng cũ. Chính điều ấy đã làm cho bà con tự tin để xây dựng khu Sơn Bồ ngày càng khang trang, đông vui, không còn là vùng đất lạ.

Minh Văn

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi thay từ các dự án chương trình mục tiêu quốc gia

Thông qua việc thực hiện các dự án (DA) với nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), bộ mặt nông thôn vùng miền núi đã có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi “giảm sâu”, nhiều mô hình kinh tế mở ra hướng đến sản xuất bền vững.

Đổi thay từ các dự án chương trình mục tiêu quốc gia
Đổi thay từ du lịch cộng đồng

Đi kèm những định hướng, quy hoạch cụ thể của chính quyền, để du lịch cộng đồng phát triển bền vững, yếu tố quan trọng nhất vẫn là phát huy được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư. Sự bổ trợ lẫn nhau của 2 yếu tố này đã tạo dựng niềm tin và là động lực để người dân mạnh dạn đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng.

Đổi thay từ du lịch cộng đồng
Đổi thay bên ni bờ phá Tam Giang

Bên tê phá có nhiều ngôi chợ lớn từ Vĩnh Tu, chợ Đò, chợ Mới, chợ Biện, chợ Đại Lược... thì cả vùng Quảng Thái, Quảng Lợi, Phong Chương rộng lớn chỉ có chợ Nịu (Quảng Thái) là đáng kể.

Đổi thay bên ni bờ phá Tam Giang
Đổi thay nơi thượng nguồn sông Truồi

Vùng Truồi không chỉ có Lộc An và bên kia là Lộc Điền, mà nơi thượng nguồn của dòng sông còn có một vùng đất có tên gọi Lộc Hòa đang ngày càng đổi thịt, thay da.

Đổi thay nơi thượng nguồn sông Truồi
Đổi thay từ lễ hội vùng cao

Không còn cảnh rùng rợn đâm trâu ở lễ hội mừng lúa mới của người đồng bào Cơ Tu xã Thượng Long, huyện vùng cao Nam Đông, thay vào đó dân làng tạo nên một con trâu bằng xốp tượng trưng để thực hiện nghi lễ.

Đổi thay từ lễ hội vùng cao
Return to top